Thủ tướng yêu cầu xử lý vướng mắc chuyển giao không bồi hoàn tại các dự án FDI

Theo một số chuyên gia, các quy định liên quan đến chuyển giao không bồi hoàn tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho Nhà nước Việt Nam còn chưa nhất quán, chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa bảo đảm tính ổn định...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến về rà soát pháp luật dự án có nội dung chuyển giao không bồi hoàn.

Cụ thể, Thủ tướng đồng ý đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các quy định tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020 (Nghị định thay thế Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề vướng mắc hiện nay liên quan tới nội dung chuyển giao không bồi hoàn tại các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam, Bên Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án FDI, tránh phát sinh tranh chấp quốc tế theo đúng chỉ đạo tại Văn bản số 1590/VPCP-KTTH ngày 27/2/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, tổng hợp nội dung nêu trên trong quá trình xây dựng, trình ban hành dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo một số chuyên gia, các quy định liên quan đến chuyển giao không bồi hoàn tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho Nhà nước Việt Nam còn chưa nhất quán, chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa bảo đảm tính ổn định.

Thứ nhất, quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp nghị định. Bên cạnh đó, do bị nhiều luật khác nhau điều chỉnh như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công..., nên quy định đối với đầu tư PPP tại cấp nghị định không thể trái Luật.

Việc không thể phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công - tư dẫn đến quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều khó khăn, bất cập, có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tuân thủ hợp đồng dự án.

Hiện quy định về PPP ở nước ta được các nhà đầu tư đánh giá là có tính ổn định chưa cao. Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài 20 - 30 năm, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. 

Do vậy, rủi ro khi chính sách thay đổi là hiện hữu đối với nhà đầu tư, dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn, nhằm bù đắp những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu. Điều này gián tiếp làm tăng chi phí dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP, cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP chỉ quy định một cách chung chung là "ngày chuyển giao", không có quy định về việc xác nhận hay chứng thực những mốc thời gian quan trọng như thời gian kết thúc xây dựng hoặc bắt đầu quá trình chuyển giao dự án. Trong khi đó, việc xác định cụ thể những mốc thời gian này vô cùng quan trọng, vì đây là căn cứ để xác định các chính sách về bảo hiểm, ưu đãi hay xác định các chế tài cho những trường hợp chuyển giao công trình dự án chậm so với thời hạn cam kết.

Ngoài ra, hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể, bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công.

Chat qua zalo