Tương lai chuỗi cung ứng ‘ít Trung Quốc’ hậu Covid-19

Sự bùng nổ của dịch Covid-19 càng làm rõ hơn ảnh hưởng từ thương mại toàn cầu vốn đang quá phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt phụ thuộc Trung Quốc, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi quốc gia này.

Theo một ấn phẩm tháng 4 của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center), có tới 90% người Mỹ xem Trung Quốc là một mối đe dọa, gia tăng đáng kể so với con số 48% của năm 2018.

"Trong thời đại thiếu lòng tin và sai lệch thông tin, đã đến lúc nước Mỹ cần phải nghĩ về cách tách kinh tế khỏi Trung Quốc", Michael Greenwald, Giám đốc Tiedemann Advisors, thành viên Trung tâm tin học và các vấn đề quốc tế thuộc trường Harvard Kennedy, từng đảm nhiệm nhiều vị trí cố vấn cấp cao, bày tỏ ý kiến trong bài "Achieving supply chain independence in a post-COVID economy" trên Atlantic Council. Atlantic Council là một tổ chức nghiên cứu, phân tích về các vấn đề quốc tế của khu vực Mỹ - Đại Tây Dương.

Trong khi Trung Quốc xem Mỹ là một nguồn cung cấp nguyên liệu thô, nông sản và năng lượng cho sản xuất các sản phẩm công nghệ và tiêu dùng, phía Mỹ lại phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc về thiết bị y tế, dược phẩm, ô tô và cả các sản phẩm công nghệ.

Nước Mỹ giờ đây có thể không còn hài lòng về sự phụ thuộc đó nữa. Đại dịch Covid-19 đã khiến sự không hài lòng này rõ ràng hơn tất thảy thời điểm khác như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính là thời điểm để Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia cùng ý định khác đa dạng chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Sự thay đổi này rõ ràng không thể diễn ra chỉ trong một đêm trong khi áp lực lại ngày gia tăng với những thị trường phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng từ Bắc Kinh.

Mỹ cùng các đồng minh như Đức, Pháp, hay Anh – vốn chán gét sự phụ thuộc vào Trung Quốc – có thể sử dụng thời điểm như hiện nay để bắt đầu chiến dịch rời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và tìm đến một trung tâm sản phẩm khác phù hợp hơn.

Thông qua sáng kiến ​​mạng lưới thịnh vượng kinh tế (Economic Prosperity Network) do Mỹ khởi xướng, các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới có thể sớm bắt đầu quá trình chuyển đổi này, ông Michael Greenwald nhận định.

Vì sao Trung Quốc giữ được vị trí “vua sản xuất”?

Trong hơn 30 năm qua, người tiêu dùng trên thế giới đã dần trở nên quá quen thuộc với cụm từ “Made in China” khi hàng loạt công ty nhận ra cơ hội phát triển và sản xuất tại quốc gia rộng lớn này.

Lực lượng lao động gần 900 triệu người, ít các điều khoản ràng buộc với các nhà máy, miễn thuế cũng như sự phá giá đồng Nhân dân tệ so với USD trong quá khứ đã giúp Trung Quốc trở thành thiên đường với các nhà sản xuất. Ngay từ đầu những năm 1900, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp này thay đổi cơ sở sản xuất vào Trung Quốc, tạo ra một hệ thống sản xuất xuất khẩu rộng lớn như ngày nay.

Tương lai chuỗi cung ứng ‘ít Trung Quốc’ hậu Covid-19?

Nhiều doanh nghiệp cân nhắc dịch chuyển một phần hoặc hoàn toàn chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc ngay cả khi dịch Covid-19 chưa diễn ra. Ảnh: REUTERS/Jason Lee/File Photo.

Kể từ năm 2009, sự tăng trưởng liên tục đã cho phép Trung Quốc giữ vững vị thế nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và tới năm 2013, Bắc Kinh đã vượt Washington để trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới.

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc trở thành trung tâm xuất nhập khẩu công nghệ thông tin và truyền thông của toàn cầu trong 10 năm đầu của thế kỷ này.

Một thế giới hiện đại phụ thuộc nhiều vào các liên kết công nghệ đã biến Trung Quốc thành một đối tác thương mại ngày càng quan trọng và khó có thể rời bỏ quốc gia này trong tương lai gần. Giống như một số quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề hiệu suất kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào đồng USD, không ít quốc gia và doanh nghiệp tỏ ra quan tâm tới khái niệm chuỗi cung ứng mới không tập trung xung quanh Trung Quốc.

Các lựa chọn thay thế

Khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và lợi nhuận của các doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở tại Trung Quốc, không ít chủ doanh nghiệp đã quyết định đưa sản xuất sang nơi khác để tránh thuế quan gia tăng.

Dù chuyện chuyển toàn bộ ra khỏi Trung Quốc chẳng dễ dàng, nhiều gã khổng lồ như Apple, Microsoft và Google cũng cho biết mong muốn bắt đầu quá trình chuyển dịch.

Các nhà sản xuất công nghệ lớn này đã lên kế hoạch chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Thái Lan vào cuối năm nay. Một số doanh nghiệp lớn khác tham gia vào quá trình chuyển sản xuất sang Việt Nam là Samsung, Intel, Nike và Adidas.

Hàng loạt doanh nghiệp đã chú ý hơn tới Việt Nam trong nhiều năm qua khi thị trường này có mức chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc và môi trường chính trị thuận lợi. Một trong những nhà sản xuất linh kiện của Apple, Luxshare Precision Industry, đã chuyển sang Việt Nam và đang tiên phong trong việc cải tiến chuỗi cung ứng ở Đông Á.

Với Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh vốn dựa nhiều vào thương mại dọc con đường tơ lụa Á – Âu trong nhiều thế kỷ, các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Dù đã có những nỗ lực thúc đẩy sản xuất về gần hơn như ở khu vực Bắc Phi và Đông Âu, các thị trường này dường như vẫn chẳng thể có lợi thế cạnh tranh về cơ sở hạ tầng và khả năng lao động so với Trung Quốc.

Dịch Covid-19 vạch rõ điểm yếu của Trung Quốc

Sự bùng nổ của dịch Covid-19 khiến cả thế giới đặc biệt nhận thức được ảnh hưởng do thương mại toàn cầu quá phụ thuộc lẫn nhau. Các nhà sản xuất tìm cách bảo vệ hàng hóa và phản ứng để đối phó với các cú sốc có thể diễn ra trong tương lai.

Về cơ bản, các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ vấp phải khó khăn trong chuyển đổi hoàn toàn quá trình sản xuất từ ​​các cơ sở tại Trung Quốc hiện nay do phụ thuộc vào sản phẩm linh kiện cuối cùng.

John Harmon, nhà phân tích cấp cao tại Coresight Research, đánh giá một số phần trong quy trình sản xuất có thể chuyển đi nhưng cần có thời gian để thiết lập. Hơn nữa, chẳng có quốc gia nào khác sở hữu nguồn lao động như Trung Quốc. Ngay cả khi có thể chuyển quy trình sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng không thể tránh khỏi việc phải sử dụng linh kiện từ Trung Quốc.

Tái sắp xếp các quy trình sản xuất và thay đổi chuỗi cung ứng rõ ràng phụ thuộc vào quyết tâm của các doanh nghiệp và các quốc gia, phụ thuộc vào cam kết cho một bước chuyển biến lớn. Cuộc khủng hoảng từ Covid-19 dường như càng làm nhấn mạnh hơn sự cấp bách của quá trình này.

Sự thay đổi chuỗi cung ứng trên không chỉ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các công ty mà còn tác động lâu dài tới nến kinh tế Trung Quốc vốn đang phụ thuộc lớn vào nguồn đầu tư nước ngoài và các công ty quốc tế.

Bối cảnh địa kinh tế mới

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mỹ mà còn tác động tới các đơn vị trên toàn thế giới.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe dành khoảng 240 tỷ JPY (3,2 tỷ USD) cho việc hỗ trợ các công ty trong nước tách chuỗi cung ứng của khỏi Trung Quốc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp chế tạo có giá trị gia tăng cao. 

Tại Pháp, Bộ trưởng tài chính Bruno Le Maire từng tuyên bố: “Chúng ta phải giảm sự phụ thuộc cung ứng các sản phẩm nhất định vào một số cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường chủ quyền trong các chuỗi giá trị chiến lược như ô tô, hàng không vũ trụ và thuốc”.

Trong bối cảnh nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế, các đối thủ cạnh tranh 5G như Ericsson và Nokia đã bắt đầu mở rộng hoạt động sang các địa điểm mới tại Mỹ và Ba Lan. Tuy nhiên, giữa giai đoạn phát triển và hội nhập toàn cầu, một quốc gia sẽ rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu từ người dân nếu có hệ tư tưởng cô lập về kinh tế. Phần lớn quá trình cung ứng, cụ thể là linh kiện, đã cố thủ trong sự vận động của nền kinh tế Trung Quốc là điều không thể phủ nhận.

Dù vậy, Covid-19 kéo theo những thay đổi chưa từng có buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại hoàn toàn những gì có thể duy trì được trong dài hạn. Khủng hoảng toàn cầu như Covid-19 cô lập việc tiếp cận chuỗi cung ứng, cô lập đầu vào hay sản xuất thì mức chi phí thấp chẳng mang nhiều ý nghĩa.

Sự dịch chuyển rõ ràng không thể diễn ra theo quy mô lớn hay ngay lập tức rút ra khỏi Trung Quốc nhưng nhiều doanh nghiệp đã hành động để đa dạng hóa nguồn cung và giảm thiểu nguy cơ đe dọa từ những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai bằng cách tìm nguồn cung ứng linh kiện từ các quốc gia khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp có khả năng chuyển sản xuất sang các khu vực khác để giảm sự không chắc chắn từ nguồn cung xuyên biên giới.

Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc xoay xở phục hồi sau đại dịch nhanh hơn phần còn lại của thế giới, các doanh nghiệp có thể sẽ lại quay trở về quốc gia này.

Việc đa dạng hóa nguồn cung ứng và sản phẩm lắp ráp đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ các nhà sản xuất mới có thể đạt được một bước tiến đáng kể. Mỹ đã thể hiện rõ quyết tâm này trong kế hoạch thành lập mạng lưới kinh tế thịnh vượng (Economic Prosperity Group) với sự góp mặt của “bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và mới đây mời thêm ba quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.

Nguồn: Theleader.vn

Chat qua zalo