Vốn FDI từ EU sẽ đổ mạnh vào Việt Nam nhờ EVFTA

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần phát huy nội lực để Việt Nam vững vàng khi có vấn đề liên quan đến kinh tế toàn cầu.

Vốn FDI từ EU vào Việt Nam sẽ tăng mạnh
Với hơn 38 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam 2019, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, Việt Nam thuộc top 3 nước có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất khu vực ASEAN; duy trì ở mức cao, bình quân khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng.

Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Trong đó, lũy kế đến năm 2019, EU là đối tác đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam với trên 2.240 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. 

Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Các dự án đầu tư của EU có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, liên tục trong những năm qua, EU luôn là một trong những đối tác viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Nghị viện Châu Âu (EP) đã chính thức phê duyệt Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ đầu tư (EVIPA) giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sau 9 năm đàm phán. Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực sau 1 tháng kể từ khi hai bên thông báo cho nhau là đã hoàn tất các thủ tục pháp lý sau khi EP phê chuẩn thủ tục cuối là Hội đồng châu Âu tán thành. 

EVFTA là Hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, đồng thời cũng là một trong những hiệp định toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển. Do vậy, FDI từ EU vào Việt Nam được dự báo có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Các cam kết này sẽ là động lực để Việt Nam cải cách thể chế và khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi và an toàn hơn cho các nhà đầu tư. Như vậy, có thể thấy EVFTA có những tác động nhất định. Các cam kết cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong EVFTA ở mức độ rất cao là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy FDI vào Việt Nam. 

Trao đổi với Nhadautu.vn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, sau khi Hiệp Định EVFTA được ký kết, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên, khi các nhà đầu tư EU hướng tới mục tiêu khai thác tài nguyên, nhiên vật liệu và lao động giá rẻ. Ngoài ra, nhiều sản phẩm xuất khẩu từ EU sang Việt Nam được giảm thuế. Doanh nghiệp EU sang đầu tư ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi không chỉ từ thuế của nước mới mở cửa cho Việt Nam giảm xuống mà chúng ta cũng dành rất nhiều ưu đãi cho FDI.

Bên cạnh đó, bà Chi Lan cũng cho rằng, nhiều tập đoàn kinh tế lớn ở EU đang có xu hướng chuyển các nhà máy, công xưởng kinh doanh ra khỏi Trung Quốc bởi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước đó và đặc biệt là những hậu quả nặng nề của dịch bệnh virus Corona gây ra trong thời gian qua. Quan sát từ tình hình kinh doanh Samsung khi sản xuất không bị ảnh hưởng quá nhiều do những tác động ngoại biên sẽ giúp Việt Nam trong việc thu hút FDI từ những tập đoàn kinh tế lớn.

"Vấn đề chính là biết kén chọn đầu tư, không nên quá ưu đãi cho đầu tư nước ngoài hơn. Nói cho cùng phải là nội lực của mình để khi có vấn đề về kinh tế toàn cầu chúng ta luôn làm chủ được", bà Lan Chi cho hay.

Cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” 

Tương tự, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ tăng lên sau khi Hiệp Định EVFTA được ký kết.

Ông Doanh cho rằng, EVFTA không những mở ra thị trường xuất khẩu to lớn ở EU, điều quan trọng hơn hiệp định sẽ cải cách về mặt thể chế của Việt Nam, cải cách về thủ tục của bộ máy, sự công khai minh bạch... Vì vậy, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện mạnh mẽ, doanh nghiệp EU sẽ đánh giá cao sự cải thiện đó.

Mặt khác, EVFTA được thông qua thời điểm tình cờ khi virus Corona ở Trung Quốc lan rộng ra gây ảnh hưởng khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư EU. Điều này dẫn đến nhiều tập đoàn quốc tế tại Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển địa điểm kinh doanh, sản xuất qua các nước khác. EVFTA sẽ là một điểm cộng cho Việt Nam vào thời điểm này trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, bên cạnh những yếu tố khác như chi phí nhân công rẻ, tình hình chính trị ổn định...

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài có vốn lớn hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng được tỉ lệ xuất khẩu lên cao. Do đó, chính quyền các tỉnh có sự ưu đãi rõ ràng hơn rất nhiều cho doanh nghiệp FDI.

Ví dụ như Samsung vào Thái Nguyên đã được ưu đãi về đất đai, đổi lại Samsung vào Thái Nguyên cũng biến Thái Nguyên từ tỉnh nông nghiệp thành công nghiệp, nguồn thu ngân sách của tỉnh này phụ thuộc chủ yếu vào Samsung.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề khi thu hút FDI từ EU. Cụ thể, lợi thế trong thu hút FDI của Việt Nam đến từ việc sớm ký kết FTA với EU trong khi các nước cạnh tranh chính trong khu vực về thương mại và đầu tư chưa có FTA với EU.

Lợi thế này có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn, vì định hướng của cả ASEAN và EU là một FTA giữa hai khu vực. Khi EU tiếp tục đàm phán, ký kết FTA song phương với các nước ASEAN, lợi thế về thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại và đầu tư dành riêng cho Việt Nam sẽ không còn. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” khi các nước ASEAN chưa có FTA với EU để tiếp cận, thâm nhập thị trường cũng như thu hút FDI từ các nước EU.

Nguồn: Nhadautu.vn

Chat qua zalo