Việt Nam: Cứ điểm sản xuất hàng công nghệ mới của thế giới
Ngày:26/07/2022 04:07:08 CH
Tạp chí về đầu tư Moneyweek của Anh vừa có bài viết các sản phẩm "Made in Vietnam" đang khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Theo Moneyweek, nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử đều chung đánh giá là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam như một bảo chứng cho chất lượng. Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất hàng điện tử của thế giới khi Trung Quốc - vốn luôn chiếm lĩnh ở vị trí công xưởng sản xuất toàn cầu đã và đang bị thách thức do chiến lược "Zero COVID".
Sau khi hàng loạt nhà cung ứng lắp ráp lớn nhất của Apple chuyển chuỗi sản xuất các sản phẩm như AirPods và iPad sang Việt Nam, đến lượt Xiaomi - một trong những tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu Trung Quốc cũng đã có động thái tương tự, chuyển một phần dây chuyền nhà máy sang Việt Nam.
Giữa tháng 7 vừa qua, hãng này chính thức thông báo bắt đầu bán các sản phẩm điện thoại "Made in Vietnam" ra thị trường.
Chất lượng các sản phẩm điện tử sản xuất tại nhà máy Việt Nam, gắn nhãn "Made in Vietnam" đều rất tốt. Chúng sẽ được bán không chỉ tại trường Việt Nam mà còn được cung ứng cho cả Đông Nam Á. Và chúng tôi sẽ không chỉ sản xuất smartphone tại Việt Nam mà còn các thiết bị điện tử thông minh khác nữa… như sản phẩm kết hợp cả trí tuệ nhân tạo và IoT", ông KM Leong - Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Xiaomi International cho biết.
Hay như Compal - nhà lắp ráp máy tính lớn thứ 2 thế giới đến từ Đài Loan (Trung Quốc) tiết lộ đang lên kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng lượng đơn hàng ngày càng tăng của khách hàng quốc tế.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam là chủ đề đang thu hút trên nhiều diễn đàn quốc tế. Hầu hết các phân tích đều cho rằng, việc Việt Nam vươn lên trở thành một trong những cứ điểm điểm sản xuất hàng điện tử của thế giới là điều dễ hiểu. Bởi xu hướng dịch chuyển nhà máy sẽ diễn ra khi ngành sản xuất tại một quốc gia đạt đến giai đoạn phát triển nào đó.
Theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, nhờ có dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực công nghệ, Việt Nam đã chuyển mình và trở thành một trung tâm sản xuất điện tử trong khu vực Đông Nam Á. Chính phủ đã có những chính sách thuận lợi và thân thiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, Samsung đầu tư vào trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD. Đây là một trong những trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á. Do vậy các sản phẩm điện tử "Made in Vietnam" sẽ mang tính cạnh tranh hơn.
Trong khi đó theo ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về phát triển phần mềm, chỉ sau Ấn Độ.
"Chúng tôi tin tưởng rằng với chính sách minh bạch và nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước thành công trong việc phát triển nền kinh tế số. Và nó sẽ thúc đẩy việc giảm chi phí cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam", ông Alain Cany cho biết.
Và để nâng cao việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao; kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, tháng 6 vừa qua, Thủ tướng chính phủ để phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. 9 nhóm giải pháp đã được đưa ra và nhận được sự đánh giá cao.
Các doanh nghiệp FDI tin tưởng, sự vươn lên của các sản phẩm điện tử "Made in Vietnam" sẽ là động lực tốt cho cả Đông Nam Á, khi khu vực này được dự báo sẽ là "thỏi nam châm" sản xuất điện tử của thế giới trong thời gian tới.