Vĩnh Phúc - Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống sáng tạo trong lao động sản xuất, tận dụng tốt thời cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Vĩnh Phúc đã vươn lên giành được nhiều thành tựu đáng tự hào, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh đến nay. Mục tiêu xây dựng quê hương Vĩnh Phúc giàu có, phồn vinh đang thành hiện thực.

Vĩnh Phúc - Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. (Một góc KCN Khai Quang, Vĩnh Yên). Ảnh: Khánh Linh

Đánh thức tiềm năng

Tái lập năm 1997, Vĩnh Phúc còn là một tỉnh nghèo, thuần nông; hạ tầng thấp kém; đời sống nhân dân còn khó khăn. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc lại cận kề với thủ đô Hà Nội, Sân bay quốc tế Nội Bài, có hệ thống giao thông thuận lợi. Tỉnh còn nằm trong 3 vùng quy hoạch, đó là Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô. Vĩnh Phúc có dãy núi Tam Đảo hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, trong lành và hệ thống sông, hồ, đầm rất phong phú. Đây còn là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa...

Một góc KCN Bá Thiện 2, Bình Xuyên. Ảnh: Khánh Linh

Đó là những lợi thế để địa phương thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Trong định hướng phát triển, tỉnh xác định phải lấy công nghiệp làm nền tảng; phát triển mạnh dịch vụ, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó, tỉnh tập trung làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực... Tập trung nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, tỉnh đã sớm quy hoạch, phát triển hệ thống các khu công nghiệp trên địa bàn để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 20 khu công nghiệp, được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Danh mục phát triển khu công nghiệp của cả nước đến năm 2020 với tổng diện tích hơn 5.000 ha và hơn 30 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000 ha.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư với phương châm: “Các nhà đầu tư đến đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”. Cùng với chính sách “trải thảm đỏ”, các cấp, các ngành của tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn để các dự án triển khai thuận lợi. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp và gần 20 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Honda, Toyota, Piaggio, Prime... Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư lớn đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Bứt phá

Nhờ bước đi đúng hướng, kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ. Bình quân hơn 20 năm qua, kinh tế của Vĩnh Phúc tăng trưởng trên 15%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. So với khi mới tái lập, quy mô nền kinh tế của tỉnh đã tăng 40 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng.

Hiện công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm hơn 90%; nông-lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn gần 10%. Kinh tế phát triển , thu ngân sách tăng nhanh. Từ một tỉnh phụ thuộc, đến năm 2004, tỉnh đã tự cân đối được ngân sách và bắt đầu có đóng góp trở lại cho ngân sách Trung ương. Những năm gần đây, dù gặp khó khăn nhưng thu ngân sách của tỉnh hàng năm vẫn đạt cao, trong đó thu nội địa chiếm hơn 80%. So với khi tái lập, thu ngân sách của tỉnh tăng hơn 300 lần.

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống nhân dân. Những năm gần đây, tỉnh dành nguồn lực lớn để đầu tư hoàn thiện hạ tầng khung đô thị theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng ngày càng đồng bộ; nhiều khu đô thị mới hình thành, các khu đô thị hiện có được chỉnh trang, hoàn thiện, diện mạo đô thị của tỉnh ngày càng khang trang.

Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tạo tiền đề quan trọng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau này đạt nhiều kết quả. Hiện 2 huyện đã đạt huyện nông thôn mới; các xã cũng hoàn thành 19 tiêu chí, một số địa phương đang thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa, thể thao... được đầu tư hoàn chỉnh; nhà ở dân cư ngày một khang trang. Nhân dân tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cải tạo cống rãnh thoát nước, trồng hoa ven đường làng...góp phần cải tạo cảnh quan môi trường. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân từng bước được nâng cao.

Cùng với phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc đặc biệt coi trọng phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. Do đó, chất lượng giáo dục của tỉnh luôn đứng trong top đầu cả nước. Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, học sinh Vĩnh Phúc luôn nỗ lực giành được thành tích cao trong học tập, trong đó có nhiều huy chương vàng, bạc, đồng khu vực và quốc tế. Hệ thống cơ sở đào tạo nghề được đầu tư, chương trình đào tạo được cải tiến sát với nhu cầu của thị trường lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo từng bước được nâng lên, hiện đã đạt 70%.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được chú trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư; trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế được nâng lên, chất lượng khám chữa bệnh chuyển biến tốt. Nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu được triển khai góp phần giảm chi phí cho người bệnh và giảm tải cho tuyến trên. An sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 72 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện chỉ còn 2,1%...

Tương lai phía trước

Trong lộ trình phát triển, Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ XXI. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong lĩnh vực công nghiệp tỉnh ưu tiên thu hút những dự án kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao... Vĩnh Phúc cũng tập trung phát triển các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích đầu tư các dự án du lịch quy mô lớn, hiện đại; hình thành một số tuyến du lịch trọng tâm; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch… Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Để thực hiện được những định hướng này, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp hiện có để thu hút các nhà đầu tư...

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là y tế, giáo dục. Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn, nhất là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho nhân dân…Với những bước đi như vậy, chắc chắn các mục tiêu Vĩnh Phúc đặt ra sẽ sớm đạt được.

Nguồn: Baovinhphuc.com.vn

Chat qua zalo