Việt Nam đạt kỷ lục xuất siêu hơn 20 tỷ USD
Ngày:05/12/2020 12:31:27 CH
Bất ngờ đến từ đối tác của Apple - Goertek
Nếu như Samsung, LG là những cái tên đã quá quen thuộc trong các bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có xuất nhập khẩu, thì lần này, có một cái tên rất mới - Goertek. Nhà đầu tư này trước đây đã xây dựng một nhà máy ở Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư 208 triệu USD, và đầu năm nay, quyết định dốc thêm 260 triệu USD để mở rộng sản xuất.
Goertek chính là một trong những cái tên nổi đình đám ở Việt Nam trong nửa đầu năm nay, khi các thông tin về việc Apple quyết định sản xuất AirPods sang Việt Nam được công bố. Goertek là một trong những nhà lắp ráp AirPods chính của “quả táo cắn dở”, cũng là một nhà cung ứng linh kiện cho Samsung. Theo kế hoạch, thị trường Việt Nam sẽ sản xuất tổng cộng 30% sản lượng AirPods trên toàn cầu.
Có lẽ, đấy là một trong những nguyên nhân khiến lần đầu tiên, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lên Chính phủ về tình hình thương mại hàng hóa của Việt Nam, cái tên Goertek đã xuất hiện. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do nhu cầu về các sản phẩm điện tử, máy tính cá nhân phục vụ làm việc tại nhà, nên xuất khẩu mặt hàng điện tử và linh kiện vẫn đạt tăng trưởng tốt; mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng trưởng mạnh và chủ yếu do xuất khẩu sản phẩm tai nghe không dây tăng mạnh. “Sản phẩm chủ yếu đến từ Công ty Samsung Electronics, LG Electronics và Goertek”, yếu tố mới đã bất ngờ xuất hiện như vậy.
Số liệu thống kê cho thấy, 11 tháng qua, xuất khẩu máy tính và linh kiện đạt 40,2 tỷ USD, tăng 24,3%; còn xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23,9 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những mức tăng trưởng rất ấn tượng.
Tất nhiên, đóng góp cho sự tăng trưởng này không chỉ có Goertek, mà còn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy do Covid-19 mà dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Nhờ thế, kinh tế Việt Nam đã được hưởng lợi và xuất khẩu của Việt Nam vẫn có tăng trưởng, đi ngược chiều với xu hướng chung của thế giới. 11 tháng, con số ước đạt 255 tỷ USD, tăng trên 5%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn nhập khẩu khiến sau 11 tháng, xuất siêu của Việt Nam ở mức kỷ lục 20,1 tỷ USD trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Đây là một điểm sáng của nền kinh tế, mà một lần nữa, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2020, các thành viên Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao.
Ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao điều này. Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã bày tỏ sự bất ngờ khi bất chấp Covid-19, Việt Nam có xuất siêu kỷ lục. Con số này cao gần gấp đôi so với con số xuất siêu 10,8 tỷ USD của 11 tháng năm ngoái.
Tiềm ẩn những rủi ro
Xuất siêu kỷ lục, nếu chỉ xét thuần túy về mặt con số, thì đó là điều đáng mừng cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Nhưng nếu “mổ xẻ” kỹ hơn, có thể thấy những điều cần quan tâm.
Không có gì khó hiểu khi một lần nữa, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đóng góp cho mức xuất siêu lần đầu tiên Việt Nam đạt được là khu vực đầu tư nước ngoài. 11 tháng qua, khu vực này (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,5 tỷ USD, trong khi khu vực trong nước nhập siêu 12,4 tỷ USD.
Đó là xuất siêu 11 tháng dù ở mức rất cao, nhưng chủ yếu là do tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc, với các con số tương ứng là 70 tỷ USD, tăng gần 26% và 43 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu vào EU và một số thị trường như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm từ 3% đến 10%. Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có những tác động tích cực nhất định, nhưng chúng ta còn chưa khai thác hết được tiềm năng. Bằng chứng là, xuất khẩu vào EU vẫn đang trong xu hướng giảm, bất kể đã có EVFTA.
Rõ ràng, đang có những bất ổn trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trước mắt, vẫn có thể chấp nhận được tình hình do Covid-19, nhưng về dài hạn, có thể dẫn tới việc “phụ thuộc” vào một vài thị trường, khiến tăng trưởng xuất khẩu và xuất siêu thiếu bền vững.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc đến điều này, đặc biệt là những cơ hội, cũng như thách thức liên quan đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Vấn đề không chỉ là nhiều đối tác trong Hiệp định có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia..., dẫn đến cạnh tranh có thể gay gắt, khốc liệt hơn trên cả thị trường xuất khẩu và nội địa, mà còn là những lo ngại về việc khó có thể cải thiện, điều hòa cán cân thương mại với các nước trong Hiệp định khi Việt Nam đang nhập siêu từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN, nhưng lại đang xuất siêu lớn sang Mỹ.
“Điều này có thể tăng thêm nguy cơ về sự phụ thuộc kinh tế, cũng như phải chịu các biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…, không chỉ ở thị trường Mỹ, mà còn các thị trường khác trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận xét.
Ở góc độ khác, rủi ro từ xuất siêu cao còn có thể dẫn đến sự suy giảm sản xuất. 11 tháng qua, Việt Nam có xuất siêu kỷ lục cũng một phần là do nhập khẩu chậm lại. Thậm chí, xu hướng sụt giảm đã kéo dài trong 10 tháng qua, chỉ đến sang tháng 11, tình hình mới được cải thiện.
11 tháng, kim ngạch nhập khẩu của cả nước ước đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chủ yếu là nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất, chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đây là tín hiệu tốt cho thấy chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa quốc tế đang dần được kết nối trở lại.
Tuy nhiên, thực tế là nhập khẩu vẫn tăng trưởng chậm và điều này cho thấy, sản xuất trong nước chưa thực sự phục hồi hoàn toàn.