Việt Nam, điểm đến của dòng vốn FII từ Singapore
Ngày:10/08/2020 08:32:02 SA
Thu hút được nhiều vốn là các doanh nghiệp đầu ngành bất động sản, tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ, hàng không…
. |
Nhắm vào doanh nghiệp đầu ngành bất động sản
Không khó để kể tên những tập đoàn bất động sản lớn có trụ sở ở Singapore đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Đó là CapitaLand Limited; liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Becamex - VSIP phát triển thành công chuỗi khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại nhiều tỉnh, thành phố; hay Keppel Land với nhiều thương vụ góp vốn, mua bán quỹ đất tại Việt Nam…
Trên thị trường chứng khoán, “khẩu vị” ưa thích của các nhà đầu tư Singapore cũng là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản.
Theo thông tin từ Vingroup, nhóm nhà đầu tư nước ngoài do Công ty Quản lý quỹ đầu tư KKR (Mỹ) đứng đầu, trong đó có Temasek (Singapore), là bên đã chi ra 15.100 tỷ đồng (650 triệu USD) để mua thỏa thuận hơn 200 triệu cổ phiếu VHM (6% vốn điều lệ) của Vinhomes trong phiên 15/6. Giao dịch được KKR thực hiện qua Quỹ Asian Fund III. Sau giao dịch, nhóm này trở thành cổ đông lớn của Vinhomes, trong khi Vingroup tiếp tục là cổ đông kiểm soát doanh nghiệp này. Credit Suisse (Singapore) Limited đóng vai trò cố vấn tài chính duy nhất cho Vingroup.
Một quỹ đầu tư khác của Chính phủ Singapore là Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC), hiện cũng nắm giữ gần 6% cổ phần của Vinhomes.
Được thành lập năm 1981, GIC là quỹ đầu tư quốc gia đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu cốt lõi là “đầu tư dài, sinh lời cao”, nhằm đảm bảo sức mạnh tài chính của Singapore. Tại thời điểm 31/3/2020, theo công bố của GIC, danh mục dài hạn của GIC gồm 6 loại tài sản: cổ phiếu tại các thị trường phát triển 15%, tại thị trường mới nổi 15%, trái phiếu và tiền mặt 44%, đầu tư tư nhân 13%, địa ốc 7% và trái phiếu chính phủ ngừa lạm phát 6%. Cơ cấu này thể hiện chiến lược phân bổ tài sản của GIC nhằm đạt được mức sinh lời tốt trong dài hạn, trong khi vẫn hạn chế được rủi ro.
Sức hút lớn của hàng tiêu dùng, bán lẻ
Tháng 5/2020, Ardolis Investment Pte.Ltd thuộc sở hữu của GIC thông báo đã mua vào 38.916.667 cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan, nâng tỷ lệ sở hữu MSN từ 5,64% lên 8,97%. Dữ liệu giao dịch cho biết, mức giá mà Ardolis Investment mua vào là 60.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng quy mô giao dịch lên tới 2.335 tỷ đồng (xấp xỉ 100 triệu USD).
Sau giao dịch, nhóm GIC nắm giữ tổng cộng khoảng 152,27 triệu cổ phiếu MSN, tương ứng tỷ lệ sở hữu 13,03%. Năm 2018, GIC cũng từng chi 100 triệu USD để mua vào 24,5 triệu cổ phiếu MSN.
Động thái đáng chú ý khác là tháng 2/2020, quỹ này bố cáo về việc 2 tổ chức đại diện cho GIC là Credit Suisse AG (chi nhánh Singapore) và Ardolis Investment Pte. Ltd không còn nắm giữ cổ phần tại Công ty CP Phát triển thương mại và dịch vụ VCM, đơn vị sở hữu Vincommerce. Toàn bộ cổ phần tương ứng tỷ lệ sở hữu 16,26% tại VCM đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước. Đây là lượng cổ phần mà GIC đã thỏa thuận cùng Vingroup về việc đầu tư 500 triệu USD để sở hữu.
Cuối năm 2019, thương vụ sáp nhập đình đám giữa VCM và Masan Consumer Holdings được thực hiện. Theo đó, một doanh nghiệp mới sẽ được thành lập để nắm cổ phần tại VCM (nhận 83,74% cổ phần từ Vingroup) và Masan Consumer Holdings (nhận 85,7% từ Tập đoàn Masan).
KKR và Temasek đều là những quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới và đã hiện diện tại Việt Nam thông qua những khoản đầu tư hàng trăm triệu USD. Trong đó, Temasek là quỹ đầu tư trực thuộc Chính phủ Singapore, quản lý danh mục trị giá 231 tỷ USD tính đến ngày 31/3/2019.
Ngoài ra, GIC còn đầu tư vào Vinamilk, FPT (hiện nắm 2% vốn), Vietjet (sở hữu 4,99% vốn sau khi bán hơn 70.000 cổ phiếu vào hồi tháng 5/2020).
Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà đầu tư chuyên nghiệp của Singapore cũng thắng. Đơn cử, năm 2018, GIC thoái toàn bộ khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS). 5,4 triệu cổ phiếu VNS đã được sang tay, giá trị giao dịch khoảng 80 tỷ đồng - thấp hơn hẳn so với giá gốc đầu tư hồi tháng 4/2014, GIC đã chi khoảng 200 tỷ đồng để sở hữu. Động thái thoái vốn khỏi VNS của GIC diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của hãng taxi này liên tục đi xuống, giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh.
Ngoài các nhà đầu tư nói trên, còn có thể kể đến Jardine Cycle & Carriage (JC&C) có trụ sở tại Singapore, công ty con của Jardin Matheson Group (trụ sở tại Hồng Kông). Năm 2017, thông qua Quỹ Platinum Victory (thuộc JC&C), JC&C đã chi hơn 400 triệu USD để mua vào gần 49 triệu cổ phiếu VNM của Vinamilk, nâng tổng vốn đầu tư vào Vinamilk có giá trị thị trường trên 1 tỷ USD tại thời điểm đó.
Hiện, Platinum vẫn đang sở hữu 10,6% vốn tại Vinamilk.
Cùng với đó, Platinum đang sở hữu 29% vốn tại CTCP Cơ điện lạnh (REE) - nắm giữ từ nhiều năm trước và vẫn liên tục đăng ký mua vào để sở hữu, nhưng bất thành, bởi REE luôn kín room ngoại ở mức 49% và chưa có chủ trương nới room.
Chưa hết, cuối năm 2019, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) thông qua kế hoạch phát hành hơn 30,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Jardine Cycle & Carriage Limited, tương ứng 1,34% cổ phiếu đang lưu hành. Với giá phát hành 128.500 đồng/cổ phiếu, ước tính số tiền JC&C phải chi ra để hoàn tất thương vụ này khoảng 3.894 tỷ đồng.
Nhìn vào những thương vụ trên, có thể thấy, “khẩu vị” của các nhà đầu tư Singapore là đầu tư vào giá trị cốt lõi để nhận được lợi ích lâu dài, chứ không đi theo biến động của giá cả thị trường.n