Việt Nam: Điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn của khu vực và toàn cầu
Ngày:15/01/2021 02:04:37 CH
Nhiều doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài đều nhìn nhận Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn của khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19.
Nền tảng kinh tế Việt Nam cho phép tin tưởng vào tương lai tốt hơn
Ông Matthew Lourey, Luật sư điều hành Acclime Vietnam
Việt Nam được nhìn nhận là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Điều này có được là do thế mạnh và các cơ hội xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nền kinh tế đang phát triển và mở cửa với thế giới với một loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và gần đây là RCEP.
Việt Nam nổi bật lên là một trong số ít quốc gia chứng tỏ rằng mình đang lấy thương mại quốc tế làm nền tảng phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút bởi điều này và chúng tôi rất vui được hỗ trợ họ bằng cách gia nhập thị trường và phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Năm 2021 sẽ là một năm quan trọng đối với Acclime. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ nhân lực và văn phòng tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Dù không thể đoán trước được điều gì có thể xảy ra, song nền tảng kinh tế hiện tại ở Việt Nam cho phép tin tưởng vào một tương lai tốt hơn.
Việt Nam rất cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài
Ông Anatolijus Fouracre, CEO Công ty Swiss Post Solutions
Chính phủ Việt Nam rất cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài, dành nhiều ưu đãi đối với các lĩnh vực đầu tư thân thiện môi trường và phát triển bền vững.
Chúng tôi là một doanh nghiệp thuê ngoài quy trình kinh doanh (Business Process Outsourcing - BPO), một lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng tôi nhận thấy môi trường kinh doanh tại đây khá tốt, chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố quan liêu của chính quyền địa phương, cũng như nhận được sự quan tâm và nhiều chính sách đãi ngộ từ Ban quản lý Công viên phần mềm Quang Trung - nơi chúng tôi đặt trụ sở.
Tôi cũng nhận thấy những chuyển biến lớn trong việc cải thiện hạ tầng tại Việt Nam gần đây. Điều này sẽ giúp tích cực trong việc thu hút đầu tư. Song, tôi cho rằng, ngoài sản xuất và dịch vụ, Việt Nam nên đầu tư nhiều cho giáo dục để cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
Nhiều công ty Nhật Bản tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM
Theo khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO), gần một nửa (46,8%) công ty Nhật Bản tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh trong 1 hoặc 2 năm tới. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình (36,7%) của các công ty Nhật Bản trong số 20 quốc gia/khu vực ở châu Á và châu Đại Dương.
Việt Nam được các công ty Nhật Bản ưa chuộng nhờ quy mô kinh tế và thị trường tiêu thụ ngày càng tăng với nhiều người trẻ. Để các công ty Nhật Bản có thể mở rộng kinh doanh, việc tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác chặt chẽ hơn với các công ty Việt Nam sẽ là chìa khóa để vượt qua nhiều thách thức khác nhau, chẳng hạn như việc mua các nguyên vật liệu và phụ tùng trong lĩnh vực sản xuất ngay tại Việt Nam, hay nâng cao nhận thức trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ.
Bà Wendy Matthews, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam
Vào tháng 7/2020, Thủ tướng New Zealand và Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược như một trong những trụ cột quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước. Việc ký kết hiệp định RCEP mà New Zealand và Việt Nam là thành viên sẽ tạo ra cơ hội cho các chuỗi cung ứng phát triển linh hoạt hơn. New Zealand và Việt Nam cũng là đối tác trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand và Hiệp định CPTPP.
Dựa trên số liệu thống kê thương mại gần đây, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 12 của New Zealand. Đối với New Zealand, Việt Nam ngày càng là một đối tác kinh tế và thương mại quan trọng trong khu vực và chúng ta có thể thấy mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Trong năm nay, dù còn nhiều khó khăn, nhưng một số công ty New Zealand đang tìm cách thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm và đồ uống, sản xuất, công nghệ thông tin, nông nghiệp.
Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI
TS. John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT
Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các thành viên RCEP khác trong việc thu hút FDI, bao gồm thị trường nội địa khá lớn và giàu tiềm năng sinh lợi với quy mô trên 97,5 triệu dân, cùng một chính phủ dành nhiều tâm huyết đem đến môi trường ổn định, dễ tiếp cận cho tất cả các nhà đầu tư. Chi phí lao động thấp và lực lượng lao động đã quen với yêu cầu làm việc do các công ty đa quốc gia đặt ra.
Các lĩnh vực đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm bao gồm năng lượng tái tạo, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, vì cần phải tính đến những tác động sắp tới của biến đổi khí hậu toàn cầu, còn nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác có thể khai thác hoặc chế biến.
Tôi kỳ vọng rằng, RCEP sẽ giúp đẩy mạnh các xu hướng đầu tư hiện có. Hoạt động sản xuất và lắp ráp từ Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được đẩy mạnh. Nhiều khả năng lĩnh vực năng lượng sẽ thu hút thêm đầu tư, khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng sẽ khởi sắc sau đại dịch.
Các nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn
Ông Lim Hua Tiong, CEO, Công ty Frasers Property Vietnam
Tăng trưởng kinh tế nhanh và các tiền đề vĩ mô mạnh mẽ, các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng và hệ thống chính trị ổn định cũng như nguồn lao động dồi dào đang là các lợi thế lớn của Việt Nam trong việc thu hút FDI so với nhiều nước khác.
Các nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn còn nhờ vào nỗ lực có hiệu quả của cả Chính phủ và người dân trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Trong chiến lược phát triển của Frasers Properties Việt Nam, bất động sản nhà ở sẽ vẫn là trụ cột chính của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng sẽ đa dạng hóa sang phân khúc văn phòng và bất động sản công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn và nhà kho, cũng như phát triển các đô thị lớn tại Việt Nam.
Điểm đến hấp dẫn cho đầu tư Hoa Kỳ
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư Hoa Kỳ. Một trong những lợi thế của Việt Nam là vị trí địa lý gần với các thị trường chính và trung tâm sản xuất trong khu vực. Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hiệp hịnh định thương mại tự do như EVFTA, CTPTP. Đây còn là quốc gia có tốc phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới, là một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương trong năm nay.
Tuy nhiên, một trong những thách thức của doanh nghiệp Hoa Kỳ khi đầu tư tại Việt Nam là cơ sở vật chất. Việt Nam cần phải phát triển hệ thống đường cao tốc, cảng biển và đường sắt. Ví dụ, việc xây dựng đường sắt ở Hà Nội cần kết nối với cả nước. Các trung tâm logistics và cảng biển cần tiếp tục đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần hoàn thiện các quy định để phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Hiện nay, rất nhiều người Việt Nam đang hoạt động tích cực trên các mạng xã hội như Facebook và LinkedIn. Điều này sẽ góp phần vào quá trình đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều
Bà Châu Tạ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam
Việt Nam là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Australia tại ASEAN. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại ASEAN lớn thứ 5 của Australia, sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Điều quan trọng, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của Australia, với thương mại hai chiều đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều đối tác thương mại lớn nhất của Australia.
Sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Australia bao gồm sự ổn định chính trị, lực lượng lao động có tay nghề cao và vị trí địa lý tốt. Tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc gần đây của Việt Nam (7,02% vào năm 2019), cũng hấp dẫn các nhà đầu tư Australia. Nhiều công ty của Australia đã đầu tư vào Việt Nam như Đại học RMIT, Đại học Swinburne, Sunrice, ANZ, Austal và DEK… trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, tài chính và sản xuất.