Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh và Đà Nẵng khởi công nhà máy nước 1.170 tỷ đồng
Ngày:01/04/2020 10:03:55 CH
Đầu tư 250 tỷ đồng mở rộng, chỉnh trang tuyến đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc
Sau khi hoàn thành việc mở rộng, chỉnh trang, tuyến đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường Vành đai 2 - TP Vĩnh Yên đến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (thuộc tuyến QL.2B) sẽ có chiều rộng lên tới 53,5 m.
Bộ GTVT vừa có văn bản ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc sử dụng nguồn vốn ngân sách của địa phương để đầu tư mở rộng tuyến QL.2B đoạn từ Vành đai 2 - TP Vĩnh Yên đến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo quy mô quy hoạch của địa phương.
Theo Bộ GTVT, tuyến QL.2B dài 25 km hiện đã được đầu tư khai thác với quy mô đường cấp IV, 2 làn xe; riêng đoạn từ Vành đai 2 - TP Vĩnh Yên đến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai có quy mô đường đô thị rộng 36,5m đã phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 25/2/2013.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét quyết định theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Bộ GTVT chấp thuận cho phép tỉnh này nghiên cứu thực hiện đầu tư Dự án mở rộng, chỉnh trang, tuyến đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường Vành đai 2 - TP Vĩnh Yên đến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Tuyến đường có chiều dài 2,6 km này đi qua phường Liên Bảo, Tp. Vĩnh Yên và xã Kim Long, huyện Tam Dương – tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được mở rộng mặt đường mỗi bên thêm 4 m, vỉa hè mỗi bên 10,5 m để đạt chiều rộng 53,5m. Bên cạnh đó, tĩnh Vĩnh Phúc còn đầu tư hệ thống công trình chiếu sáng, cây xanh nhằm đưa tuyến đường trở thành tuyến cửa ngõ, hiện đại phía Bắc tỉnh Vĩnh Yên.
Dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 250 tỷ đồng sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2020 – 2024.
Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư dự án trung tâm thương mại tại thành phố Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa ký ban hành quyết định phê duyệt bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh và công bố thông tin kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Bà Triệu tại khu đất số 38 Bà Triệu, phường Phú Hội, thành phố Huế.
Theo đó, dự án được kêu gọi đầu tư với tổng mức đầu tư tối thiểu 220 tỷ đồng, chưa kể tiền thuê đất, diện tích khoảng 2.677,8 m2.
Dự án nhằm hình thành khu trung tâm dịch vụ thương mại tổng hợp phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và du khách, góp phần hoàn chỉnh quy hoạch phát triển trên địa bàn thành phố Huế. Dự án được kỳ vọng sau khi triển khai sẽ góp phần phát triển thương mại, dịch vụ địa phương theo hướng văn minh thương mại.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực quy hoạch dự án nằm tại vị trí rất đắc địa, ngay tại khu vực trung tâm của thành phố Huế. Trong đó, đất đã được giải phóng mặt bằng, địa hình bằng phẳng, tiếp giáp hai mặt đường quan trọng của trung tâm thành phố, thuận lợi cho việc xây dựng, bố trí các không gian chức năng.
Dự án sẽ thông qua hình thức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đầu tư trong nước hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bộ Quốc phòng tiến cử Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nhận thầu 3 dự án cao tốc Bắc Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 2248/VPCP – CN chuyển đề xuất của Bộ Quốc phòng gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao thầu thi công các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho doanh nghiệp Quân đội thực hiện.
Tại công văn số 2248, Văn phòng Chính phủ cho biết là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT xem xét xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Bộ Quốc phòng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng công ty XD Trường Sơn được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc- Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công là đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cam kết sẽ chỉ đạo Tổng công ty XD Trường Sơn chuẩn bị tốt các nguồn lực để triển khai thi công các gói thầu được giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.
Tổng công ty XD Trường Sơn là đơn vị chuyên xây dựng cầu đường của Quân đội, có kinh nghiệm trong thi công các công trình đường cao tốc lớn, như: Quốc lộ 3 mới, Hà Nội – Thái Nguyên; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Cam Lộ - Túy Loan...
Được biết, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP sang đầu tư công, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền xem xét việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.
Việc chỉ định thầu cần được thực hiện theo các nguyên tắc: doanh nghiệp được chỉ định phải có năng lực về tài chính, máy móc, thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự để đảm bảo chất lượng công trình, trong đó ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng; tiến hành rà soát tổng mức đầu tư dự án sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư, bảo đảm không trùng lặp với kinh phí GPMB toàn tuyến; đề nghị trong việc chỉ định thầu cần quy định tiết kiệm từ 5% - 7% so với dự toán được phê duyệt của gói thầu được chỉ định; nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được lựa chọn để thúc đẩy tiến độ các dự án, trong đó sử dụng chính khoản tiết kiệm nêu trên để trích 1 phần thưởng cho nhà thầu vượt tiến độ...
Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào giữa tháng 3/2002, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam của Bộ GTVT nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, các dự án PPP sẽ thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư là Dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, có chiều dài tuyến là 99 km; Dự án đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến là 63,4 km; Dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến là 43,2 km. Tổng mức đầu tư 3 dự án vào khoảng 20.500 tỷ đồng.
Đà Nẵng khởi công nhà máy nước 1.170 tỷ đồng
Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 25/3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đã khởi công xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 với công suất 120.000m3/ngày đêm. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.170 tỷ đồng.
Công trình nhà máy nước Hòa Liên (huyện Hòa Vang) giai đoạn 1 do Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng số 5 - Công ty cổ phần Sông Đà 9 - Công ty CP Nước và Xây dựng Đường Thành - Viện Thủy Công làm nhà thầu thiết kế, cung cấp lắp đặt thiết bị và xây lắp công trình tổng thầu (EPC); Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn cấp thoát nước và môi trường - Viện kKoa học công nghệ xây dựng làm đơn vị tư vấn giám sát.
Nhà máy nước Hòa Liên là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp 1 được thiết kế và xây dựng với các hạng mục đập dâng trọng lực bằng bê-tông cốt thép, với cao trình +12m, cao trình đỉnh cửa van +8m, cao trình đáy tràn +3m, cao trình mực nước chết +5,5m. Diện tích xây dựng 13.606 m2. Phần mở rộng hạ lưu, xây kè, rọ đá có diện tích 10.332 m2.
Trạm bơm nước thô, bao gồm các hạng mục chính như: nhà trạm bơm, nhà điều hành, nhà kho, nhà đặt máy phát điện, nhà bảo vệ, nhà để xe, tường rào cổng ngõ trong phạm vi diện tích khu đất 4.174 m2, trong đó diện tích xây dựng 727 m2.
Ngoài ra, công trình còn có đường ống dẫn nước thô bằng thép, đường kính 1,4m, dài 10,616 km, chạy dọc và nằm dưới lòng đường ĐT601, nối từ trạm bơm tại thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc đến Nhà máy xử lý nước tại thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên. Diện tích đất quy hoạch 56.362 m2.
Trước đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp đã phát hành hồ sơ đấu thầu lại dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên. Dự án Nhà máy nước Hòa Liên đã thực hiện đấu thầu lần 1 và công bố kết quả vào ngày 30/9/2019. Theo đó, Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng số 5 - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng KCON, Công ty Tư vấn, đầu tư và xây dựng công nghiệp HPC - Công ty CP Đầu tư phát triển nước và môi trường Đại Việt (viết tắt là Liên danh SC5-KCON - HPC- Đại Việt) là đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, sau khi công bố kết quả trúng thầu, một số đơn vị không trúng thầu đã có phản ánh, khiếu nại việc xét chọn nhà thầu nên đơn vị chủ dự án hủy kết quả đấu thầu.
Tỉnh Đồng Nai sẽ khởi công cầu Vàm Cái Sứt và bờ kè sông Đồng Nai trong năm 2020
Ngày 24/3, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì buổi làm việc với các sở, ban, ngành và UBND TP.Biên Hòa về tiến độ triển khai 4 dự án trọng điểm trên địa bàn. Đáng chú ý là các dự án đầu tư xây dựng cầu Vàm Cái Sứt và bờ kè sông Đồng Nai sẽ được khởi công ngay trong năm 2020.Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai (đơn vị được giao làm chủ đầu tư) thì các dự án Hương lộ 2 (đoạn 1), đường ven sông Cái và đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (căn cứ vào tiến độ thực hiện thủ tục), hạng mục cầu Vàm Cái Sứt (thuộc dự án Hương lộ 2 nối dài) sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2020. Hiện tại, để đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đang hoàn thiện hồ sơ để Sở Giao thông vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Sau đó, các bước đấu thầu, tư vấn thiết kế, bản vẽ, đấu thầu xây lắp... sẽ được thực hiện.
Đối với 2 dự án là dự án đường ven sông Cái và đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (vừa được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang lập dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư. Sau khi dự toán được duyệt, đơn vị sẽ xây dựng tiến độ chi tiết cho các dự án.
Về các dự án đường và công viên ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) sẽ được đấu thầu khảo sát và nghiên cứu khả thi trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 4 năm 2020. Theo UBND TP.Biên Hòa (đơn vị được giao làm chủ đầu tư) thì dự kiến lập kế hoạch và ra thông báo thu hồi đất trong tháng 4 năm 2020. Dự kiến 2 dự án này sẽ được thi công vào tháng 6 năm 2021.
Để thực hiện các dự án trên đây, TP.Biên Hòa sẽ phải di dời, bố trí tái định cư cho hơn 1 ngàn hộ dân. Hiện tại, UBND TP.Biên Hòa đang tiến hành các thủ tục xây dựng 7 khu tái định cư để bố trí chỗ ở cho người dân. Riêng hạng mục xây dựng bờ kè dọc sông Đồng Nai phục vụ thi công 2 dự án đường và công viên ven sông Đồng Nai sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm nay.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cố gắng khởi công cầu Vàm Cái Sứt vào cuối tháng 8 năm 2020. Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ dự án Hương lộ 2 (đoạn 1) ông Cao Tiến Dũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhanh chóng tách tiểu dự án giải phóng mặt bằng giao cho UBND TP.Biên Hòa thực hiện. Đối với các dự án còn lại, TP.Biên Hòa phải đảm bảo tiến độ xây dựng các khu tái định cư để phục vụ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ các dự án.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh
Quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, vốn giải ngân vẫn đạt mức khá, bằng 93,4% so với cùng kỳ.
Cụ thể, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/3/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số này, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5,5 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là điểm tích cực. Tuy nhiên, có được mức tăng trưởng này chủ yếu là do trong quý I/2020, có Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, vốn đầu tư 4 tỷ USD, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trong khi đó, trong quý I/2020, có 236 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 1,07 tỷ USD, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, còn có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 2 tỷ USD, tăng 52,6% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và chỉ bằng 34,4% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần trong 3 tháng qua tăng nhiều, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,78 triệu USD/ lượt góp vốn (nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của quý I năm 2019 là 3,4 triệu USD/lượt góp vốn).
Quý I/2019, có trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD nên dễ hiểu vì sao quy mô góp vốn của năm ngoái cao.
Để so sánh chính xác hơn, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD (Dự án đầu tư mới 4 tỷ USD tại Bạc Liêu năm 2020 và trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco vào Beverage năm 2019), thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I/2020 chỉ bằng 64,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Cả số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm, tương ứng bằng bằng 95% và 82,8% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ngày càng diễn biến hết sức phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài, làm cho thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/ 2020 giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tuy vậy, vốn đầu tư giải ngân vẫn ở mức khá, đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ, nhưng đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai của các dự án.
Ở một góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong quý I/2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo, là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng vốn đầu tư 2,72 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 682 triệu USD và 264 triệu USD.
Một số dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong quý I/2020, ngoài Điện khí LNG Bạc Liêu còn có Dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh.
Bên cạnh đó, còn có Dự án Chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 138 triệu USD; Dự án nhà máy Sews-components Việt Nam (Nhật Bản) với mục tiêu sản xuất các linh kiện điện và điện tử cho ô tô và mô tô; sản xuất các sản phẩm từ Plastic tại Hưng Yên điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 75,2 triệu USD…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu các nguyên tắc chuyển đổi đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc Nam
Cần rà soát chi tiết toàn bộ 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông để có thể đề xuất được phương án chuyển đổi hình thức đầu tư có tính khả thi cao nhất.
Đây là một trong những đề xuất trong công văn vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP sang đầu tư công.
Hiện một số dự án thành phần của Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là các dự án trọng điểm ngành GTVT đang được triển khai theo hình thức PPP. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, thực tế đang phát sinh một số khó khăn liên quan đến khả năng huy động vốn tín dụng, năng lực nhà đầu tư... dẫn tới việc tiến độ triển khai các dự án khó đảm bảo theo kế hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo Thường trực Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án trọng điểm từ PPP sang đầu tư công là cần thiết, nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; vừa tạo tác động lan tỏa vừa đối phó kịp thời với tình hình diễn biến dịch Covid 19 đang ảnh hưởng ngày càng rõ nét đến đà tăng trưởng của nền kinh tế. Đề xuất này cũng phù hợp với Nghị quyết số 13 – NQ/TW ngày 16/1/2012 của BCH TW Đảng; Chỉ thị số 11/CT – TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD và ứng phó dịch bệnh.
Liên quan đến phương án chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần bám sát nguyên tắc rà soát chi tiết toàn bộ 8 dự án đang triển khai theo hình thức PPP nhằm đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư công toàn bộ đối với những dự án cần chuyển đổi, đảm bảo tính khả thi nhất.
Theo đó, các dự án này phải nối tiếp với các đoạn đang triển khai; có khả năng hoàn thành sớm các thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ thi công; giải ngân hết kế hoạch vốn hàng năm đã được giao trong giai đoạn 2018 – 2020 và gối đầu chuyển tiếp thực hiện ngay trong giai đoạn kế tiếp, tránh tình trạng phải kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn nhưng dự án không thể triển khai, không thể giải ngân được.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá phương án lựa chọn của Bộ GTVT về việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam gồm đoạn: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây là cơ bản đáp ứng được các nguyên tắc nêu trên. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần xem xét rà soát khả năng triển khai theo hình thức PPP các dự án còn lại để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định 1 lần việc điều chỉnh, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công cho cả 3 dự án thuộc phương án đề xuất và các dự án còn lại.
Về việc tổ chức thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền xem xét việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.
Việc chỉ định thầu cần được thực hiện theo các nguyên tắc: doanh nghiệp được chỉ định phải có năng lực về tài chính, máy móc, thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự để đảm bảo chất lượng công trình, trong đó ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng; tiến hành rà soát tổng mức đầu tư dự án sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư, bảo đảm không trùng lặp với kinh phí GPMB toàn tuyến; đề nghị trong việc chỉ định thầu cần quy định tiết kiệm từ 5% - 7% so với dự toán được phê duyệt của gói thầu được chỉ định; nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được lựa chọn để thúc đẩy tiến độ các dự án, trong đó sử dụng chính khoản tiết kiệm nêu trên để trích 1 phần thưởng cho nhà thầu vượt tiến độ...
Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào giữa tháng 3/2002, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam của Bộ GTVT nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, các dự án PPP sẽ thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư là Dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, có chiều dài tuyến là 99 km; Dự án đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến là 63,4 km; Dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến là 43,2 km. Tổng mức đầu tư 3 dự án vào khoảng 20.500 tỷ đồng.
Theo phương án do Bộ GTVT đề xuất Nhà nước sẽ bỏ toàn bộ vốn để đầu tư xây dựng 3 dự án nói trên, khi hoàn thành sẽ tiến hành chuyển nhượng quyền khai thác để thu hồi vốn (theo hình thức hợp đồng O&M).
Như vậy, nếu 3 dự án PPP nói trên được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi, Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 sẽ có tới 6/11 dự án sẽ triển khai theo hình thức đầu tư công. Các dự án đang được Bộ GTVT triển khai theo hình thức đầu tư công là Cao Bồ (Ninh Bình) - Mai Sơn (Thanh Hóa); Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 hiện đều đã được Bộ GTVT tiến hành khởi công xây dựng.
Đối với 5 dự án PPP còn lại, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước như yêu cầu tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020.
Phần ngân sách thiếu hụt do 3 dự án PPP tiến hành chuyển đổi sang đầu tư công để tiếp tục thực hiện 5 dự án PPP ước khoảng 20.000 tỷ đồng. Con số này còn có thể giảm bớt nhờ vào chi phí tiết kiệm sau đấu thầu cạnh tranh lựa chọn nhà thầu xây lắp tại 6 dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Trung Nam khẩn trương xây dựng dự án điện mặt trời 450 MW tại Ninh Thuận
Với việc UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành văn bản chọn Trung Nam Group là nhà đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, doanh nghiệp này sẽ phải rất khẩn trương xây dựng mới kịp hưởng mức giá mua điện 9,35 UScent/kWh.
Theo kế hoạch được đưa ra trước đó, để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án, thời gian nhận hồ sơ là đến 17h ngày 14/3/3020.
Với thực tế, ngày 14/3/2020 là thứ Bảy trong tuần, có thể nói, cơ quan hữu trách của tỉnh Ninh Thuận phải làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc để ngày 17/3/2020 đã có báo cáo của Tổ thẩm định và Hội đồng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trình lên lãnh đạo tỉnh xem xét.
Ngày 18/3, sau khi có cuộc họp của lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã có thông báo số 831/UBND-KTTH, thống nhất lựa chọn Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam là chủ đầu tư để hoàn tất thủ tục pháp lý, trình cấp Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định để thực hiện Dự án nói trên.
Tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu quá trình hoàn tất hồ sơ đăng ký cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam giải trình, cam kết cụ thể về khả năng huy động nguồn vốn tự có từ vốn chủ sở hữu, đảm bảo nguồn vốn tự có để thực hiện, hoàn thành dự án trong năm 2020.
Được biết, Dự án Nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia có tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
Đối với dự án này, Trung Nam Group đặt ra tiến độ triển khai, trong đó công tác xây dựng dự kiến từ quý II đến quý IV/2020 và hoàn thành, đưa vào vận hành cuối quý IV/2020. Khi đi vào vận hành, Dự án sẽ giải tỏa được công suất truyền tải cho khu vực Ninh Thuận và tạo điều kiện tiếp tục phát triển ngành năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận. Dự kiến khi đi vào vận hành, Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam với quy mô công suất 450 MW sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á hiện tại.
Hiện nay, tại Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho được hưởng giá bán điện ưu đãi là 9,35 UScent/kWh với 2.000 MW điện mặt trời hoàn tất trong năm 2020, kéo dài hơn so với mốc ngày 31/6/2019 tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg. Tuy nhiên, văn bản pháp quy về việc hưởng chính sách giá điện ưu đãi này hiện vẫn chưa được ban hành.
Tỉnh Ninh Thuận hiện mới có 17 nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động với công suất trên 1.100 MW, nghĩa là vẫn còn dư địa nếu so với con số 2.000 MW nói trên.
Điều cũng thu hút được sự quan tâm ở dự án này là trường hợp Nhà máy Điện mặt trời công suất 450 MW hoàn tất trước ngày 31/12/2020, trong khi các đường dây 500 kV, 220 kV có thể không hoàn thành kịp với mốc tiến độ này thì giá mua điện áp dụng ra sao?
“Trong quá khứ, đã có một số dự án điện mặt trời ở chính khu vực Ninh Thuận đã được tạo điều kiện cấp COD trước, dù không được huy động lên lưới do chưa có đường dây truyền tải và nhà đầu tư đã chấp nhận bởi họ vẫn hưởng lợi về lâu dài. Với Dự án điện mặt trời 450 MW cùng các đường dây mà Trung Nam Group trúng thầu, Bộ Công thương sẽ là nơi hướng dẫn rất cụ thể về chuyện đấu nối và các điều kiện về thời điểm được công nhận COD bởi liên quan đến mức giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh. Đây cũng là thử thách với nhà đầu tư trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng lẫn bên cho vay, bởi thời gian còn lại không quá dài và các công việc lại liên quan cộng sinh tới nhau”, một chuyên gia về ngành điện nhận xét.
Cũng nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn biết, tất nhiên tiến độ dự án điện mặt trời sẽ phải đồng bộ với lưới.
Đồng Nai trao giấy Chứng nhận quyền sử dụng khu đất "vàng" 1.268 tỷ đồng
Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai vừa xác thực với phóng viên Báo Đầu tư thông tin Trung tâm này trao giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất "vàng" 1.268 tỷ đồng cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi.
Trước đó (ngày 19/7/2019) UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức đấu giá khu đất có diện tích 49,8 ha, nằm tại vị trí mặt tiền tỉnh lộ 769, thuộc xã Bình Sơn, huyện Long Thành, giáp ranh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi là doanh nghiệp đã trúng đấu giá khu đất với số tiền gần 1.268 tỷ đồng.
Cơ cấu sử dụng khu đất 49,8 ha này được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt bao gồm: diện tích trúng đấu giá 293.820 m2 (trong đó: 253.980 đất ở nông thôn, 27.390 m2 đất công trình giáo dục, 12.450 m2 đất công trình dịch vụ đô thị); diện tích đất không đấu giá 204.180 m2 đất cây xanh, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Nguồn gốc khu đất trên từng được giao cho Tổng công ty cao su Đồng Nai sử dụng, sau đó được UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai quản lý. Khu đất này được quy hoạch mục đích sử dụng là đất ở dự án, đất công trình giáo dục, đất công trình dịch vụ đô thị.
Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá và Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi hoàn thành việc nộp tiền đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo đánh giá khu đất 49,8 ha xã Bình Sơn là khu đất “vàng” nằm trải dài theo tuyến đường ĐT.769, trục giao thông kết nối trực tiếp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Gần khu đất có mạng lưới giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức- Long Thành, quốc lộ quốc lộ 51...
Theo hồ sơ pháp lý, khu đất 49,8 ha thuộc xã Bình Sơn (huyện Long Thành) có quy hoạch sử dụng đất là khu dân cư, quy hoạch xây dựng là đất ở nông thôn theo dự án. Tiến độ thực hiện dự án tối đa là 4 năm.
Theo hồ sơ pháp lý, khu đất này được quy hoạch sử dụng đất là khu dân cư, quy hoạch xây dựng là đất ở nông thôn theo dự án. Về tiến độ dự án, Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi sẽ phải đưa khu đất vào sử dụng trước thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm nhất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng thêm 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi mà không bồi thường.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thì doanh nghiệp trúng đấu giá các khu đất công phải thực hiện theo đúng quy hoạch của tỉnh và thời gian thực hiện dự án tối đa là 4 năm.
Nguồn: Baodautu.vn