Tổng quan tình hình phát triển TP Hồ Chí Minh
Ngày:09/12/2019 10:00:05 SA
Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tọa độ địa lý khoảng 10010' – 10038’ vĩ độ Bắc và 106022'– 106054' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Với tổng diện tích hơn 2.095 km2, thành phố được phân chia thành 19 quận và 5 huyện với 322 phường - xã, thị trấn. Khoảng cách từ trung tâm thành phố đến biển là 50 km theo đường chim bay và cách thủ đô Hà Nội gần 1.730km đường bộ. Độ cao trung bình cao hơn 6m so với mực nước biển. Bề mặt địa hình cao ở vùng Bắc-Đông và thấp ở vùng Nam-Tây Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hệ thống kênh rạch trải dài hơn 2.900 ha rất thuận lợi cho việc tưới tiêu và tàu bè đi lại. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, Thành phố Hồ Chí Minh có hai mùa rõ rệt đó là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa bình quân hàng năm là 1.979 mm và mùa khô diễn ra từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với nhiệt độ trung bình hàng năm là 27,550C.
Trong quá trình phát triển và hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, dịch vụ của cả nước và là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về kinh tế, Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích và 9% dân số nhưng nhiều năm qua luôn giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước: Tạo ra 1/3 tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Về thương mại, Thành phố là trung tâm xuất nhập khẩu lớn nhất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cơ sở vật chất ngành thương mại được tăng cường với khoảng 400 chợ bán lẻ, 82 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, 3 chợ đầu mối và hơn 10 thương hiệu chuỗi cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Khu vực dịch vụ tăng trưởng hàng năm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư.
Về tài chính, Thành phố là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu cả nước về số lượng ngân hàng và doanh số quan hệ tài chính tín dụng. Doanh thu của hệ thống ngân hàng thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu toàn quốc. Nhiều dịch vụ tín dụng hiện đại được đưa vào ứng dụng, mạng lưới thanh toán được mở rộng.
Với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh hiện đại, có vị trí tương xứng với các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á, Thành phố đã tập trung nguồn lực để thực hiện phương châm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị nhằm hướng tới mục tiêu “xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X.
Về định hướng công nghiệp hóa của Thành phố là nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng hàm lượng giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị sản phẩm, năng suất cạnh tranh của nền kinh tế. Đến năm 2020 Thành phố Hồ Chí Minh vẫn sẽ là một trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhà đầu tư thực hiện dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hưởng được các lợi thế sẵn có như: nguồn lao động, cơ sở vật chất, dịch vụ phát triển và thị trường tiêu thụ rộng lớn,… Hơn thế nữa, Thành phố vừa được thực hiện cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách Nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý - một cơ chế chưa từng có tiền lệ, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, môi trường đầu tư của Thành phố.