Thu hút đầu tư bán dẫn và AI: Định vị mới của Đà Nẵng trên “bản đồ” FDI

Xác định bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là mũi đột phá trong thu hút FDI thời gian tới, Đà Nẵng đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...hàng đầu thế giới lựa chọn thành phố là địa điểm mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Ban quản lý khu Công nghệ cao và các khu Công nghiệp Đà Nẵng

Đón đầu làn sóng

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC).

DSAC có chức năng đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, Trung tâm còn liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Lãnh đạo Đà Nẵng kỳ vọng, DSAC sẽ trở thành một đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước.

Trước đó, cuối năm 2023, lãnh đạo TP. Đà Nẵng có đã nhiều chuyến công tác, làm việc với các công ty, tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Hội thảo Xúc tiến đầu tư “Đà Nẵng – Điểm đến đầu tư lĩnh vực bán dẫn” được TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng bán dẫn tại Hoa Kỳ. Tại đây, những lợi thế của điểm đến Đà Nẵng như: vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng phát triển, môi trường đầu tư - kinh doanh, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố đến các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng rất quan tâm.

Một Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng và Công ty ITSJ-G nhằm mục đích xúc tiến, thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ vào TP. Đà Nẵng và hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia vào chuỗi cung ứng của ITSJ-G đã được ký kết. Theo đó, hai bên phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư của TP. Đà Nẵng đến các nhà đầu tư, đối tác của ITSJ-G, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thu hút nguồn vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào TP. Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và lĩnh vực công nghiệp bán dẫn nói riêng.

Đến nay, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã thành lập 2 tổ triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP. Đà Nẵng”. Trong đó, Tổ công tác do Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh làm tổ trưởng, Tổ tư vấn do Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam làm tổ trưởng.

Ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc Kinh doanh Synopsys Khu vực Nam Á đánh giá, Đà Nẵng là địa phương “đi” rất nhanh trong “cuộc đua” đón đầu làn sóng về vi mạch bán dẫn. Mới khởi động từ tháng 10/2023 nhưng Đà Nẵng đã làm được một số việc cụ thể, trong có việc thành lập DSAC, trong khi đó các Bộ, ngành đang trình.

Trung tâm này có sự khác biệt so với các trung tâm khác của cả nước khi ngoài công tác đào tạo, trung tâm còn có thêm chức năng thu hút đầu tư và kết nối quốc tế.

Cạn quỹ đất, gia tăng công nghệ cao

Theo ông Trịnh Thanh Lâm, hiện nay, Đà Nẵng không còn quỹ đất lớn, vì vậy không nên lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ thông thường. Tổng thu nhập của người dân thành phố khoảng 5 tỷ USD, thu ngân sách hàng năm của Đà Nẵng dưới 1 tỷ USD. Những năm tiếp theo, nguồn thu ngân sách này sẽ còn thấp hơn khi Trung ương và thành phố có những chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, một công ty công nghiệp bán dẫn có 8.000 người nhưng mỗi năm làm ra 6 tỷ USD, cao hơn tổng thu nhập của người dân Đà Nẵng. Một công ty khác, không cần nhiều quỹ đất nhưng họ có 8.500 kỹ sư, mỗi năm doanh thu là 3,6 tỷ USD. Và những doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu này đã có mặt tại Việt Nam cũng như tại Đà Nẵng.

“Công nghiệp bán dẫn là công nghệ cao và Đà Nẵng trong bối cảnh sắp hết nguồn quỹ đất mà muốn phát triển thì buộc phải lựa chọn phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn”, ông Lâm khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho hay, năm 2024, Đà Nẵng ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số… đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam.

Đối với lĩnh vực vi mạch bán dẫn, tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ, Châu Âu (Đức, Hà Lan, Bỉ…), Nhật Bản đầu tư vào công đoạn thiết kế; thu hút các doanh nghiệp ở thị trường châu Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore) đầu tư vào công đoạn lắp ráp, kiểm thử, đóng gói và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn đầu tư vào thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng xác định vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng đột phá trong thời gian đến, hiện nay Đà Nẵng đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới lựa chọn thành phố là địa điểm mở rộng đầu tư, kinh doanh. Đà Nẵng mong muốn trở thành địa phương tiên phong trong phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI.

“Thành phố cũng đã báo cáo Quốc hội cho phép xây dựng một Nghị quyết đặc thù về phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến, trong đó, dự kiến sẽ có một chính sách về phát triển ngành vi mạch bán dẫn để trình Quốc hội”, ông Minh cho biết.

Với những kết quả khả quan bước đầu mà Đà Nẵng đã đạt được có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề, gợi mở quý giá để thành phố triển khai nhiều nội dung công việc tiếp theo. Qua đó, hoàn chỉnh Đề án, chương trình hành động triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố” và các cơ chế, chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam.

 

Chat qua zalo