Vĩnh Phúc cam kết tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp

Những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong đó có Nghị quyết số 04 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020. Bên lề hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức ngày 17/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã chia sẻ với phóng viên Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh về những kết quả nổi bật sau 4 năm thực hiện nghị quyết này.

PV: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết 04 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây được coi là “cú hích”, "phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Sau 4 năm triển khai Nghị quyết, Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa đồng chí? 

Đ/c Lê Duy Thành: Doanh nghiệp, doanh nhân là bộ phận cực kỳ quan trọng và là nhân tố, động lực tạo ra sự phát triển của một quốc gia, một địa phương và không ai khác, chính lực lượng này tạo ra sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, phát triển.

Với quan điểm và nguyên tắc tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp phát triển, nhưng chú trọng, quan tâm đến nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 14/1/2013, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04 về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020. Việc ban hành Nghị quyết này là việc tất yếu, bởi nhóm doanh nghiệp này chiếm số lượng khá lớn, trên 97% nhưng chưa thực sự mạnh về nguồn lực, nguồn vốn, kinh nghiệm sản xuất và các thế mạnh khác để cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là các doanh nghiệp do người Việt Nam và người Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. 

Nghị quyết đã đưa ra các nhóm giải pháp hỗ trợ cụ thể, trong đó, có giải pháp là cả hệ thống chính trị phải tập trung vào cuộc, tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Các giải pháp hỗ trợ về vốn, công nghệ, thủ tục hành chính. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, các cơ hội kinh doanh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tốt nhất để tham gia thị trường trong nước và quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và đã cụ thể hóa thành rất nhiều nghị quyết chuyên đề và các nghị quyết chung trình HĐND tỉnh ban hành như: Nghị quyết số 57 về hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; Nghị quyết số 202 về hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Nhìn chung sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 04, Vĩnh Phúc đã xây dựng được hành lang pháp lý, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Đặc biệt, việc triển khai thành công nhiều nhóm giải pháp của Nghị quyết liên quan đến công tác quy hoạch, chính sách về đất đai, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các công trình ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp đã giúp cho môi trường đầu tư của tỉnh trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 7.800 doanh nghiệp, tăng gần 3.000 doanh nghiệp so với năm 2013.Trong đó, có 239 doanh nghiệp nước ngoài, trên 100 doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước. Số còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2016, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào GDP của tỉnh chiếm hơn 10%, tăng từ 4-5% so với trước. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng lên 20%. Hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống điện, nước, các công trình phúc lợi phục vụ phát triển hoạt động của các doanh nghiệp được triển khai và phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.

PV: Khi khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến vốn, thủ tục, nhân lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong các buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp mới đây, nhiều doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn và đặt câu hỏi: Vĩnh Phúc có tạo ra được sân chơi bình đẳng?. Đồng chí nghĩ sao về vấn đề này? 

Đ/c Lê Duy Thành: Với quan điểm “các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp giàu, Vĩnh Phúc phát triển” nên trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh bình đẳng.

Chúng ta biết rằng, trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì một trong những nguyên tắc quan trọng là phải đảm bảo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, điều rõ ràng và dễ nhận thấy là khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới ra đời thường gặp rất khó khăn, nhất là trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường.

Để trợ lực cho các doanh nghiệp, tỉnh đã có các chính sách rõ ràng cho việc đầu tư xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng, hình thành các khu, cụm công nghiệp ở các huyện, thành, thị. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Riêng về vốn, tỉnh thường bổ sung nguồn vốn cho các Qũy bảo lãnh tính dụng, Qũy phát triển HTX, Qũy bảo vệ môi trường…để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn.

Với vai trò là người trực tiếp chỉ đạo, triển khai các nội dung này, tôi khẳng định sân chơi ở Vĩnh Phúc bình đẳng và không có chuyện ưu tiên cho doanh nghiệp này mà không ưu tiên cho doanh nghiệp kia. Tất cả các doanh nghiệp khi đầu tư tại Vĩnh Phúc đều phải thực hiện theo đúng trình tự các bước và đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình hoạt động, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với các yêu cầu về quy mô, công nghệ, kinh nghiệm nên trong quá trình cạnh tranh họ thường yếu thế hơn so với các doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng như là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

PV: Để chuyển dịch thành công từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý vừa phục vụ, Vĩnh Phúc sẽ thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tiếp tục phát triển trong thời gian tới? 

Đ/c Lê Duy Thành: Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là trung tâm sản xuất ô tô xe máy và là thành phố trực thuộc trung ương. Để đạt được các mục tiêu này, Vĩnh Phúc xác định, cùng với tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành thực hiện thống nhất, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Chương trình hành động của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chương trình hành động của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt là Nghị quyết 01 của BTV Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021…nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, xây dựng lòng tin cho doanh nhân.

Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư; triển khai tốt Đề án “Vườn ươm doanh nghiệp” nhằm tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. “Với quan điểm chỉ đạo là tất cả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chúng tôi không giải trình mà phải giải quyết cho họ, Vĩnh Phúc đang nỗ lực, hướng tới xây dựng một “địa phương khởi nghiệp” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định. 

Chat qua zalo