TP.HCM thu hút 310,82 triệu USD và khoảng 14.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng Đà Nẵng

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng Dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch

Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đối với các sở, ngành, địa phương tại buổi kiểm tra tiến độ thi công các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch vào chiều ngày 19/2.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang kiểm tra tại Dự án khu tái định cư.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang kiểm tra tại dự án khu tái định cư.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Điện 2 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã hoàn tất phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 487/497 hộ dân; 10 hộ còn lại đang gặp phải vướng mắc về tranh chấp quyền thừa kế, chuyển nhượng…

Công tác xây dựng khu tái định cư giai đoạn 2 đã được triển khai hoàn thành và đang tổ chức bốc thăm bàn giao mặt bằng cho các hộ dân. Các gói thầu thuộc dự án cơ sở hạ tầng cũng đang tiếp tục được gấp rút thi công, trong đó gói thầu san gạt mặt bằng nhà máy hiện đang trong giai đoạn đắp đất khu vực nhà máy chính, khu phụ trợ và thi công tuyến đường phục vụ thi công; gói thầu sửa chữa nhà Ban Quản lý dự án đang được triển khai thi công phần mái và sơn, hoàn thiện; gói thầu kênh hoàn trả đang được đào, đắp đất mái bờ kênh, đổ bê tông cấu kiện đúc sẵn, dầm ngang…; gói thầu hàng rào và cổng đang thi công hoàn thành khoảng 30% khối lượng công việc.. Trong quá trình thi công các gói thầu, các đơn vị liên quan đã thực hiện khá tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn giao thông.

Sau khi trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công các hạng mục xây dựng khu tái định cư, cơ sở hạ tầng và nghe các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Quang đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành, địa phương liên quan, đồng thời lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới như chủ động xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai các dự án để đảm bảo an ninh trật tự nhằm thi công Trung tâm Điện lực Quảng Trạch đúng tiến độ đề ra.

Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Quang yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là những ý kiến, kiến nghị của người dân liên quan đến xây dựng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, giải phóng mặt bằng các hộ lấn chiếm theo đúng quy định. Xử lý dứt điểm đối với các hộ dân chưa nhận tiền, đã nhận tiền nhưng chưa di dời để trả mặt bằng thi công dự án.

Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc triển khai các dự án; thực hiện tốt đề án giải quyết việc làm cho người dân đã được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh trật tự khi thi công dự án; chú trọng công tác an sinh xã hội trên địa bàn…

Hơn 4.000 tỷ đồng cho Dự án Phát triển tổng hợp - Tiểu dự án Quảng Nam

Dự án Phát triển tổng hợp-Tiểu dự án Quảng Nam nhằm tăng cường tiếp cận cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thích ứng bền vững; nâng cao năng lực của tỉnh Quảng Nam trong công tác lập các kế hoạch và thực hiện kế hoạch thông qua thiết lập hệ thống hỗ trợ thông minh có tính đến yếu tố thích ứng và quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

Trong Đề xuất Dự án, tuyến ven biển Quảng Nam được ưu tiên quy hoạch đầu tư góp phần phát triển vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: Hà Minh
Trong Đề xuất dự án, tuyến ven biển Quảng Nam được ưu tiên quy hoạch đầu tư góp phần phát triển vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: Hà Minh

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh vừa ký tờ trình số 692/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất dự án Phát triển tổng hợp -Tiểu dự án Quảng Nam.

Đề xuất dựa trên căn cứ Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước… Trong đó, quy hoạch chú trọng phát triển kinh tế ven biển vùng Đông, nâng cao vai trò của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển du lịch-dịch vụ.

Cũng theo tờ trình thì tổng thể vùng Đông dự án đã được WB hỗ trợ nguồn vốn, nghiên cứu, khảo sát xây dựng và UBND tỉnh Quảng Nam đã lập đề xuất gửi các Bộ Kế hoạch-Đầu tư; Tài chính.

Mục tiêu cụ thể của dự án, theo Tờ trình là tăng cường kết nối, loại bỏ các trở ngại về cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế ven biển; cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa, kết hợp phòng chống ngập lụt và tiêu thoát lũ khu vực sông Trường Giang; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính của tỉnh và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư công; thúc đẩy kinh tế du lịch…

Quy mô đầu tư bao gồm: Hợp phần 1, xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng (bao gồm dự án thành phần 1 xây dựng tuyến ven biển Quảng Nam kết nối hạ tầng giao thông hiện có của vùng Đông với QL1A, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi); Dự án thành phần 2 nạo vét sông Trường Giang thông tuyến cửa Đại đến cửa Lở, phát triển du lịch từ Hội An đến vịnh An Hòa…

Khi đó, cầu Cửa Đại nối từ Hội An băng qua Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành sẽ phát huy tối đa công năng trong vai trò kết nối tuyến ven biển, các Khu du lịch, nghỉ dưỡng và Khu kinh tế ven biển. Ảnh: Hà Minh

Hợp phần 2 Thiết lập hệ thống quản lý thông minh số tích hợp (thiết lập hệ thống chính quyền điện tử; xây dựng đô thị thông minh Hội An…

Tổng mức đầu tư dự kiến 177,73 triệu USD tương đương 4.106 tỉ đồng theo cơ cấu: Vốn vay nước ngoài, vốn tài trợ WB, vốn vay WB và vốn đối ứng trong nước.

Cũng theo nội dung Tờ trình thì Đề xuất dự án đã được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dâ để xin ý kiến bổ sung hoàn thiện dự án.

VEC kiến nghị dừng một số gói thầu dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

Do vướng mặt bằng và vốn xây dựng nên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) kiến nghị dừng một số gói thầu tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. 

Theo văn bản của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư, gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An, TP.HCM, Đồng Nai), từ tháng 7/2019 đến nay, dự án bị đình trệ do không được bố trí vốn giải phóng mặt bằng và vốn xây lắp đường cao tốc.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cụ thể, đầu tháng 2/2020, đơn vị tư vấn giám sát C5 ở dự án này ước tính các chi phí phát sinh ở gói thầu J1 - xây dựng cầu Bình Khánh (bắc qua sông Soài Rạp nối Nhà Bè và Cần Giờ) và gói thầu J3 xây dựng cầu Phước Khánh (bắc qua sông Lòng Tàu nối Cần Giờ - TP.HCM và huyện Nhơn Trạch - tỉnh Đồng Nai) ước tính khoảng 70 triệu USD.

Theo đó, ngân sách phải bồi thường cho hai nhà thầu J1 và J3 số tiền trên do chi phí kéo dài thời gian hợp đồng và chi phí chờ đợi của nhà thầu vì chưa được cấp vốn thi công.

Để giảm tối đa các rủi ro về pháp lý và nguy cơ thiệt hại kinh tế nhà nước, VEC kiến nghị phương án tạm dừng thi công tất cả các gói thầu do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Đồng thời, VEC cũng kiến nghị tạm dừng hợp đồng thi công các gói thầu do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, trong trường hợp các thủ tục pháp lý thực hiện dự án chưa tháo gỡ được các vướng mắc và các nhà thầu không còn nguồn lực.

Được biết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công ngày 19/7/2014 với tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD), Bộ Giao thông vận tải dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2018.

Tuy nhiên, khoảng giữa năm 2019, các nhà thầu gói J1 và J3 đã có nhiều thư khiếu kiện về việc chủ đầu tư chậm thanh toán, yêu cầu chi trả bổ sung các chi phí có liên quan. Đặc biệt là nhà thầu gói J3 đã dừng thi công từ ngày 20/9/2019 và gói thầu J1 dừng thi công từ ngày 28/10/2019 đến nay. Nguyên nhân là do VEC không bố trí được nguồn vốn trả cho nhà thầu theo hợp đồng.

Đến nay dự án này đã thi công được khoảng 76% khối lượng và đang chậm tiến độ gần 2 năm.

Hải Phòng đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng xây dựng cầu Rào 1

HĐND thành phố Hải Phòng vừa quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1, dự kiến khởi công trong năm 2020. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 2.276 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.TIN LIÊN QUAN

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 934 tỷ đồng; chi phí xây dựng 1.072 tỷ đồng; còn lại là các chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí dự phòng.

Cầu Rào 1, Hải Phòng
Cầu Rào 1, Hải Phòng

Dự án được đưa vào danh mục các dự án công trình trọng điểm năm 2020 của thành phố. Theo đề xuất của Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, năm 2020 cần bố trí khoảng 1.550 tỷ đồng (bao gồm 50% chi phí xây dựng, tư vấn, 100% chi phí giải phóng mặt bằng). Năm 2021 sẽ cần bố trí khoảng 370 tỷ đồng, năm 2022 bố trí 355 tỷ đồng... Như vậy, dự kiến cầu Rào 1 sẽ được xây dựng trong năm 2020 và hoàn thành vào năm 2022.

Theo đó, thành phố sẽ ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư công để xây dựng mới cầu Rào 1 thay thế cầu cũ đã xuống cấp, nhằm nâng cao năng lực phục vụ, bảo đảm an toàn giao thông. Góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, làm thay đổi toàn diện diện mạo, cảnh quan khu vực, nâng cao hiệu quả khai thác đường Phạm Văn Đồng, đường Lạch Tray và cầu Hoàng Văn Thụ.

Cầu Rào mới có kết cấu vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị với chiều rộng 30,5 m, dài 456,4 m; 4 làn xe cơ giới cùng dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên; 2 nhánh rẽ lên xuống có bề mặt cắt ngang 9 m, mỗi nhánh gồm 7 nhịp có chiều dài 20-30 m. Cùng với đó là nút giao khác mức, cầu vượt nút giao khác mức phía đường Lạch Tray, cải tạo nút giao mặt đất liên quan tới đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi; xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường Lạch Tray; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, điện chiếu sáng mỹ thuật; xây dựng công viên cảnh quan hai bên đầu cầu...

Như vậy, từ phương án ban đầu là chỉ cải tạo, xây dựng lại cầu Rào 1, đến nay, Thành phố đã quyết định điều chỉnh, mở rộng, nâng quy mô đầu tư của toàn bộ khu vực cầu Rào 1, đáp ứng được yêu cầu hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện của một trong những cửa ô quan trọng nhất của Hải Phòng hiện nay.

Thừa Thiên Huế đẩy nhanh tiến độ Nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao

Ngày 18/2, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đến thị sát kiểm tra tại dự án Nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bà Phương Minh Huệ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Phương cho biết, dự án nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica) ra đời nhằm định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm cát Huế ít sắt chất lượng cao, là điều kiện cần thiết để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển ngành công nghiệp silica cũng như khai thác lợi thế của tỉnh.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ (áo khoác xanh) kiểm tra công trình xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ (áo khoác xanh) kiểm tra công trình xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao

Theo bà Phương Minh Huệ, đây sẽ là nhà máy chế biến dòng sản phẩm cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng công nghệ châu Âu. Các sản phẩm giai đoạn đầu của nhà máy sẽ cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất kính siêu trắng và kính pin năng lượng mặt trời trong nước.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỷ đồng; công suất 230.000 tấn sản phẩm/năm với dây chuyền công nghệ đạt chuẩn EU; diện tích sử dụng đất của dự án là 7,3 ha tại thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền.

“Tính đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Việt Phương đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng vào dự án, bao gồm cả các gói thiết bị công nghệ đã ký kết… và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm hơn 440 tỷ đồng để đến quý I/2021 nhà máy sẽ vận hành thử, kịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, bà Huệ chia sẻ.

Tại chuyến khảo sát, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, là điểm sáng cho lĩnh vực công nghiệp của tỉnh. Do đó, đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ xây dựng dự án theo hướng vừa đảm bảo an toàn chất lượng công trình, vừa bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh, bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu chính quyền huyện Phong Điền phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án sớm đi vào hoạt động để có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

“Dự án Hue Premium Silica là 1 trong 15 dự án trọng điểm mà tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm triển khai, khởi động trong năm 2020. Trước việc dịch viêm phổi cấp Covid-19 đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt của kinh tế xã hội, thì việc đảm bảo cho các dự án được triển khai theo đúng kế hoạch, tiến độ là rất quan trọng, là động lực để thúc đẩy cho các dự án khác tiếp tục được triển khai, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, tạo niềm tin và thu hút các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào tỉnh", Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Năm 2020, Đà Nẵng sẽ dành khoảng 14.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng

Làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang, Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, năm 2020 Thành phố sẽ chi khoảng 14.000 tỷ đồng để đầu tư về cơ sở hạ tầng, dự án và công trình trên toàn TP Đà Nẵng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn để tạo điều kiện cho thành phố phát triển, trong đó có huyện Hòa Vang.

Theo báo cáo của Huyện ủy Hòa Vang, năm 2019, kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục phát triển theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành dịch vụ và nông nghiệp.

Dự án Cao tốc La Sơn - Túy Loan tại đoạn qua xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng còn hơn 11km nữa không thể thi công vì không có mặt bằng.
Dự án Cao tốc La Sơn - Túy Loan tại đoạn qua xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng còn hơn 11km nữa không thể thi công vì không có mặt bằng.

Tổng giá trị sản xuất đạt hơn 9.600 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 100% dự toán. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nhiều khởi sắc. Huyện có thêm 7 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí mới.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự đô thị được chú trọng. Trong năm 2019 huyện đã giảm 910 hộ nghèo. Quốc phòng an ninh được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng và có chuyển biến trên tất cả các mặt.

Năm 2020, huyện Hòa Vang tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; trong đó huyện chọn chủ đề là Năm môi trường, trật tự đô thị và cải cách hành chính. Đến nay, huyện cũng đã quán triệt, tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW về tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Việc triển khai các bước chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đang tiến hành đảm bảo kế hoạch đề ra. Huyện Hòa Vang cũng kiến nghị thành phố giải quyết một số vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng, xây dựng nông thôn mới và các nội dung về công tác cán bộ và công tác xây dựng chính quyền.

Bí thư Đà Nẵng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong năm 2019, và cho biết năm 2020, thành phố sẽ dành khoảng 14.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án, công trình... trên toàn thành phố, trong đó huyện Hòa Vang có rất nhiều dự án chủ lực được ưu tiên vốn để hoàn thiện. Vì vậy, huyện Hòa Vang cần tập trung rà soát các dự án nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; Cấp ủy, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác quản lý đất đai đối với những khu vực đã được quy hoạch dự án, không để xảy ra tình trạng tách thửa đất sai quy định, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án về sau.

Bên cạnh đó, Bí thư nhấn mạnh huyện Hòa Vang cần rà soát lại các dự án chậm triển khai để làm tốt công tác quy hoạch, tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và không sản xuất được như hiện nay. “Môi trường của huyện Hòa Vang đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thành phố, vì thế cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phải giữ được rừng cũng như quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu huyện này đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết 03/NQ-BTV của Ban Thường vụ Thành ủy; tiếp tục chú trọng đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự xã hội; chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ các điểm nghẽn để tạo điều kiện cho Hòa Vang tiếp tục phát triển.

Phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Becamex Bình Định rộng 1.000 ha

Ngày 18/2, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 270/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Becamex Bình Định do Công ty cổ phần Becamex Bình Định làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, với quy mô 1.000 ha, địa điểm tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 3.333 tỷ đồng, bao gồm vốn góp của nhà đầu tư gần 500 tỷ đồng, vốn vay hơn 2.000 tỷ đồng và vốn huy động khác hơn 833 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phân kỳ dự án đầu tư; cụ thể hóa tiến độ triển khai dự án đầu tư theo quy định tại điểm d, khoản 8, điều 33 Luật Đầu tư. Trong đó lưu ý đảm bảo tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai khai Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex Bình Định, tỉnh đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện tuyến đường phía Tây tỉnh (còn gọi là tuyến ĐT 638), dài hơn 14,3 km, kết nối từ TP Quy Nhơn đến xã Canh Vinh (Vân Canh). Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án tổng thể giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án...

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương giai đoạn tới, cũng là dự án được Bình Định kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương đầu tư từ Hội nghị Kinh tế miền Trung diễn ra tại Quy Nhơn năm 2019.

Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn Hải

Ngày 17/2, Chính phủ đã có quyết định số 226/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn đến năm 2040.

Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên phạm vi nghiên cứu toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Vân Đồn, Quảng Ninh với 2.171,33km2. Trong đó, diện tích tự nhiên là 581,83km2, diện tích vùng biển là 1.589,5km2.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2018 là một trong những động lực phát triển quan trọng của KKT Vân Đồn.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2018 là một trong những động lực phát triển quan trọng của KKT Vân Đồn.

Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Vân Đồn được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.

Đến năm 2030, Vân Đồn có dân số khoảng 140.000-200.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 90.000-140.000 người, dân số quy đổi khoảng 50.000 – 60.000 người. Nhu cầu đất sử dụng khu chức năng khoảng 5.500ha. Đến năm 2040, dân số tăng lên khoảng 300 – 500.000 người, nhu cầu sử dụng đất khu chức năng 12.050ha.

Cấu trúc phát triển không gian khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; Vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; Vành đai đô thị dịch vụ, văn hoá và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, thực hiện phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, nhân lực thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh.

Trước đó, ngày 27/12/2018, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KKT Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng KKT Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh. Đồng thời, là trung tâm kinh tế và văn hoá của khu vực với trọng tâm phát triển là ngành dịch vụ và các ngành nghề mới, công nghệ mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ logistics, du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực.

Cụ thể, về kinh tế, mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu.

Về xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình trong các giai đoạn đến 2020, 2021 - 2025, 2026 - 2030 tương ứng là 6%, 11% và 8%. Quy mô dân số tăng từ 52 nghìn người năm 2019 lên 140 nghìn người vào năm 2030. Đến năm 2030, tạo khoảng 89 nghìn việc làm, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15 bác sĩ/1 vạn dân và 03 dược sĩ/1 vạn dân…

Mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, phấn đấu là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ, thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên…

Quyết định cũng đưa ra định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể, như: đối với du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng về di sản thiên nhiên thế giới trong khu vực, di sản văn hóa truyền thống, tạo lập môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn kết hợp với xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ để phát triển ngành du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 170 nghìn người nước ngoài đến Vân Đồn.

Về dịch vụ hiện đại, KKT Vân Đồn sẽ tập trung phát triển và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không, đẩy mạnh phát triển ngành logistics để đưa Vân Đồn trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, trở thành cửa ngõ chung chuyển hàng hoá vào khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Vân Đồn trở thành Trung tâm tài chính phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về công nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển một số ngành sử dụng công nghệ cao như y dược, sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin trong hệ thống sản xuất, công nghệ sử dụng nguyên liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng và môi trường…

Ngày 14/11/2019, Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý KKT Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã được ban hành.

Theo đó, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Vân Đồn. Hiện cơ cấu tổ chức, nhân sự của Ban vẫn đang trong quá trình sắp xếp, hoàn thiện.

Quảng Bình thống nhất chủ trương đầu tư một số dự án trọng điểm

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình đã thống nhất chủ trương đầu tư các dự án: Dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II; Dự án Khu du lịch và dịch vụ Sunrise Bảo Ninh; Dự án Đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp Vĩnh Hưng trên địa bàn tỉnh. 

Mô hình Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, II thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.
Mô hình Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, II thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình vừa có ý kiến chủ trương về đầu tư thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Các dự án được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến bao gồm: Dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II; Dự án Khu du lịch và dịch vụ Sunrise Bảo Ninh; Dự án Đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp Vĩnh Hưng.

Sau quá trình thảo luận và lấy ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã thống nhất chủ trương đầu tư các dự án trên cơ sở đảm bảo quy định, trình tự thủ tục.

Đối với Dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, Bí thư Hoàng Đăng Quang lưu ý, UBND tỉnh chỉ đạo làm tốt quy trình lấy ý kiến người dân, chính quyền địa phương nơi triển khai dự án, tạo sự đồng thuận cao; rút kinh nghiệm trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt chính sách đền bù cho người dân.

Đặc biệt là lựa chọn công nghệ, cần bảo đảm công nghệ tiên tiến, hiện đại để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng môi trường, cần có cam kết bảo vệ môi trường, công khai minh bạch thông tin. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm an ninh trật tự cho cả hai dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh giải quyết các vấn đề liên quan về ranh giới biển…

Riêng Dự án Khu du lịch và dịch vụ Sunrise Bảo Ninh của Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương triển khai các thủ tục bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để dự án có thể khởi công trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, là công trình chào mừng đại hội...

Với Dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại, giải trí cao cấp Vĩnh Hưng của Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng tại ven biển huyện Bố Trạch, Bí thư Hoàng Đăng Quang cho rằng, đây là dự án lớn trên địa bàn huyện Bố Trạch, có tính kết nối với thành phố Đồng Hới và Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai rà soát các thủ tục, bảo đảm hoàn thiện chặt chẽ đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần chú trọng quy hoạch ven biển, hệ thống đường ra biển và quảng trường biển; dự án phải có tính kết nối giao thông; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn…

Tháng 1/2020, TP.HCM thu hút 310,82 triệu USD vốn FDI

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tháng 1/2020, Thành phố thu hút được 310,82 triệu USD vốn FDI, bằng 41,68% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2019.

Sửa chữa ô tô là ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất tháng 1/2020 tại TP.HCM.
Sửa chữa ô tô là ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất tháng 1/2020 tại TP.HCM.

Cụ thể, báo cáo do bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cho biết, số vốn đầu tư FDI thu được tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước.

Trong đó, có 83 dự án đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 48,38 triệu USD, tăng 22,1% số dự án cấp mới và 47,9% vốn đầu tư so với cùng kỳ.

Ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác vẫn tiếp tục là ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất với 68,3%, tiếp theo là xây dựng chiếm 11,3%, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 10,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 4,3%, y tế và hoạt động trợ giúp chiếm 3,5%.

Đây cũng là tháng đầu tiên sau nhiều năm, hoạt động kinh doanh bất động sản không là ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất.

Các nhà đầu tư xếp đầu bảng trong việc rót vốn FDI vào Việt Nam là Singapore với 50%, tiếp theo là Nhật Bản chiếm 12,7%, Trung Quốc 10,7%, Britich Virgin Islands chiếm 8,6%, Hàn Quốc chiếm 8,1%, Hồng Kông chiếm 4,9%.

Ngoài ra, trong tháng 1/2020, đã có 16 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 40,97 triệu USD.

Thành phố cũng chấp thuận cho 484 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 221,45 triệu USD.

Bên cạnh những dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng, tính từ đầu năm đến ngày 20/1/2020, toàn Thành phố có 5 dự án chuyển địa điểm đi tỉnh, thành phố khác, đề nghị chấm dứt hoạt động vốn đầu tư 16,78 triệu USD.

Chat qua zalo