Việt Nam liên tiếp thăng hạng về phát triển bền vững
Ngày:13/12/2020 02:59:48 CH
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đã liên tiếp tăng thứ hạng về phát triển bền vững những năm gần đây.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020 diễn ra sáng 10/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thông tin, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 49 trên thế giới về phát triển bền vững.
Theo Phó Thủ tướng, kể từ khi Việt Nam cam kết Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về phát triển bền vững, sau 1 năm Việt Nam tăng liên tiếp 20 bậc lên xếp hạng thứ 68 trên thế giới về chỉ số này.
"Đến năm 2018, chúng ta tăng tiếp 11 bậc lên xếp thứ 57 trên thế giới, năm 2019 tăng 3 bậc lên thứ 54 và năm nay chúng ta cố gắng nhiều hơn tăng 5 bậc lên thứ 49 trên thế giới về phát triển bền vững", Phó Thủ tướng điểm lại.
Theo Phó thủ tướng, trong 17 nhóm mục tiêu về phát triển bền vững có 3 mục tiêu xoá nghèo, chất lượng giáo dục và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang làm rất tốt. Ngược lại có 3 chỉ tiêu làm chưa tốt đó là bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước và hợp tác công - tư.
Việc vươn lên xếp hạng thứ 49 trên thế giới, cho thấy Việt Nam đã có những bước rất cụ thể, có tiến bộ và được thế giới đánh giá cao. Bởi lẽ với một quốc gia đang phát triển mà có chỉ tiêu xếp dạng dưới 50 trên gần 200 quốc gia là rất xuất sắc.
Ngoài 2 chỉ tiêu đã đạt thứ hạng dưới 50 từ trước là "chất lượng giáo dục phổ thông" và "đổi mới sáng tạo", năm 2020, Việt Nam có thêm chỉ số "phát triển bền vững" đứng thứ dưới 50.
Thành công này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế cũng như các nước khác.
"Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh những thách thức về thiên tai, dịch bệnh, một thách thức rất lớn nội tại là đến lúc này Việt Nam mới chỉ có 2.000 doanh nghiệp là thành viên của cộng đồng phát triển bền vững và mới chỉ có 15% số doanh nghiệptiếp cận được thông tin về phát triển bền vững, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Như vậy, chỉ riêng việc lan toả thông tin về phát triển bền vững và chuyển thành hành động ngay trong cộng đồng doanh nghiệp đã là một thách thức rất lớn, Phó Thủ tướng chỉ ra.
"Thách thức lớn nhưng đây là việc phải làm", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020
Hiện tại, dịch Covid-19 đang đe doạ toàn thế giới, mặc dù đã có những tín hiệu tích của của vaccine nhưng để trở lại bình thường vẫn là câu chuyện của tương lai.
Đối với Việt Nam, để có thể hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt trong điều kiện sinh hoạt bình thường như vậy là nhờ sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng, người dân cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ.
"Phát triển bền vững cũng tương tự như vậy, chúng ta chỉ có thể thành công khi tất cả mọi người đều nhận thức được rằng phải phát triển bền vững. Đây là nhiệm vụ buộc phải làm chứ không phải 'phú quý rồi mới sinh lễ nghĩa'", Phó Thủ tướng kết luận.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực, tuyên truyền còn phải xây dựng khuôn khổ pháp lý để những doanh nghiệp nào đi ngược phải bị xử lý, doanh nghiệp nào phát triển bền vững thì phải được hỗ trợ, tôn vinh, Phó Thủ tướng cho hay.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu phát triển bền vững phải gắn liền với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như không thể tách rời với xu thế của chuyển đổi số.
Chỉ khi làm tốt các nội dung trên, phát triển bền vững mới thực sự đạt được những mục tiêu mà Việt Nam đề ra, Phó Thủ tướng kết luận.
Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020 do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBSCD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức.
Diễn đàn năm 2020 được tổ chức với chủ đề "Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội" đã nhận được nhiều đóng góp, chia sẻ của các doanh nghiệp về những mô hình sản xuất kinh doanh "xanh", ứng dụng kinh tế tuần hoàn nhằm tạo ra giá trị bền vững, thân thiện với môi trường, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực phát triển bền vững trong bối cảnh đầy thách thức.