Từ làn sóng FDI tỷ USD 'xông đất' năm Tân Sửu
Ngày:21/02/2021 07:49:15 SA
Mặc dù bị tác động của COVID-19 nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những tháng đầu năm 2021 vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Bằng chứng là ngay từ đầu năm Tân Sửu, nhiều dự án FDI có số vốn lớn đã đổ bộ vào Việt Nam từ Bắc vào Nam.
Ngay trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, Việt Nam đã đón nhận dự án tỷ đô Nhiệt điện Ô Môn II. Nhiệt điện Ô Môn II là dự án có công suất thiết kế 1.050MW, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD, do liên danh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex) thực hiện.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ), dự kiến vận hành năm 2026. Vì thế, việc dự án này được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư có ý nghĩa rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng cho TP. Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước khi Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Dự án tăng vốn thêm 750 triệu USD của LG Display cũng được chấp thuận. Đây là lần thứ 4, LG Display tăng vốn đầu tư và sau lần tăng vốn này, Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 3,25 tỷ USD, trở thành dự án đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất tại thành phố cảng Hải Phòng. Được biết, sau khi được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, LG Display sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng, lắp đặt phần mở rộng, để đến tháng 5/2021 có thể bắt đầu đi vào sản xuất.
Những ngày cuối tháng 1/2021, Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên bang Nga) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp Chế biến thịt lợn tại tỉnh này với tổng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD. Theo dự kiến, AVG sẽ xây dựng tại Việt Nam một trang trại chăn nuôi lợn 5 triệu con/năm, diện tích ít nhất 1.000 ha. Trong đó, có 43 trang trại lợn thương phẩm và 3 trang trại lợn lai, nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp với công suất 2 triệu tấn/năm, lò mổ và nhà máy chế biến với sông suất 0,6 triệu tấn/năm với tổng diện tích khoảng 400 ha.
Cũng trong tháng 1/2021, Đà Nẵng đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 110 triệu USD. Đây là dự án của nhà đầu tư Mỹ, đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn - một lĩnh vực công nghệ cao mà Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư trong thời gian gần đây. Năm ngoái, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã đón nhận Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC (Mỹ). Vì thế, sự xuất hiện của United States Enterprises giống như một lời khẳng định về mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực công nghệ cao ở Đà Nẵng cũng như Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), một điểm tích cực trong thu hút vốn FDI của Việt Nam đầu năm 2021 tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao. Điển hình nhất là dự án 270 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang của Foxconn. Đây là nhà máy được cho là sẽ nằm trong chuỗi các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện cho sản phẩm của Apple. Chính vì thế, với sự xuất hiện của dự án này, "ông lớn" Apple gửi đã đi một thông điệp khá rõ ràng về việc sẽ dịch chuyển nhiều phân đoạn sản xuất về Việt Nam.
Ngoài dự án của Foxconn, còn có thể nhắc thêm một số dự án khá như Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 210 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Nghệ An… Đây đều là các dự án trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư.
Trong cuộc trao đổi với PV Nhadautu.vn trước tết Nguyên đán Tân Sửu, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, không chỉ với Samsung, mà các nhà đầu tư FDI nói chung đều nhận thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam ổn định hơn so với các nơi khác. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị tốt về hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, rút gọn các thủ tục hành chính, giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh để rút ngắn kế hoạch triển khai đầu tư của các doanh nghiệp.
"Trong thời gian tới, tôi tin rằng xu hướng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do vị thế của Việt Nam được cải thiện trên trường quốc tế sau chiến thắng của cuộc chiến phòng chống dịch COVID19 và các hiệp định thương mại được ký kết thành công", ông Choi Joo Ho nói.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới như cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1929-1933; tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam giảm sút.
Mặc dù thu hút vốn FDI có nhiều tín hiệu lạc quan, Việt Nam được các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, cần nhìn thẳng vào sự thật để nhận thức đầy đủ một số điểm yếu của môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta đã hạn chế năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh FDI toàn cầu sụt giảm. Đó là thể chế chưa hoàn thiện với gánh nặng các quy định pháp luật phức tạp, thủ tục cấp đất và giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp hợp đồng, quyền tài sản, rào cản phi thuế quan, phá sản doanh nghiệp, tình trạng tham nhũng, sách nhiễu của công chức nhà nước...
Thực tế, 3 chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ 1991 đến 2020 đã đặt nền móng vững chắc cho việc chuyển sang giai đoạn mới với mục tiêu năm 2030 GDP/người đat mức thu nhập trung bình cao, để 5 năm tiếp theo trở thành nước có thu nhập cao. Thu hút FDI đồng hành với quá trình phát triển đất nước, từ chỗ khuyến khích dự án thâm dụng lao động, khai thác tài nguyên chuyển dần sang dự án công nghệ cao, dịch vụ hiện đại gắn với chuyển giao công nghệ và hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, từ năm 2021, Chính phủ cần coi trọng hơn nữa chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực FDI theo định hướng của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Muốn vậy, ngoài việc tiếp tục cải cách thể chế và thực thi thể chế, cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ hơn nữa như cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện chính phủ số. Có như vậy, khu vực FDI mới có thể tiếp tục đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.