Tình trạng thiếu hụt lao động giữa tâm dịch
Ngày:20/08/2021 08:42:59 SA
Nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do không thể đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” (ăn, ở, ngủ tại doanh nghiệp), một lượng lớn lao động về quê do không có việc làm dẫn đến việc thiếu hụt nhân công trong thời gian tới là điều được dự báo.
Thời điểm này, Công ty TNHH công nghệ môi trường WEPAR (quận Tân Phú, TPHCM) chuyên cung ứng máy móc, thiết bị lọc nước để tạo ra nguồn nước sạch đang tăng tốc hoạt động ngay giữa mùa dịch. Khi các nhà máy sản xuất nước uống đóng chai đang phải tăng ca liên tục để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước uống cho người dân địa phương, các khu cách ly.
“Việc nhiều nhưng công ty không đủ nhân sự để tham gia sản xuất, lắp đặt. Nguyên nhân là một phần lao động trong khu vực bị cách ly, phong toả; một phần sợ lây bệnh khi đi làm”, bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc công ty WEPAR cho biết.
Vấn đề “chảy máu” nguồn nhân lực hậu COVID-19 đã được nhiều hiệp hội các ngành nghề dự báo. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt nguy cơ đứt gãy trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Toàn ngành hiện chỉ vận hành 10-15% công suất. “Nhiều lao động từ các tỉnh phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai ồ ạt về quê tránh dịch. Nếu DN tái khởi động, thiếu nhân lực trở thành một thách thức lớn, dự kiến VITAS thiếu khoảng 40% lao động” - ông Giang nói.
Các ngành có lượng lao động lớn như dệt may, da giày, gỗ, tình trạng thiếu hụt công nhân đang diễn ra phổ biến. Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) nhìn nhận, tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra khá lâu và khi bùng phát dịch bệnh vấn đề lại càng trầm trọng hơn. Ngành gỗ hiện có đơn hàng rất tốt, nhiều DN nhận được đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 năm sau nhưng tình thế này đang khiến họ gặp khó với các kế hoạch sản xuất. Gần 600 DN hội viên HAWA chủ yếu có nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây đang căng mình thực hiện đơn hàng xuất khẩu. Nhưng lao động ở lại làm việc nhiều lắm cũng chỉ đạt 60-70%.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), dự kiến nhiều DN sẽ cắt giảm lao động trong quý 3/2021. “Từ nay đến cuối năm, thành phố cần gần 150.000 lao động. Các ngành kinh doanh thương mại, công nghệ thông tin, y tế, dệt may - da giày, chế biến lương thực - thực phẩm… là những ngành, lĩnh vực ít bị tác động bởi dịch bệnh và khả năng phục hồi mạnh mẽ nên nhu cầu lao động trong thời gian tới sẽ tăng”, đại diện FALMI cho biết.
Tìm mọi cách giữ chân
Để giữ người, bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, quyết định vẫn trả lương cơ bản cho công nhân tạm thời ngừng việc; nhân viên có con nhỏ được phụ cấp một khoản hàng tháng để họ có bớt áp lực kinh tế, có thêm động lực vượt qua mùa dịch. Đồng thời, công ty đăng ký cho 100% công nhân viên được sớm chích ngừa; trang bị đầy đủ khẩu trang, đồ bảo hộ cho nhân viên khi làm việc.
Công ty TNHH bánh kẹo Á Châu - ABC Bakery (quận 11,TPHCM) trong thời gian thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” đã xuất hiện ca mắc COVID-19 khiến nhà máy ngưng sản xuất. Sau thời gian cách ly tập trung, DN đón về được 20 nhân sự và bố trí cho họ ở những cơ sở lưu trú quanh nhà máy. Đồng thời công ty có lực lượng chuyên biệt để phục vụ, tiếp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu lẫn tinh thần cho họ. “Đây là việc mà DN cần làm nhằm giữ chân lao động để khi nhà máy trở lại hoạt động sẽ vận hành nhanh chóng. Trong giai đoạn này dù tốn thêm chi phí để bảo toàn nguồn nhân lực thì DN cũng phải chấp nhận”, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Bakery chia sẻ.
Mặc dù đang tạm ngừng sản xuất nhưng cơ sở thực phẩm Thanh Hảo (huyện Nhà Bè, TPHCM) vẫn giữ nguyên lương với công nhân đang tạm nghỉ việc. “Chúng tôi rất khó khăn nhưng vẫn có thể cầm cự được. Điều quan trọng lúc này là tìm cách giữ nguồn lao động chất lượng, có tay nghề. Chúng tôi chấp nhận trả đủ lương như trước với điều kiện công nhân cam kết không về quê. Như vậy nếu DN khi được mở cửa sản xuất trở lại, thì sẽ có nhân công quen nghề vào làm ngay; Như thế sẽ tốt hơn phải tuyển mới, đào tạo lại mất thời gian mà chưa chắc hiệu quả. Do đó, chúng tôi chấp nhận chi thêm để người lao động yên tâm ở lại”, ông Ngô Minh Hồng, chủ cơ sở Thanh Hảo phân tích.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, hiện các DN ngành thực phẩm đang sống trong trạng thái “phập phồng” dù đã làm “3 tại chỗ” rất tốt. Theo bà Chi, điều lo lắng của các DN là làm sao để giữ chân lao động. Bởi nếu không giữ được nhân công đã đào tạo nhiều năm thì có thể một tháng nữa, khi khống chế được dịch bệnh thì DN không có công nhân để sản xuất.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, khi thành phố đạt được miễn dịch cộng đồng, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ lấy lại đà tăng trưởng và phát triển bứt phá. Chính vì vậy, trong thời điểm này, việc bảo toàn nguồn nhân lực cũng là cách để “cứu” DN, bảo đảm sự ổn định của kinh tế thành phố. Do đó, việc chăm lo, bảo vệ lực lượng lao động hết sức quan trọng. Mỗi DN cần ý thức trong việc giữ chân người lao động dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn.