Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở Quảng Nam đang chững lại
Ngày:23/09/2021 05:22:20 CH
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 13 Khu công nghiệp; trong đó có 10 khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai. Tổng diện tích các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai được quy hoạch là 4.950ha. Tỉnh Quảng Nam đã thu hút hơn 200 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 79.000 tỷ đồng, trong đó có 173 dự án đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua đã chững lại, nhất là trong 2 năm gần đây không có nhà đầu tư lớn, tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nguyên nhân được đưa ra là do tác động của đại dịch Covid-19, bên cạnh đó là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh nói chung, vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư...
Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Về các Cụm công nghiệp, tỉnh Quảng Nam có 55 cụm công nghiệp; thu hút 275 dự án đăng ký đầu tư, tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê hơn 709ha, tổng vốn đăng ký hơn 113 tỷ đồng, tổng lao động đăng ký hơn 62 nghìn người. Tỷ lệ lấp đầy 55 cụm công nghiệp hiện nay đạt 65,1% (trong đó có 29 cụm công nghiệp tỷ lệ lấp đầy hơn 50%). Tổng nguồn vốn đầu tư cho cụm công nghiệp đến nay hơn 410 tỷ đồng.
Trong buổi làm việc về tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu Ban quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cần xây dựng chiến lược dài hạn, linh hoạt trong xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Bên cạnh đó lưu ý đến việc xúc tiến hình thành khu hoặc cụm công nghiệp chuyên ngành dược liệu, qua đó thu hút các dự án công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm, để tận dụng nguồn nguyên dược liệu quý khá phong phú của Quảng Nam.
Ông Hồ Quang Bửu yêu cầu Ban quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp cần phối hợp với ngành liên quan và các địa phương tổ chức đánh giá lại tất cả khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đánh giá một cách toàn diện từng nơi và xây dựng giải pháp khắc phục những tồn tại đối với từng trường hợp; thống kê đầy đủ diện tích đất sạch, diện tích cần giải phóng mặt bằng, gắn với giải pháp phù hợp cho từng khu vực... Trên cơ sở này sẽ xây dựng chiến lược thu hút các dự án có tính dẫn dắt, khả thi và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững...
Được biết, trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố và chủ đầu tư các khu công nghiệp trên cả nước đã chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc xúc tiến đầu tư bất động sản công nghiệp và đã đem lại những thành công ban đầu, tạo tiền đề cho nhiều tỉnh, thành phố và chủ đầu tư các khu công nghiệp khác triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc xúc tiến đầu tư bất động sản công nghiệp trong thời gian tới đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19.