Việt Nam – Nhật Bản: Hợp tác chặt chẽ, hiệu quả về thương mại, công nghiệp và năng lượng
Ngày:10/01/2020 02:40:26 CH
Ngày 6/1/2020, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á lần này. Bộ trưởng Motegi Toshimitsu khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng của Nhật Bản trong khu vực châu Á và trên thế giới, và chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện hiện có giữa hai nước.
Hai Bộ trưởng cùng nhau chia sẻ và ôn lại quá trình hợp tác đàm phán CPTPP trước đây, nhất là những kỷ niệm về sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để thúc đẩy hoàn tất đàm phán CPTPP trong những thời điểm khó khăn. Hai Bộ trưởng hài lòng nhận thấy hai nước đã thực thi đầy đủ các biện pháp cụ thể hóa các cam kết trong CPTPP và thống nhất đánh giá rằng CPTPP đã ‘‘đơm hoa kết trái’’ mang lại lợi ích cụ thể cho các nước thành viên. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ nổi lên, căng thẳng thương mại gia tăng, thương mại toàn cầu suy giảm, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản và một số các thị trường thành viên CPTPP vẫn tăng trưởng tích cực. Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực phối hợp với phía Nhật Bản nhằm thúc đẩy các thành viên còn lại sớm hoàn tất phê chuẩn và thực thi Hiệp định CPTPP (bao gồm Brunei, Chile, Malaysia và Peru).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên định thực hiện đường lối mở cửa đất nước trong những năm vừa qua. Những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết, tham gia đã và đang đem lại những kết quả tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế. Việt Nam và Nhật Bản đều mong muốn tiếp tục thúc đẩy hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia đầy đủ của 16 nước thành viên. Trong bối cảnh một số nước lớn có khả năng rút khỏi Hiệp định do không đạt được thỏa thuận về một số vấn đề song phương, hai Bộ trưởng khẳng định, đánh giá cao vai trò của Nhật Bản và Việt Nam trong việc dẫn dắt đàm phán RCEP và tháo gỡ, thu hẹp khoảng cách giữa các nước trong RCEP. Việt Nam và Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tham vấn, đối thoại với các đối tác chính nhằm tìm ra những phương án phù hợp để giải quyết các vướng mắc hiện tại. Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cũng sẽ tham vấn, làm việc với các nước ASEAN khác để tìm sự đồng thuận trong nội khối, cùng phối hợp trao đổi và thuyết phục các Bên thể hiện sự linh hoạt nhất định để Hiệp định RCEP có thể kết thúc hoàn toàn đàm phán và được ký kết trong năm 2020.
Bên cạnh đó, hai Bộ trưởng đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi ý kiến về các nội dung hợp tác song phương trong các lĩnh vực như thương mại, công nghiệp và năng lượng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản, tiến hành các hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc một số doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa của Nhật Bản đang mở rộng đầu tư vào hệ thống kênh phân phối của Việt Nam. Việc doanh nghiệp Nhật Bản mở thêm nhiều chi nhánh, cửa hàng tại thị trường Việt Nam có thể dẫn tới sự ra đời của các chuỗi cung ứng hàng hóa có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng hoan nghênh sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản trong các dự án cảng LNG và nhiệt điện khí LNG, hay trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô tại Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, các đơn vị của Bộ Công Thương sẽ sớm giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản trong các lĩnh vực phụ trách của Bộ Công Thương. Đối với một số vướng mắc có sự liên quan của nhiều Bộ, ngành (cho phép miễn thuế theo diện ưu đãi cho dự án công nghiệp hỗ trợ, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ trong các dự án BOT về nhiệt điện, dầu khí…), Bộ Công Thương sẽ tham vấn, có ý kiến với các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… để sớm giải quyết các vấn đề này, bảo đảmquyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng mong muốn Bộ trưởng Ngoại giao Motegi Toshimitsutrên cương vị đồng chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản (cơ chế do hai Bộ Ngoại giao chủ trì) sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với ưu tiên phát triển tập trung vào một số ngành công nghiệp gồm: ngành ô tô và phụ tùng ô tô, ngành công nghiệp máy nông nghiệp, ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Motegi Toshimitsu nhất trí khẳng định quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian sắp tới sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, tiếp tục góp phần quan trọng vào sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản như hình ảnh bông hoa sen luôn sâu sắc, thắm màu, không phai, sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.
Nguồn: Báo công thương