Việt Nam đang ở đâu trên “đường đua” đón dòng vốn FDI?

So với Indonesia, nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI, Việt Nam có lợi thế ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Thêm vào đó, Việt Nam rất hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn.

Bộ phận phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có Báo cáo cập nhật ngành khu công nghiệp, trong đó chỉ ra những lợi thế được xem là sức cạnh tranh của Việt Nam về khả năng thu hút làn sóng FDI mới.

Để tận dụng cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần có nhiều nhiều chính sách, sự hỗ trợ để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài.

Covid-19 mở ra bước ngoặt mới

Theo SSI, dịch Covid-19 đang mở ra một bước ngoặt mới, với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng, tránh sự phục thuộc quá nhiều vào một quốc gia. Covid-19 cũng làm cho sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.

Một số doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu tuyển dụng, tìm kiếm chuỗi cung ứng, và Việt Nam là một trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển bên cạnh các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Thailand hay Malaysia.

So sánh với Indonesia, nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI, Việt Nam có lợi thế ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Thể chế chính trị củaViệt Nam rất hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn (quy định ưu đãi thay đổi theo từng trường hợp).

Đồng thời, Việt Nam cũng tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Indonesia không tham gia. Về vĩ mô, gần đây tiền đồng Việt Nam rất ổn định so sánh với biến động của đồng rupiah của Indonesia.

Dữ liệu của Collier International so sánh tỷ lệ lấp đầy và giá thuê các khu công nghiệp ở các nước Đông Nam Á trong quý 1 vừa qua cho thấy Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45-50% so với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Theo báo cáo của Jetro năm 2019, chi phí lao động của Việt Nam cũng thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Về giá điện, theo EVN, so sánh giá điện năm 2019 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê cho thấy, giá điện của Việt Nam đạt mức 80% so với giá điện của Indonesia; 42,1% so với giá điện của Philippine và 66,7% so với giá điện của Campuchia.

Dọn tổ đón “đại bàng”

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam, Việt Nam phải làm sao để tận dụng được lợi thế của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất. Điều này không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ toàn diện từ chính quyền trung ương về các chính sách ưu đãi, quản lý rủi ro và đầu tư công vào cơ sở hạ tầng mà còn là cả sự thích ứng nhanh chóng của các chủ đầu tư nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau từ các đơn vị sản xuất.

Phát biểu tại buổi tọa đàm với chủ đề “Hậu Covid-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), cho rằng để tận dụng cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần phải thực hiện nhiều việc. Sự cạnh tranh đến từ các nước trong khu vực ngày càng tăng, do vậy cần có nhiều nhiều chính sách, sự hỗ trợ để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài.

“Nghị quyết 50 xác định chủ trương, tạo tiền đề cơ bản để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc... là những việc cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp hơn”, ông Thắng nói và nhấn mạnh cần vạch ra các kế hoạch cụ thể, từ chủ trương đến thực tế, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có cơ hội, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19. Nhưng để đón đầu làn sóng này, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, cần có các giải pháp thích hợp.

Trong đó, có bốn lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Một số ý kiến cho rằng, họ sử dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư như hỗ trợ về thuế, đất đai, các biện pháp về xúc tiến đầu tư, các biện pháp ngăn chặn sự đứt gãy của chuỗi cung ứng; các biện pháp ứng phó thiếu hụt lao động.

Ngoài ra, để thu hút được các nhà đầu tư cũng xây dựng chính sách nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để đón được làn sóng đầu tư mới này. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan. Địa phương nào có dự án thì bổ sung vào thành phần của địa phương đó để giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra.

Nguồn: Cafeland.vn.

Chat qua zalo