Vốn đầu tư có tiếp tục vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19?

Việt Nam đã thu hút được rất nhiều đầu tư và thành công hơn nhiều nước khác trong khu vực nhưng sẽ cần phải thay đổi quyết liệt để duy trì thu hút đầu tư và tăng chất lượng đầu tư.

Ngày 12 tháng 3 năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức lễ công bố báo cáo tác động của dịch Covid-19 lên doanh nghiệp Việt Nam. Tại buổi lễ, rất nhiều ý kiến đã băn khoăn về việc xu thế đầu tư vào Việt Nam sắp tới sẽ như thế nào, Việt Nam có tiếp tục thu hút vốn FDI hay không? Luật đầu tư năm 2020 có tác động gì đến luồng FDI vào Việt Nam và tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, vậy FDI có tiếp tục đổ vào Việt Nam hay không? Chuyên gia kinh tế trưởng của WB - ông Jacques Morisset; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - ông Vũ Tiến Lộc và giám đốc công ty Economica - ông Lê Duy Bình đã đưa ra quan điểm của mình về các thắc mắc nêu trên.

WB: VIỆT NAM CẦN PHẢI TỈNH TÁO VỀ ĐỘ TRỄ CỦA CÁC QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ

Trả lời cho những băn khoăn về xu thế đầu tư, theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, ông Jacques Morisset, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2020 nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một điểm rằng mức độ thu hút vốn đầu tư FDI năm 2020 vẫn thấp hơn năm 2019 khoảng 15%, tức là thấp hơn so với chính Việt Nam mặc dù vẫn rất cao so với các nước khác trên thế giới. 

Ông Morisset nhấn mạnh khi mà nhà đầu tư đưa ra quyết định nó có một điểm trễ. Thực ra rất nhiều quyết định đầu tư được đưa ra trong năm 2020 đã được đưa ra từ năm 2019 và nó được thể hiện trong năm 2020, tất nhiên cũng có những quyết định đầu tư đã bị dừng lại và có nhiều hoạt động đầu tư này trong các ngành như ngành dầu khí hay ngành có độ trễ rất lớn. Việc thay đổi quyết định đầu tư có độ trễ như vậy cho nên Việt Nam cần phải tỉnh táo hơn về những con số này. 

Nhưng cũng theo ông Morisset, điểm cộng ở đây là Việt Nam đã thành công hơn nhiều nước khác trong kiểm soát dịch bệnh, chính vì vậy mà đó là một lợi thế cạnh tranh giúp cho Việt Nam có thể thu hút được đầu tư nước ngoài và Việt Nam đã thắng trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài này mà không chỉ là đầu tư mới mà cả các nhà đầu tư đã có mặt ở Việt Nam. Họ quyết định sẽ dịch chuyển một số tài sản sản xuất của họ sang Việt Nam, ví dụ như các nhà máy ở Bangladesh hay Mexico vẫn tiếp tục duy trì hoạt động nhưng với các nhà máy ở gần Việt Nam thì đã quyết định sẽ chuyển sang Việt Nam. 

VCCI: TỶ LỆ LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO TẠI VIỆT NAM RẤT THẤP SO VỚI CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC

Chính vì thế, thành tích xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 đã tăng trưởng khá tốt. Rõ ràng một sự thay thế đang diễn ra, điều này đã diễn ra từ trước dịch Covid-19, giữa Trung Quốc và Việt Nam bởi hiện nay một số nhà đầu tư ở Trung Quốc đang đi sang các nước khác vì thế một số nhà sản xuất. Với sự dịch chuyển luồng đầu tư này, Việt Nam có thể thu hút nhiều FDI hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc trong khi đó nhấn mạnh rằng trung tâm sản xuất của thế giới giờ vẫn đang nằm ở châu Á chứ không phải châu Âu hay Mỹ. Theo quan điểm lợi thế cạnh tranh, Mỹ và châu Âu tập trung vào những ngành công nghệ cao, dịch vụ và tài chính. Còn các lĩnh vực sản xuất tương đối giản đơn nằm tại lĩnh vực châu Á: Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. 

Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất và là công xưởng lớn nhất của thế giới. Vì vậy việc dịch chuyển các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ không diễn ra thế nhưng hiện nay đang có nhu cầu là đa dạng hóa chuỗi cung ứng đó, tức là sẽ chuyển dịch một phần các nhà máy, công xưởng ra khỏi Trung Quốc để đảm bảo sự an toàn hơn xét từ nhiều góc độ cho nên sẽ không có câu chuyện chuyển hết các công xưởng của Trung Quốc ra khỏi Trung Quốc. Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là công xưởng lớn của thế giới. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - ông Vũ Tiến Lộc

Để an toàn cho kinh doanh, nhà đầu tư sẽ thực hiện chiến lược China Plus 1 (Trung Quốc cộng 1), Việt Nam có lợi thế để đón nhận một phần sự chuyển dịch đầu tư đó sang Việt Nam mà cũng không phải chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước Đông Nam Á khác như Ấn Độ, Bangladesh cũng đều có cơ hội đón nhận nhưng Việt Nam có nhiều cơ hội hơn vì nhiều lý do: sự ổn định về chính trị xã hội; thứ hai khả năng chống chịu cả về mặt kinh tế được khẳng định qua năm Covid-19 vừa rồi; vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam, Việt Nam gần Trung Quốc, gần các trung tâm sản xuất lớn của thế giới, khi nhà đầu tư sản xuất ở Việt Nam, sẽ rất gần với địa điểm của các nguyên liệu phụ tùng; lao động Việt Nam còn tương đối rẻ so với Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác; ngoài ra với 100 triệu dân, Việt Nam cũng là một thị trường không hề nhỏ. 

Xét về bản chất của dòng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam chủ yếu là công nghiệp hỗ trợ chứ Việt Nam cũng chưa có điều kiện tiếp cận dòng vốn đầu tư ở phân khúc cao hơn như nghiên cứu phát triển hay phân phối, bản chất vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nhưng chủ yếu Việt Nam thu hút mới chỉ ở khâu lắp ráp chứ công nghiệp hỗ trợ vẫn rất kém phát triển và Việt Nam cần phải thu hút được đầu tư ở phân khúc cao hơn.

Muốn hiện thực hóa được mục tiêu này cũng không đơn giản, khâu chuẩn bị thể chế chính sách cũng phải vô cùng tích cực. Ngoài ra cần chuẩn bị mặt bằng, không gian cho các nhà đầu tư. Chuẩn bị không gian cho nhà đầu tư không chỉ nằm ở nhà xưởng mà còn cả dịch vụ, hệ sinh thái đi kèm chứ không chỉ dừng lại ở cho thuê đất hay cho thuê nhà xưởng. 

Đặc biệt quan trọng, cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực. Nhân lực của Việt Nam đông nhưng đào tạo còn rất hạn chế. Lao động qua đào tạo, có chứng chỉ chỉ khoảng 25,27%, tỷ lệ rất thấp so với các nước trong khu vực. Cần phải đẩy mạnh đào tạo hơn nữa, đặc biệt các công nhân kỹ thuật để phát triển thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.

NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI LUÔN HÀNH XỬ DỰA TRÊN ĐỘNG CƠ CỦA CHÍNH HỌ

Còn theo ông Lê Duy Bình, giám đốc công ty Economica Việt Nam, nhà đầu tư nói chung và đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài sẽ luôn hành xử dựa trên động cơ của chính họ. Họ sẽ muốn tìm nơi đầu tư an toàn, thuận lợi và mang lại lợi ích cho người bỏ tiền ra đầu tư và đóng góp cho sự phát triển của kinh tế địa phương cũng như kinh tế toàn cầu.

Trong năm 2020, Việt Nam đã chứng tỏ được rằng Việt Nam là một điểm đến mà có thể đáp ứng được rất nhiều các tiêu chí này đối với nhà đầu tư đặt ra. Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định về mặt kinh tế vĩ mô, sự ổn định về mặt chính trị, đây là điều vô cùng quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài. 

Còn như ông Jacques Morisset đã đề cập, khả năng chống đỡ với dịch bệnh của Việt Nam trong năm 2020 đã rất tốt, tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia khác đang cạnh tranh về nguồn vốn đầu tư nước ngoài với Việt Nam. Yếu tố này là yếu tố rất quan trọng với nhà đầu tư bởi họ cảm thấy rằng Việt Nam là một địa điểm mà họ có thể duy trì được sản xuất, việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho kinh tế toàn cầu, ngay cả trong giai đoạn vô cùng khó khăn, giúp họ giảm được tác động từ những rung chuyển rất mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu. 

Điều này đã được khẳng định trong năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp FDI đã duy trì được sản xuất, duy trì được khả năng xuất khẩu và cung ứng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các yếu tố trên sẽ giúp Việt Nam thu hút được vốn đầu tư nước ngoài trong những năm tới.

Chat qua zalo