Vướng mắc xử lý tài sản trên đất của doanh nghiệp FDI khi hết hạn thuê
Ngày:14/07/2023 09:35:28 SA
Cần sớm có các quy định rõ ràng để các tỉnh, thành phố trên cả nước căn cứ áp dụng.
Theo ông Đoàn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần IIP, trong thời gian tới, rất nhiều doanh nghiệp FDI đang thuê đất mở nhà máy trong các khu công nghiệp sẽ hết hạn thuê đất. Nếu không có các quy định pháp luật rõ ràng và thống nhất trên phạm vi cả nước thì rất nhiều tỉnh, thành phố sẽ lúng túng trong việc xử lý tài sản trên đất của doanh nghiệp FDI khi hết hạn thuê
Cũng theo ông Hưng, theo quy định hiện hành, đối với các khu công nghiệp, khi hết thời hạn thuê đất thì khu công nghiệp có thể được tiếp tục gia hạn thời gian đầu tư dự án hoặc có thể không được gia hạn thời gian đầu tư dự án để phát triển các dự án thuộc các lĩnh vực khác hoặc trong thời gian thuê đất của dự án thì Nhà nước vẫn có thể chuyển đổi khu công nghiệp thành khu đô thị dịch vụ. Để tránh các lúng túng trong việc xử lý tài sản trên đất của doanh nghiệp FDI khi hết hạn thuê hoặc các chi phí mà doanh nghiệp FDI phải đóng bổ sung (nếu có) khi khu công nghiệp được gian hạn thời gian thực hiện dự án hoặc trong thời gian thực hiện dự án mà khu công nghiệp chuyển đổi thành khu đô thị dịch vụ thì cần có các quy định pháp luật rõ ràng về việc này để các tỉnh, thành phố trên cả nước căn cứ áp dụng.
Khi chưa có các quy định rõ ràng, vướng mắc xử lý tài sản trên đất của doanh nghiệp FDI khi hết hạn thuê là điều khó tránh khỏi. Ví dụ điển hình là trường hợp của Khách sạn Norfolk nằm trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) hết hạn thuê đất từ tháng 10/2021, song đến nay, chính quyền TP.HCM vẫn lúng túng trong xử lý tài sản trên đất.
Hai tòa khách sạn chưa biết xử lý ra sao
Thông tin nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư mới đây là việc Khách sạn 4 sao Norfolk nằm tại khu vực sầm uất bậc nhất TP.HCM đóng cửa, khép lại 30 năm sứ mệnh của mình. Ngày 4/7, UBND TP.HCM chính thức ban hành quyết định thu hồi 821 m2 mà Khách sạn Norfolk đang tọa lạc.
Cách đây 30 năm, Khách sạn Norfolk được xây dựng trên hợp đồng liên doanh giữa Norfolk Development Group PTY Limited (Australia) và Liên hiệp Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu quận 1 (Sunimex, nay là Tổng công ty Bến Thành - TNHH một thành viên là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước). Liên doanh Công ty TNHH Khách sạn Bến Thành (Norfolk) được UBND TP.HCM ký hợp đồng cho thuê đất từ tháng 8/1995, ban đầu có thời hạn thuê là 20 năm, sau đó được gia hạn thêm 10 năm là 30 năm.
Trong hợp đồng liên doanh có điều khoản chuyển giao toàn bộ tài sản không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn liên doanh vào ngày 28/10/2021. Trên khu đất 821 m2 hiện có 2 tòa nhà cao 6 tầng và 8 tầng trước đây là khách sạn 4 sao được nhiều người biết đến.
Mọi việc tưởng chừng đơn giản là, khi nhà đầu tư hết hạn thuê đất, thì tài sản sẽ được chuyển giao cho Nhà nước quản lý, sử dụng. Nhưng từ tháng 8/2021 đến nay, UBND TP.HCM vẫn chưa biết xử lý 2 tòa khách sạn ra sao và áp dụng quy định nào.
Xin ý kiến nhiều nơi
Sau khi Khách sạn Norfolk hết thời hạn thuê đất gần 1 năm, đầu tháng 7/2022, UBND TP.HCM gửi Công văn số 2320/UBND-KT xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản chuyển giao không bồi hoàn khi kết thúc liên doanh Norfolk.
Sau đó, Bộ Tài chính hướng dẫn TP.HCM thực hiện theo Điều 106, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Đồng thời, áp dụng quy định tại Điều 125, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Căn cứ các quy định và hồ sơ cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện việc xử lý tài sản chuyển giao không bồi hoàn khi kết thúc liên doanh giữa Norfolk và Tổng công ty Bến Thành theo đúng chế độ quy định. Ngoài ra, đề nghị UBND TP.HCM lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan được giao chủ trì xây dựng Nghị định số 31/2021/NĐ-CP) để được hướng dẫn.
Dù đã được Bộ Tài chính hướng dẫn, nhưng đến tháng 4/2023, UBND TP.HCM tiếp tục yêu cầu Sở Tài chính chủ trì lấy ý kiến bằng văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp để làm rõ các khó khăn, vướng mắc liên quan việc xử lý tài sản do Khách sạn Norfolk để lại.
Sau đó, Sở Tư pháp trả lời rằng, với các dự án đầu tư liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, Sở này không phải là cơ quan nhà nước có chức năng tham mưu, quản lý dự án, nên đề nghị Sở Tài chính liên hệ các cơ quan chuyên môn để có câu trả lời.
Còn Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện theo khoản 1, Điều 125, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư: “Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân và quản lý tài sản của dự án có cam kết chuyển giao tài sản không bồi hoàn (sau đây gọi tắt là tài sản chuyển giao) cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.
Sau khi tổng hợp ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, thì Sở Tài chính tham mưu trình UBND TP.HCM dự thảo văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc xử lý tài sản là Khách sạn Norfolk do nhà đầu tư để lại.
Đến ngày 4/7, UBND TP.HCM có Văn bản số 2946/UBND-KT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc xử lý tài sản chuyển giao không bồi hoàn khi kết thúc liên doanh Norfolk. Văn bản nêu rõ: “Thời gian vừa qua, TP.HCM gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam sau khi kết thúc liên doanh”.
Do đó, để đảm bảo chặt chẽ quy định khi thực hiện, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện việc xử lý tài sản chuyển giao không bồi hoàn khi kết thúc liên doanh của Norfolk.