Vốn ngoại rút khỏi thị trường mới nổi: Điểm tối Mỹ Latin và điểm sáng Việt Nam
Ngày:07/05/2020 10:56:00 SA
Vốn ngoại rút khỏi thị trường mới nổi đạt mức kỷ lục trong quý I/2020
Làm sao để việc di chuyển trên mọi tuyến đường, nhất là hàng không được “bình thường hóa”, không quá phức tạp cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những vấn đề đáng bàn với Việt Nam. Ảnh: Đ.T |
Dòng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi bị “dừng” đột ngột trong quý I/2020 là nhận định chung của đa số giới kinh tế gia và giám đốc quỹ đầu tư trên thế giới trong mọi bình luận. Số liệu của Institute of International Finance (IIF, tổ chức cung cấp số liệu về dòng vốn quốc tế) cho thấy một dòng vốn rút ra kỷ lục ở các thị trường mới nổi trong quý này, lớn hơn thời điểm tệ nhất của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 và họ dự đoán tình hình này sẽ tiếp tục trong các quý còn lại của năm 2020.
Chỉ riêng trong tháng 3/2020, có hơn 80 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu và cổ phiếu thị trường mới nổi. “Đây là một thống kê chưa từng thấy từ năm 2000”, một người bạn của tôi hiện là kinh tế gia ở một quỹ đầu tư tại Đức nhận xét.
Đầu tháng 4/2020, IIF dự đoán, dòng vốn vào thị trường mới nổi năm 2020 sẽ chỉ chưa bằng một nửa của năm 2019. Sau khi loại trừ thị trường Trung Quốc, dòng vốn vào các thị trường mới nổi dự kiến sẽ giảm chỉ còn khoảng 300 tỷ USD, trong đó hơn 290 tỷ USD là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy giảm nhưng không quá mạnh so với năm 2019. Dòng vốn vay nợ qua phát hành trái phiếu quốc tế cũng được cho là vẫn dương, dù giảm đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư gián tiếp qua thị trường cổ phiếu được dự kiến sẽ âm, với mức rút vốn ròng khoảng 40 tỷ USD.
Điều này không lạ gì với giới đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam khi chứng kiến tình trạng bán ròng của khối ngoại trong nhiều tuần liên tiếp. Nhưng nó vẽ lên một bức tranh đáng lo ngại cho các thị trường mới nổi. Từ trước tới nay, đa số thị trường mới nổi đều chịu thâm hụt tài khoản vãng lai, do nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và chi trả cổ tức/lợi nhuận cho các công ty FDI và bù đắp thâm hụt này bằng dòng vốn đầu tư quốc tế đổ vào cũng như luồng kiều hối. Nếu không đủ, các nước sẽ phát hành trái phiếu quốc tế vay nợ.
Khi dòng vốn ngoại tăng chậm lại hoặc rút đi thì mới biết thị trường mới nổi nào vững chắc thật sự, còn nước nào sẽ có thể vỡ nợ. Và nước nào xếp hạng ổn định về tài chính cũng sẽ được chú ý.
Trong điều kiện hiện tại, mọi chuyện không còn suôn sẻ như vậy nữa. Nếu các nước này tiếp tục thâm hụt tài khoản vãng lai (dù không nhập siêu nhiều thì vẫn phải trả lợi nhuận của công ty FDI), trong khi dòng vốn nước ngoài đổ vào và dòng kiều hối chững lại, thì các nước phải tăng vay nợ. Nhưng đây mới chính là vấn đề, một số nước sẽ có thể tiếp tục vay nợ nhờ mức nợ công thấp và thâm hụt tài khóa có kiểm soát của những năm trước, trong khi một số đã hết dư địa.
Tờ Economist vừa công bố một đánh giá về nợ của các thị trường mới nổi, cho thấy có một sự phân hóa rất lớn về khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính ở các thị trường mới nổi. Báo cáo này xếp hạng 66 thị trường mới nổi trên 4 tiêu chí: nợ công, nợ nước ngoài (cả nợ chính phủ và tư nhân), chi phí vay nợ và dự trữ ngoại hối.
Một điều nổi bật có thể thấy là đa số nền kinh tế mới nổi ở châu Á tương đối vững mạnh hơn so với khu vực Mỹ Latin và châu Phi. Những nền kinh tế luôn phải đánh vật với nợ nần như Venezuela, Argentina, là những nền kinh tế cho thấy nhiều khả năng rơi vào khủng hoảng nợ mới. Ngay cả một số nền kinh tế Đông Âu như Hungary, Ukraine, thậm chí là những nền kinh tế Ả Rập giàu có như Qatar cũng có nguy cơ không nhỏ.
Đến lúc này mới thấy, khi dòng vốn ngoại tăng chậm lại hoặc rút đi thì mới biết thị trường mới nổi nào vững chắc thật sự, còn nước nào sẽ có thể vỡ nợ. Và nước nào xếp hạng ổn định về tài chính cũng sẽ được chú ý.
Cơ hội cho Việt Nam
Giữa một bức tranh như vậy, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng của Đông Nam Á (chỉ xếp sau Thái Lan và Philippines, xếp trên Indonesia và Malaysia). Trong một bức tranh u ám như vậy mà Việt Nam xếp hạng 12/66 thị trường mới nổi về độ vững mạnh tài chính là một điểm nhấn rất quan trọng để “quảng bá thương hiệu” về môi trường đầu tư an toàn cho nhà đầu tư quốc tế, ở cả khía cạnh đầu tư trực tiếp FDI lẫn ở góc độ phát hành trái phiếu.
Căng thẳng Mỹ - Trung xung quanh vấn đề nguồn gốc của coronavirus đã khiến thị trường cổ phiếu toàn cầu giảm điểm không ít trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nó tạo ra cơ hội cho Việt Nam, nhất là ở công nghiệp sản xuất. Tranh chấp Trung - Mỹ lần này sẽ trì hoãn vô thời hạn những đàm phán thương mại vòng 2 giữa hai nước và tăng khả năng Mỹ sẽ trừng phạt kinh tế với Trung Quốc. Các nước vì vậy sẽ đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng dịch chuyển sản xuất này.
Ở một khía cạnh khác, IIF dự báo, 40 tỷ USD rút khỏi thị trường cổ phiếu mới nổi trong cả năm 2020, trong khi chỉ tháng 3/2020, đã có hơn 80 tỷ USD thoát ra. Có nghĩa, IIF dự tính, nửa cuối năm 2020 sẽ có một lượng vốn đổ vào.
Nói cách khác, thời kỳ đón vốn ngoại hồi phục trở lại sẽ vào nửa cuối năm 2020. Việt Nam còn vài tháng để “làm mới” và gia tăng quảng bá hình ảnh của mình nhằm thu hút các dòng vốn này.
Vài vấn đề đáng bàn
Thứ nhất là kết cấu hạ tầng và chính sách với dòng vốn FDI. Liệu Việt Nam sẽ đón được dòng vốn FDI “xịn”, hay người ta sẽ xuất “công nghệ rác” qua Việt Nam? Đây là một nỗi lo từ nhiều năm, nhưng bây giờ quan trọng hơn bao giờ hết. Trung Quốc đang tìm kiếm nơi để xuất các công nghệ sản xuất lạc hậu và ô nhiễm môi trường của mình. Họ có thể lợi dụng làn sóng dịch chuyển sản xuất này để chuyển số công xưởng ô nhiễm đi nước khác. Làm thế nào để Việt Nam ngăn chặn những dự án gây tổn hại môi trường và tránh cảnh là một bãi rác công nghệ cũ?
Thứ hai, vốn nước ngoài vào rồi, nhưng hạ tầng ở Việt Nam có tiếp nhận nổi không? Đó là hạ tầng cứng như điện và năng lực kho vận (logistics). Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện là một sự thật từ cuối năm 2019. Nguy cơ thiếu điện mùa khô 2020 vẫn đang “treo” ở đó. Rồi chi phí vận tải đường bộ rất cao của Việt Nam nữa. Những trở ngại này không phải do Covid-19 hay thương chiến mà biến mất đi. Còn hạ tầng mềm là chính sách về đất đai, ưu đãi thuế, lựa chọn dự án để thu hút... Nói tóm lại là thể chế và con người thực thi chính sách.
Thứ ba, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp FDI cũng là một vấn đề phải tính đến. Đợt dịch bệnh này cho thấy, chỉ có một nền kinh tế tự cường, đứng được trên đôi chân của doanh nghiệp nội địa và tiêu dùng nội địa mới có đủ sức đề kháng với những cú sốc đến từ bên ngoài thế này.
Thứ tư, làm thế nào để những di chuyển, giao thương trên mọi tuyến đường, nhất là hàng không được “bình thường hóa”, không quá phức tạp cho các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nhân trong nước trong bối cảnh nguy cơ tái bùng phát Covid-19 trên toàn cầu là một khả năng có thật?
Thứ năm là chính sách với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, ở cả thị trường cổ phiếu và thị trường bất động sản. Đây là một bài toán không dễ. Nếu mở toang hết cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào các thị trường này, thì Việt Nam đứng trước rủi ro doanh nghiệp trong nước bị nước ngoài thâu tóm như cách mà Trung Quốc đang thâu tóm các công ty Ấn Độ. Nhưng vốn ngoại có thể chính là lời giải cho nhiều dự án bất động sản sẽ gặp khó khăn vì dư thừa nguồn cung, nhất là với những chung cư cao cấp, cũng như cho một số công ty đang làm ăn thua lỗ trên sàn chứng khoán.
Cân bằng ra sao giữa những bài toán trên thật ra không nên chỉ dựa vào khái niệm trắng và đen, nghĩa là cho hay không cho, nới “room” hay không, mà là lựa phân khúc nào để mở sở hữu vốn ngoại và phân khúc nào để lại chốt chặn cho Nhà nước. Cái khó ở đây là làm sao các bộ, ngành có thể nhanh chóng xác định câu trả lời và tiến hành thực thi cho nhanh mà thôi.
Lời kết
Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, sau vài tháng dịch bệnh, Việt Nam đang nổi lên là một nước an toàn sau khi chống dịch thành công. Nhưng những tổn hại với nền kinh tế cũng rất rõ ràng. Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2020 giảm mạnh 18,4% so với tháng 3/2020. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch, hàng không đều sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của Việt Nam để giữ dòng vốn ngoại không giảm quá mạnh có thể sẽ làm giảm bớt những khó khăn này (tuy không thể làm nó biến mất), đặc biệt là với mặt trận ổn định tỷ giá.
Vì vậy, nắm bắt diễn biến của dòng vốn ngoại và có một chính sách thu hút vốn phù hợp cần được định hướng bởi một chiến lược sáng suốt và có tầm nhìn dài hạn. Vĩ mô ổn định, nhưng môi trường đầu tư không đủ tốt, thì sẽ không hấp thụ được dòng vốn tốt, không trở thành công xưởng mới của thế giới, mà có khả năng trở thành một bãi rác công nghiệp mới của thế giới.
Nguồn: Baodautu.vn