Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của Intel

Nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) tại TP.HCM của Tập đoàn Intel (Mỹ), nhiều khả năng sẽ tiếp tục được rót thêm vốn đầu tư trong thời gian tới.

Nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) tại TP.HCM là một trong 10 địa điểm sản xuất và có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống toàn cầu của Intel.

Công nghệ hiện đại nhất

Trao đổi về kết quả hoạt động sau 15 năm nhận giấy phép đầu tư vào Việt Nam, ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch phụ trách sản xuất và vận hành, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (IPV) nhớ lại, tháng 3/2007, nhà máy được khởi công xây dựng với vốn đầu tư đăng ký 1,04 tỷ USD, đánh dấu sự bắt đầu cho ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Năm 2010, nhà máy này chính thức đi vào sản xuất.

Theo ông Kim Huat Ooi, trong 10 năm qua, IPV đã đạt những mốc quan trọng về sản xuất, xuất khẩu. Đó là, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức 50 tỷ USD, đã xuất khẩu 2 tỷ đơn vị sản phẩm.

“Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song IPV vẫn ghi nhận kim ngạch xuất khẩu kỷ lục là 13,1 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM”, ông Kim Huat Ooi thông tin.

Đầu năm nay, Tập đoàn Intel đã công bố đầu tư thêm 475 triệu USD cho nhà máy IPV, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 1,5 tỷ USD.

Theo đại diện IPV, các công nghệ mới nhất, hiện đại nhất của Intel được đầu tư cho nhà máy tại Việt Nam. Đó là công nghệ Intel Hybrid và các công nghệ sản xuất sản phẩm 5G, Intel Core thế hệ thứ 10.

“Các công nghệ này được đưa vào để phục vụ sản xuất, lắp ráp, kiểm định các sản phẩm mới, mở rộng danh mục sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam”, đại diện IPV cho biết.

Với tổng vốn đầu lên đến hơn 1,5 tỷ USD, nhà máy tại Việt Nam của Intel không chỉ là nhà máy chế tạo ATM lớn nhất trong hệ thống, mà còn có đủ nguồn lực duy trì công nghệ hiện đại, nâng công suất chế tạo từ 13 triệu đơn vị lên 15-16 triệu đơn vị sản phẩm/tuần…

Sẽ rót thêm vốn lớn

Tính đến nay, IPV có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu và là đơn vị tiếp nhận đầu tư công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam. Công ty có hơn 2.700 nhân viên.

"Intel sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất, chuyển đổi công nghệ lắp ráp và thử nghiệm, đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển đội ngũ của mình tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào khi các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam đang phục vụ hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới”, ông Kim Huat Ooi cho biết.

Ngoài việc tăng rót vốn đầu tư, trong 10 năm qua, IPV rất chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nội địa phục vụ yêu cầu sản xuất ngày càng cao.

Cụ thể, số lượng nhà cung cấp nội địa của IPV đã tăng từ 20 đơn vị năm 2010 lên 180 đơn vị vào năm 2020. Chi tiêu cho cung ứng hàng hóa và dịch vụ nội địa đã tăng hơn 420% trong cùng thời gian.

IPV cũng là nhà máy đầu tiên có 100% nhà cung ứng đạt số điểm tuyệt đối 200/200 về tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức của Hiệp hội Liên minh doanh nghiệp có trách nhiệm. Bộ tiêu chuẩn được xây dựng để đảm bảo trong ngành điện tử và chuỗi cung ứng có điều kiện làm việc an toàn, người lao động được đối xử tôn trọng và bình đẳng, các hoạt động kinh doanh được tiến hành có trách nhiệm với môi trường và tuân thủ đạo đức kinh doanh…

Trao đổi về kế hoạch phát triển dài hạn của Intel, ông Kim Huat Ooi khẳng định, Intel không chỉ là một nhà đầu tư lớn, mà còn là một đối tác lâu dài, có trách nhiệm, cùng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ông Kim Huat Ooi chia sẻ, việc Intel tăng đầu tư không chỉ là minh chứng cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam rất thuận lợi, hấp dẫn, mà còn là lực hút các dự án FDI vào Việt Nam, trong đó có Dự án Công viên khoa học và công nghệ TP.HCM đang được đầu tư, xây dựng.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 15 năm Intel đầu tư vào Việt Nam, với tên gọi “Tạo dựng tương lai cho Intel và Việt Nam”, nhiều khả năng vào cuối năm nay, hãng công nghệ hàng đầu thế giới này sẽ công bố một dự án đầu tư mới với quy mô lớn.

Chat qua zalo