VIỆT NAM LIỆU CÓ TRỞ THÀNH “CÔNG XƯỞNG” TIẾP THEO CỦA THẾ GIỚI NHỜ VÀO LÀN SÓNG DỊCH CHUYỂN SẢN XUẤT RA KHỎI TRUNG QUỐC?

Việt Nam gần đây được giới chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, những đánh giá này được đưa ra khi mà nhiều công ty đa quốc gia đình đám, được cho là đã chuyển các nhà máy sang Việt Nam để xây dựng lại chuỗi cung ứng của họ. Liệu Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng" tiếp theo của thế giới hay không? Câu hỏi này gần đây đã trở thành một chủ đề được thảo luận cực kỳ sôi nổi.

Đánh giá dựa trên các lĩnh vực sản xuất, Việt Nam đã thu hút nhiều nhà sản xuất hàng dệt may và các ngành công nghiệp cấp thấp khác tới đặt nhà máy sau khi các công ty này rời khỏi Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua, do chi phí lao đông tại Trung Quốc ngày càng tăng cao. Ví dụ, năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia sản xuất sản lượng giày Nike lớn nhất thế giới. Cho đến nay, sức hút của Việt Nam đối với các doanh nghiệp sản xuất dệt nhuộm, may mặc, giày dép… vẫn chưa hề giảm sút.

Trong khi đó, các đại gia trong lĩnh vực công nghệ và điện tử quốc tế cũng đang dịch chuyển vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhiều chuyên gia nhận định, nước ta sẽ trở thành trung tâm sản xuất mới cho ngành công nghiệp điện tử toàn cầu. Olympus của Nhật Bản và Samsung của Hàn Quốc đã đóng cửa các nhà máy của họ tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và chuyển hoạt động sang Việt Nam kể từ những năm 2015. Cho tới nay, Samsung đã đầu tư hàng chục tỷ đô la vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất lớn tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Các đại gia công nghệ cao cấp khác như Intel, Schneider, Jabil và Nokia của Microsoft cũng đã rót vốn vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy và cơ sở sản xuất quy mô lớn.

Chính làn sóng dịch chuyển thực tế của các doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam không ngừng gia tăng trong thời gian qua, đã khiến giới phân tích đầu tư quốc tế đặt ra câu hỏi về năng lực của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và như đã đề cập đến ngay ban đầu, câu hỏi được đặt ra là: liệu Việt Nam có thể thay đổi Trung Quốc để trở thành công xưởng của thế giới?

Mặc dù câu hỏi nói trên đã được bàn luận vô cùng sôi nổi, thì việc nền sản xuất Việt Nam có thể thay thế hoàn toàn nền sản xuất của Trung quốc vẫn là 1 thách thức vô cùng lớn.

Đặc biệt là yếu tố then chốt về khả năng cung ứng sản xuất nội tại. Chuỗi cung ứng và công nghiệp của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải cải thiện rất nhiều mới có thể so sánh với Trung Quốc về cả tính đầy đủ và tính toàn diện. Sau nhiều năm là “công xưởng” của thế giới, Trung Quốc đã phát triển chuỗi cung ứng và công nghiệp hoàn chỉnh nhất trên thế giới, với hàng ngàn hoặc thậm chí hàng chục ngàn nhà cung cấp địa phương có sẵn để sản xuất các sản phẩm tinh vi.

Với vị trí hiện tại, Việt Nam vẫn còn phải gây dựng một thời gian dài nữa mới có một nền tảng tương đối toàn diện với hệ sinh thái đa dạng các nhà cung cấp địa phương. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của Trung Quốc - bao gồm đường, cảng và các hỗ trợ hậu cần khác - cũng vượt trội so với cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy vì vấn đề chuỗi công nghiệp, về cơ bản, Việt Nam không thể hoàn toàn tiếp quản Trung Quốc về năng lực sản xuất. Kết luận này có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, để chúng ta có thể nhìn nhận một cách thực tế về năng lực của mình, đánh giá đúng vị trí của nước ta hiện tại trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó không ngừng cải thiện nền tảng sản xuất ngày càng toàn diện đi cùng phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Tuy Việt Nam không thể hoàn toàn tiếp quản vai trò “công xưởng” thế giới từ Trung Quốc như đã nói trên. Không thể phủ nhận được rằng, Việt Nam có đủ năng lực để tiếp quản một phần, cũng như là một lựa chọn vô cùng tốt để đầu tư sản xuất. Giả sử lượng vốn Việt Nam có thể đón nhận nhiều nhất vào khoảng 3-5% từ các doanh nghiệp đang đầu tư ở Trung Quốc. Tỉ lệ đó cũng vô cùng hấp dẫn với Việt Nam, bởi tổng vốn đầu tư đã được thực hiện ở Trung Quốc là trên 2000 tỷ USD. 

Các chuyên gia quốc tế cho rằng chi phí lao động thấp là yếu tố chính đằng sau sự hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam đối với các công ty đa quốc gia. Khi mà chi phí lao động ở Việt Nam nói chung bằng khoảng một phần ba đến một phần tư so với hầu hết các khu vực trên lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên các yếu tố khác như dân số trẻ, sự gần gũi về địa lí với Trung Quốc, môi trường chính sách hỗ trợ và tăng trưởng kinh tế vững chắc cũng góp phần tạo nên sức hút vô cùng lớn cho môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt các công ty nước ngoài.

Bên cạnh đó, thông qua khống chế thành công đại dịch Covid-19, Việt Nam đã phô bày ra 2 lợi thế mới. Thứ nhất là năng lực xử lý của Chính phủ với sự cố khủng hoảng toàn cầu. Thứ hai là khả năng chống chịu của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp khi khủng hoảng xảy ra. Quý I/2020 Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng 3,82% trong khi nhiều quốc gia tăng trưởng âm. 

 

Chat qua zalo