Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản
Ngày:14/07/2020 03:08:35 CH
Tình hình đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản
Nhật Bản luôn là quốc gia có quy mô đầu tư FDI ra bên ngoài rất lớn trên thế giới, đặc biệt là những năm gần đây. Số liệu của UNCTAD cho thấy kể từ năm 2011 đến nay, Nhật Bản đã đầu tư ra bên ngoài mỗi năm trên 100 tỉ USD, năm 2013 đạt mức cao nhất là gần 140 tỉ USD. Quy mô đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản các năm 2013 và 2014 lần lượt là 135,7 tỷ USD và 113,6 tỷ USD. Theo Báo cáo đầu tư toàn cầu 2015 của UNCTAD, Nhật Bản hiện là nước đứng thứ 4 trong số 20 nền kinh tế có mức đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thế giới. Lượng vốn đầu tư ra nước ngoài trong hai năm 2013 và 2014 của Nhật Bản chiếm lần lượt 10,4% và 8,4% tổng lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của thế giới. Xu hướng đẩy mạnh đầu tư ra bên ngoài hiện nay của các công ty Nhật Bản về cả quy mô vốn đầu tư và tốc độ tăng vốn đầu tư là rất đáng chú ý.
Các công ty Nhật Bản đầu tư ra bên ngoài có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là:
- Chi phí nhân công ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi thấp trong khi Nhật Bản có dân số già và quy mô lực lượng lao động ngày càng giảm, chi phí nhân cao;
- Đồng Yên Nhật là một đồng tiền mạnh trên thế giới, rất thuận lợi cho các công ty Nhật Bản khi đầu tư ra bên ngoài;
- Các công ty Nhật Bản muốn tập trung vào các phân đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của các sản phẩm toàn cầu;
- Sự tham gia ngày càng tăng của các quốc gia trên thế giới vào hiệp định thương mại tự do (FTAs) đang mở rộng nhiều thị trường cho các công ty đa quốc gia, trong đó có các công ty của Nhật Bản.
Việc nghiên cứu nhằm làm rõ các động lực thúc đẩy các công ty Nhật Bản đầu tư ra bên ngoài là hết sức quan trọng để có những chính sách thu hút vốn FDI từ quốc gia này.
b. Về đối tác đầu tư:
Theo báo cáo đầu tư 2014 của Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (JETRO), Mỹ vẫn là đối tác đầu tư lớn nhất của Nhật Bản với tổng lượng vốn FDI đầu tư vào Mỹ là 43,7 tỷ USD, tăng 36,7%. Bên cạnh đó, các công ty Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc và tăng cường đầu tư vào các nước ASEAN. Nguyên nhân là do chi phí nhân công ngày càng cao ở Trung Quốc và những căng thẳng ngày càng tăng giữa hai quốc gia về chủ quyền biển đảo. Lượng vốn FDI của Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc đã giảm 32,5% xuống còn 9,1 tỷ USD. Ngược lại, ASEAN với thị trường 600 triệu dân đã thu hút được lượng FDI cao kỷ lục từ Nhật Bản là 23,6 tỷ USD, tăng gấp 2,2 lần so với năm trước.
c. Về kết quả kinh doanh của các công ty Nhật Bản:
Cũng theo báo cáo đầu tư 2014 của JETRO, lợi nhuận từ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Nhật năm 2013 đã tăng 0,2% đạt 68,2 tỷ USD. Trong đó, khu vực Châu Á đóng góp cao nhất, chiếm đến 37,1% tổng lợi nhuận, tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ 27,0% (đạt 18,5 tỷ USD) và Châu Âu 18,6% (đạt 12,7 tỷ USD).
Tình hình đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 6 năm 2015, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 18.529 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 257,8 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào Việt Nam với 2.661 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 37,7 tỷ USD, chỉ sau Hàn Quốc. Hiện nay, đầu tư của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, xu hướng tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2014, vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam giảm 65%, từ mức 5,87 tỷ USD (2013) xuống còn 2,05 tỷ USD năm 2014. Với đà giảm này, xét về đối tác đầu tư vào Việt Nam năm 2014, Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ 4 sau Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore. Đây cũng là vị trí thấp nhất của các nhà đầu tư Nhật Bản sau nhiều năm chiếm vị trí quán quân và á quân. Còn tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Nhật Bản cũng chỉ xếp thứ 5/48 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với gần 496,4 triệu USD, chỉ chiếm 9% tổng số vốn FDI và bằng 61,6% tổng số vốn FDI cùng kỳ năm trước.
- Nếu tính riêng theo số dự án cấp mới và tăng vốn thì trong 6 tháng đầu năm 2015 Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 131 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 280 triệu USD và 61 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 216 triệu USD. Như vậy, mặc dù số lượng dự án tăng nhưng lại giảm tới gần 40% giá trị vốn so với cùng kỳ năm ngoái (6 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 806 triệu USD). Điều này cho thấy, dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu vẫn là các dự án nhỏ, giống như xu hướng của năm 2013 và 2014.
- Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 18 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và tăng cường tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài như công nghiệp chế biến chế tạo với 1.375 dự án với tổng số vốn đầu tư là 31,4 tỷ USD (chiếm 83,3% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư là 1,66 tỷ USD (chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư); đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 1,17 tỷ USD (chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành, lĩnh vực khác.
- Nhật Bản đã đầu tư vào 49/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với tổng vốn đăng ký là 9,68 tỷ USD (chiếm 26% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là Hà Nội với 636 dự án, với với tổng vốn đầu tư là 4,08 tỷ USD (chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư). Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn là 3,85 tỷ USD (chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư) còn lại là các địa phương khác.
Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới
Đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam có khả năng tăng lên trong giai đoạn tới do một số nguyên nhân như sau:
- Thứ nhất, các doanh nghiệp Nhật Bản phải đối mặt với chi phí lao động ngày càng tăng cao cũng như việc giảm ưu đãi của chính phủ Trung Quốc đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này khiến các công ty Nhật thay đổi chiến lược bằng cách chuyển các khoản đầu tư trực tiếp hướng tới các nước ASEAN với thị trường lớn và nhân công giá rẻ như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar...
- Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số đứng thứ 3 trong khối ASEAN, lại có lượng lao động trẻ, vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện tự nhiên phong phú, chính trị ổn định nên Việt Nam luôn được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn. Theo khảo sát thường niên của JETRO năm 2014, có tới 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài đang cân nhắc Việt Nam như một lựa chọn hàng đầu, vượt qua “các đối thủ lớn nhất trong cạnh tranh thu hút vốn đầu tư” là Indonesia, Thái Lan và Philippines và tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có ý định mở rộng sản xuất và kinh doanh tại đây.
- Thứ ba, cam kết đối tác chiến lược và việc thực thi chính sách thu hút đầu tư từ Nhật Bản như xây dựng và phát triển khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp phụ trợ ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng sẽ phát huy tác dụng trong thời gian tới. Đầu tư của các công ty Nhật Bản chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp và xu hướng này cũng nhất quán với FDI của Nhật Bản tại Việt Nam. Công nghiệp là ngành thu hút được phần lớn vốn FDI, trong đó các ngành công nghiệp nặng thu hút lượng vốn lớn hơn nhiều so với các ngành công nghiệp nhẹ. Ngành xây dựng chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong vốn FDI của Nhật Bản; đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ còn nhỏ, đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp chưa được chú trọng đầu tư nhiều.
Hiện nay xu hướng đầu tư từ Nhật Bản là tập trung vào các dự án có quy mô vừa và nhỏ, do vậy tổng vốn đầu tư cấp mới có thể giảm trong ngắn hạn. Theo báo cáo của JETRO, nguyên nhân bao gồm các vấn đề nội tại của cả Nhật Bản và Việt Nam, cụ thể như sau:
- Về phía Nhật Bản, nguyên nhân là do nhu cầu lớn về tái thiết, xây dựng lại các khu vực sau thảm họa động đất sóng thần và chính sách phát triển mới của Chính phủ mới của Nhật Bản là kêu gọi các doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh đầu tư kinh doanh ở trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm. Theo đó, Chính phủ Nhật đã chủ động dùng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, giảm giá đồng Yên. Điều này lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài khi chi phí vốn tăng lên nên nhiều nhà đầu tư Nhật có tâm lý chờ đợi tỷ giá cải thiện.
- Thứ hai, báo cáo cũng cho rằng lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đã chạm đáy vì lợi nhuận thị trường của các nước nhận đầu tư đang ngày càng khó khăn do gặp phải cạnh tranh từ các nhà đầu tư khác trong đó có Hàn Quốc, EU, Mỹ. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng tăng cường đầu tư vào Campuchia, Myanma ở các lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ bán lẻ… vì đây là thị trường có mức sinh lợi cao hơn.
- Về phía Việt Nam, môi trường kinh doanh còn nhiều điểm cản trở như các chính sách thiếu tình đồng bộ, thủ tục hành chính còn nhiều quan liêu, chi phí thuế cao, còn tồn tại tham nhũng tại các dự án đầu tư có liên quan đến ODA và tác động của các chính sách tăng lương, cải cách luật pháp ... Cụ thể, theo báo cáo, có tới 60% các doanh nghiệp nước này đang đầu tư tại Việt Nam cho rằng, chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách thiếu minh bạch… đang ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của họ tại Việt Nam.
- Một nguyên nhân nữa đang ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, làm cho tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Theo kết quả điều tra về các doanh nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam mới đạt 32,2%, thấp hơn rất nhiều mức 64% tại Trung Quốc, 53% tại Thái Lan, 42% tại Malaysia và 41% tại Indonesia… Còn theo báo cáo mới cập nhật của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) thì chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới phát triển toàn cầu, thấp so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chi phí nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu vào Việt Nam ước tính lên đến 90% giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế tác của Việt Nam ra nước ngoài.
- Kinh tế Việt Nam từ năm 2012 đến nay vẫn chưa trở lại mức tăng trưởng tốt như các năm trước nên nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đợi kinh tế có dấu hiệu tích cực mới quyết định đầu tư mở rộng. Điều này lý giải vì sao số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam không giảm nhiều nhưng số vốn đầu tư mở rộng lại giảm khá mạnh.
Tóm lại. Tiềm năng thu hút vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản có nhiều yếu tố thuận lợi từ cả phía Nhật Bản và Việt Nam. Nhật Bản có khoảng 4,7 triệu doanh nghiệp SMEs, chiếm 99,7% tổng số doanh nghiệp tại Nhật, có công nghệ kỹ thuật hiện đại và đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài trong khi Việt Nam đang có nhu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp SMEs. Những tồn tại, yếu kém liên quan đến môi trường đầu tư, công nghiệp phụ trợ, trình độ người lao động (năng suất, kỹ năng) là những vấn đề lớn mà Việt Nam hiện đang và sẽ phải tiếp tục khắc phục để nâng cao hiệu quả thu hút FDI từ các nước nói chung và từ Nhật Bản nói riêng.
- Trong thời gian tới, một số lĩnh vực đầu tư mà các nhà đầu tư Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam là ngành dược phẩm và hóa chất, sản xuất thép và kim loại, máy móc chung và máy móc điện tử, thiết bị trong ngành giao thông, bán buôn và bán lẻ, tài chính và bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, dịch vụ. Riêng nông nghiệp cũng là ngành có nhiều tiềm năng do Nhật Bản là quốc gia phát triển nông nghiệp trình độ cao, có nhu cầu đầu tư ra ngoài do quỹ đất tại Nhật còn hạn chế và giá nhân công cao. Việt Nam lại có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phong phú, phù hợp cho các nông sản phẩm của Nhật Bản.
Về dài hạn, chiến lược CNH-HĐH đến năm 2020 tầm nhìn 2030, trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản đã xác định tập trung phát triển 6 ngành là: (i) điện tử; (ii) máy nông nghiệp; (iii) chế biến nông, thủy sản; (iv) môi trường và tiết kiệm năng lượng; (v) sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô;(vi) đóng tàu.
- Một số cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản có chức năng hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp ra nước ngoài mà các Bộ ngành địa phương có thể hợp tác trong quá trình xây dựng kế hoạch XTĐT cũng như xúc tiến, tiếp cận trực tiếp đến các doanh nghiệp Nhật Bản gồm: Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật bản (JETRO), Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JBAH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai (KanKeiren), Liên đoàn kinh tế vùng Kyushu (Kyukeiren), Bộ phận hỗ trợ các Doanh nghiệp Nhật Bản - Japan Desk (tại Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)...