Xu hướng mới của nền kinh tế thế giới dưới tác động của dịch Covid 19 và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam

Đại dịch COVID - 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Các nền kinh tế lớn trên thế giới phải đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giớ đã bắt đầu tái khởi động sau phong tỏa do dịch COVID -19.

Nhìn tổng thể, bên cạnh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đại dịch cũng tạo ra những xu hướng kinh tế mới trên thế giới. Dựa trên những phân tích và nhận định về xu hướng kinh tế mới, nghiên cứu sẽ đưa ra một số cơ hội để Việt Nam có hướng đi đúng đắn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID- 19 hiệu quả và thành công.

Dự báo tăng trưởng toàn cầu của IMF (công bố tháng 6/2020)

Dự báo tăng trưởng toàn cầu của IMF (công bố tháng 6/2020, nguồn: IMF, Economic Outllok Update)

Tác động của COVID-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra “khủng hoảng” của toàn cầu. Bắt đầu từ ngày 31/12/2019, Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về 41 bệnh nhân bị mắc bệnh viêm phổi lạ. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn số bệnh nhân tăng lên nhanh chóng tại Trung Quốc cũng như trên thế giới. Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến tháng 10/2020, thế giới đã ghi nhận hơn 40 triệu ca nhiễm COVID-19, hơn 1,22 triệu người chết.

Đại dịch không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà tác động tiêu cực nền kinh tế toàn cầu. Covid-19 còn đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc đại suy thoái nghiêm trọng kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị suy giảm về kinh tế do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, phá vỡ.

Tính đến tháng 07/2020, chỉ có 57 quốc gia có mức tăng trưởng dương, thấp hơn rất nhiều so với 171 quốc gia vào năm 2019. Hầu hết các khu vực kinh tế đều suy giảm mạnh với mức tăng trưởng âm, cụ thể: khu vực đồng Euro (-10,2%), Hoa Kỳ (-8,0%) và các thị trường mới nổi (-2,1%). Khu vực Đông Á vẫn tiếp tục tăng trưởng dương nhưng chỉ ở mức 0,5%, có nghĩa là thấp hơn 5,5% so với năm 2019 trong khu vực này. 

Giá dầu sụt giảm mạnh do cầu giảm, hàng không quốc tế đình trệ và cuộc chiến giá dầu giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ. Tháng 4/2020, nhu cầu nhiên liệu trên toàn thế giới giảm khoảng 30%, có thời điểm giá dầu Mỹ đã rớt xuống mức âm chưa từng thấy, giá dầu thô có thời điểm lao dốc về -40 USD/thùng (22/4), mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử, trong khi dầu thô Brent đã xuống mức thấp nhất 21 năm do lượng cung dầu ở thị trường Mỹ không giảm, các hoạt động vận tải, sản xuất “đóng băng”, sức cầu yếu ớt, các kho dự trữ xăng dầu đã đầy khiến nhà đầu tư phải trả tiền cho người mua để đẩy dầu đi và các nhà đầu tư ồ ạt bán ra khiến dầu rớt giá thảm hại.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt trên thế giới. Tuy nhiên COVID-19 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta. GDP 9 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%) là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2001-2020 (nguồn: Tổng cục Thống kê). Lạm phát tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây với mức tăng 3,85%. Tình hình xuất nhập khẩu trong 9 tháng đều có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Đầu tư FDI giảm mạnh về tốc độ vốn đăng ký và vốn thực hiện do hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Những khó khăn về thị trường, doanh thu, nguồn vốn đã buộc các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mạnh để chống chọi trong mùa dịch như: giảm lương lao động, cho lao động nghỉ không lương và cắt giảm lao động.

Trước sự lan rộng trên toàn cầu của đại dịch, các nước đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế vĩ mô để giảm thiểu tác động tiêu cực của kinh tế, dần dần ổn định thị trường tài chính. Các chính sách của các quốc gia trên thế giới chủ yếu là chính sách tiền tệ bao gồm: hạ lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc, các chương trình trái phiếu, điều chỉnh tỷ giá và cung cấp tín dụng ưu đãi. Chính sách tài khóa như giảm, giãn thuế, giảm phí, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, lao động và bảo lãnh tín dụng.

Những biện pháp này nhằm duy trì sản lượng, giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân vượt qua những khó khăn trong giai đoạn dịch bùng phát. Tuy nhiên chính những tác động tiêu cực và sự ảnh hưởng lớn của Đại dịch COVID-19 cũng đã tạo ra những xu hướng kinh tế mới trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận những xu hướng này.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm (2011-2020)

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm (2011-2020) - nguồn: Tổng cục Thống kê

Xu hướng kinh tế mới trên thế giới dưới tác động của COVID-19

COVID -19 còn tác động lâu dài đối với nền kinh tế thế giới, nó để lại “vết sẹo” ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Hội nhập kinh tế đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho các nước phát triển, trong đó có Việt Nam trong ba thập kỷ qua, đặc biệt là các nước đã tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cũng kéo theo nhiều rủi ro, và rủi ro đã hiện hữu trong cuộc khủng hoảng COVID-19 lần này. Tuy vậy, cũng là điểm khởi phát cho những thay đổi mang tính tích cực lâu dài khác do sự thay đổi hành vi của các chủ thể kinh tế lần này, đã xuất hiện những xu hướng kinh tế mới hậu COVID-19: 

COVID-19 “tái định hình” các chuỗi cung ứng toàn cầu

Sự lây lan của COVID-19 đã và đang làm “gián đoạn” phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó

Kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 do tác động của đại dịch COVID-19. Gián đoạn nguồn cung xuất hiện khi dịch bùng phát tại Trung Quốc trong tháng 1-3/2020. Trong khi Trung Quốc kiểm soát được dịch hiệu quả nhưng sự lan rộng và bùng phát của COVID-19 sang các nước khác khiến thế giới đối mặt với cả cú sốc cung và cầu. Các dòng vốn đầu tư và thương mại thế giới đều bị dừng đột ngột do các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội.

Với mức sụt giảm lớn nhất trong vòng 10-20 năm qua, Trung Quốc suy giảm 6,8%; Mỹ sụt giảm 4,8% (là mức tăng trưởng kinh tế âm lần đầu tiên kể từ năm 2014), EU cũng sụt giảm 3,3%; Hồng Kông giảm 8,9%, lớn hơn cả mức giảm 8,3% trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới Quý IV/2020 dự kiến còn suy giảm mạnh hơn do dịch bệnh bùng phát mạnh tại các nền kinh tế phát triển trong tháng 3, 4 và 5/2020 và hiện vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Các hình thái thương mại mới đang hình thành và phát triển

Do các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm ngặt trong dịch COVID-19, thương mại điện tử đã được đẩy mạnh để người tiêu dùng có thể mua bán hàng hóa mà vẫn duy trì được nguyên tắc “ít tiếp xúc”. Trong tương lai, hình thức thương mại điện tử sẽ được lựa chọn nhiều hơn, cùng với đó việc sử dụng tiền mặt sẽ được thay thế bởi phương thức thanh toán trực tuyến, sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh hơn của ngành công nghệ tài chính (Fintech). Hiện đã có khoảng 31 quốc gia dỡ bỏ giới hạn thanh toán không tiếp xúc trong năm 2020 để hỗ trợ các biện pháp giãn cách xã hội.

Ở Anh, việc sử dụng ATM trước đây giảm khoảng 6% - 14%/năm nhưng hiện đã giảm hơn một nửa. đại dịch COVID-19 sẽ làm bùng nổ giao tiếp từ xa. Công nghệ giao tiếp từ xa đang bùng nổ, đặc biệt là giữa các nhân viên công sở thì làm việc từ xa đã trở thành điều bình thường. Một cuộc khảo sát với hơn 800 công ty do công ty tư vấn Gartner tiến hành hồi giữa tháng 3/2020 cho thấy 88% các công ty hiện nay đã và đang khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu người lao động làm việc tại nhà. Với việc hoạt động đi lại kinh doanh bị gián đoạn, nhiều công ty đã đưa ra các công cụ mới phục vụ các cuộc họp trực tuyến như công cụ Google Hangouts, GoToMeeting và Zoom.

Việc khám, chữa bệnh từ xa cho đến thời gian gần đây vẫn không phải là hoạt động y tế phổ biến cũng đang bắt đầu trở nên được để ý hơn. Tại Mỹ, gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD cũng có một phần hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa. đại dịch COVID-19 có tác động hỗn hợp đối với thương mại điện tử.

Các biện pháp “giãn cách xã hội” và các yêu cầu “ở trong nhà” để phòng dịch sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của thương mại điện tự do người tiêu dùng hạn chế tới các chuỗi cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng và các quán bar.

Xu hướng dịch chuyển “chuỗi cung ứng” ra khỏi Trung Quốc

Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu sau dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã thúc đẩy xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, một xu hướng đã bắt đầu hình thành từ năm 2008 trước khi dịch COVID-19 xảy ra do chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng tăng và được đẩy mạnh từ sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Chính phủ Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã có những động thái khá rõ ràng trong kế hoạch kéo các doanh nghiệp ra khỏi thị trường Trung Quốc sau cú sốc chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19.

Đầu tháng 4/2020, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất xây dựng một nền kinh tế ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn để Nhật Bản có thể tránh được tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai. Chính phủ Nhật Bản đã thông báo gói 2,2 tỉ USD để khuyến khích và tài trợ cho các nhà sản xuất nước này tái lập chuỗi cung ứng mới, di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, trở về nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á. Nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rốt ráo đẩy mạnh kế hoạch rút toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất của nước này khỏi Trung Quốc. Mỹ đã kêu gọi Công ty sản xuất chip bán dẫn Đài Loan TSMC đầu tư 12 tỷ USD vào Arizona, bắt đầu từ năm 2021, tạo ra hơn 1.600 việc làm và nguồn cung linh kiện điện tử đủ để đảm bảo phục vụ an ninh quốc gia của Mỹ.\

Tuy nhiên, các phản ứng mới đây có thể chỉ mang tính chất tức thời của các Chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp, đồng thời được thúc đẩy bởi động cơ chính trị nhiều hơn. Trong thực tế việc dịch chuyển chuỗi khỏi Trung Quốc có thể rất chậm do lợi thế không thể phủ nhận của Trung Quốc.

Các nền kinh tế khác khó có được khả năng về cung cấp lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguyên liệu dồi dào và thị trường lớn như của Trung Quốc. Tốc độ chuyển dịch sẽ phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của các chính phủ và tốc độ thay đổi của mô hình thương mại. Hơn nữa, phần lớn các công ty chỉ chuyển các phân khúc sản xuất ra khỏi Trung Quốc và áp dụng chiến lược “Trung Quốc+1” để giảm chi phí hoạt động, đa dạng hóa lực lượng lao động và chuỗi cung ứng, cũng như tiếp cận thị trường mới.

Xu hướng giá cả hàng hóa thế giới sụt giảm

Cầu yếu đi và giá dầu giảm khiến cho giá hàng hóa thế giới có xu hướng đi xuống, trừ một số mặt hàng như gạo và thiết bị y tế do nhu cầu tích trữ tăng cao và giá vàng do nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư. Do đó, chỉ số giá của phần lớn các mặt hàng chủ chốt trên thế giới đều có xu hướng giảm từ đầu năm 2020, trừ kim loại quý và gạo.

Xu hướng giá cả hàng hóa thế giới sụt giảm

Xu hướng giá cả hàng hóa thế giới sụt giảm

Chuyển đổi “chuỗi cung ứng” theo hướng “số hóa”

Ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, một báo cáo của công ty tư vấn đầu tư McKinsey cho thấy 92% các công ty nhận định mô hình kinh doanh của họ sẽ cần phải thay đổi theo hướng số hóa trong bối cảnh công nghệ biến đổi mạnh mẽ. Báo cáo này cho thấy đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số phục vụ cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đạt được tiến độ tương đương 5 năm chỉ trong khoảng 8 tuần.

Tình hình cấp thiết đã thúc đẩy rất nhiều tiến bộ trong quá trình số hóa chuỗi cung ứng khi nhu cầu thương mại điện tử đã tăng vọt trong suốt quá trình diễn biến của đại dịch Covid-19. Việc các nhà chế tạo nỗ lực sản xuất các thiết bị quan trọng cần thiết phục vụ hoạt động chống dịch cũng đã thúc đẩy tiến trình số hóa rất cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đối mặt với áp lực nội bộ trong việc đưa hoạt động trở nên hiệu quả, mang tính tích hợp và phản ứng nhanh hơn để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về sản phẩm. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong cách các công ty đánh giá các nhà cung cấp và nguồn gốc hàng hóa để đáp ứng những mong đợi đó.

Thông thường, các công ty sẽ ưu tiên nhập hàng từ một số nhà cung cấp dựa trên hiệu quả chi phí và tính minh bạch họ. Khi ngày càng nhiều dữ liệu về các nhà cung cấp và sản phẩm của họ được đưa ra, việc số hóa chúng giúp các công ty có cái nhìn sâu hơn để lựa chọn nhà cung cấp tốt và năng động hơn. Điều này cho phép các công ty dễ dàng tìm nguồn cung ứng theo yêu cầu và tạo điều kiện cho các nhà cung cấp mới tham gia thị trường.

Việc số hóa chuỗi cung ứng không chỉ giúp người tiêu dùng mà còn cả với phía các công ty. Chúng sẽ giúp người mua tìm hiểu kỹ càng chất lượng sản phẩm và phân biệt được hàng giả với các sản phẩm chính hãng. Các chi phí giao dịch gián tiếp cũng sẽ giảm thông qua sự minh bạch giá cả. Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp và liên kết chặt chẽ với nhau, điều này khiến cho việc quản lý rủi ro trở nên khó khăn hơn. Việc số hóa chuỗi cung ứng sẽ cho phép các công ty quản lý hiệu quả sự rủi ro này.

Cơ hội cho phát triển nền kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế COVID-19 không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới. Trong bối cảnh nhiều xu hướng kinh tế mới xuất hiện trong đại dịch, bên cạnh những thách thức khó khăn phải vượt qua khủng hoảng, Việt Nam cũng có những cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế trong tương lai

Cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực mang lại nhiều cơ hội cho lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2020. Việc EVFTA chính thức có hiệu lực sau 9 năm đàm phán sẽ góp phần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu của Việt Nam, giúp Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, từ đó đảm bảo an ninh kinh tế của Việt Nam. Khi thực thi EVFTA, nhờ các cam kết cắt giảm sâu nhiều dòng thuế, cũng như được hỗ trợ đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường EU rộng lớn, gồm 27 quốc gia thành viên với hơn 500 triệu dân và tổng GDP hiện chiếm khoảng hơn 21% tổng GDP toàn cầu. Ngoài ra, hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu cao hơn trong xuất khẩu của Việt Nam sang EU cho một số mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử - những mặt hàng chiếm hơn 30% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản có nhiều cơ hội đột phá hậu COVID-19 do nhu cầu thị trường được dự báo tăng cao trong những tháng cuối năm.

Cơ hội “dịch chuyển” dòng vốn trên thế giới và sự đa dạng hóa thị trường đầu tư

Kể từ năm 2018, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước đã khiến dòng vốn đầu tư giảm mạnh và có sự dịch chuyển giữa các khu vực và các quốc gia. Đến đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy quá trình dịch chuyển đầu tư nhanh hơn và quyết liệt hơn. Đặc biệt là xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Thay vào đó là mong muốn tìm kiếm và dịch chuyển một phần sang địa điểm đầu tư mới ổn định hơn, tránh được việc áp thuế cao của Mỹ cũng như giảm thiểu tác động do đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Hiện nay, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang nổi lên là điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư (theo báo cáo đầu tư thế giới 2020 (WIR 2020, UNCTAD). Có thể thấy Việt Nam có cơ hội lớn trong thu hút vốn FDI do môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thị trường nội địa lớn, mức sống người dân ngày càng tăng; lợi thế tương đồng với Trung Quốc về văn hóa, chính trị, về vị trí địa lý, điểm giúp tiết giảm tối đa chi phí dịch chuyển sản xuất và vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các cơ sở sản xuất hiện có tại Trung Quốc; sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam về kinh tế, thương mại, đối ngoại, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật…

COVID-19 mang lại nhiều ‘cơ hội’ cho Việt Nam trên phạm vi toàn cầu và khu vực

Những thay đổi về hành vi do đại dịch gây ra đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa sản xuất, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cũng như đưa vào áp dụng các công nghệ kỹ thuật số rộng rãi, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tốc độ đổi mới khoa học. Đại dịch có thể khởi phát những thay đổi lâu dài về tổ chức và công nghệ đối với cách thức hoạt động của các doanh nghiệp, loại bỏ các công ty hoạt động không hiệu quả và khuyến khích ứng dụng các công nghệ sản xuất hiệu quả hơn.

Thêm nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển là việc tái phân bổ các cơ sở sản suất kinh doanh của các công ty đa quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm hiện có của mình và hình thành các liên minh kinh tế mới. Đối với các quốc gia có môi trường kinh doanh và quản trị vững chắc oặc đang được cải thiện một cách tin cậy, là cơ hội vàng để tăng cường sự tham gia sâu hơn của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Các quốc gia có thể nắm bắt các cơ hội này để đẩy nhanh quá trình cải cách của mình và tạo dựng sự đồng thuận cần thiết để thực hiện những cải cách khó khăn hơn.

Nhân tố thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ số thông qua việc tận dụng lợi thế về hạ tầng kinh tế số tương đối tốt tại Việt Nam.

Xu hướng này có thể giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong tương lai, hướng tới nền kinh tế số hoàn thiện. Dù vậy, kinh tế số vẫn là xu hướng dài hạn do cần đòi hỏi những thay căn bản trong mối quan hệ khách hàng và người sản xuất từ khuôn khổ pháp lý đến trình độ, kỹ năng và đến cả cơ cấu của nền kinh tế.

Nền kinh tế số đang hiện diện, thay đổi hàng ngày với tốc độ đáng kinh ngạc và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện trên phạm vi toàn thế giới. Nói khác đi, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technology – ICT) mới đã tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng trong các công đoạn của nền kinh tế: từ sản xuất, phân phối, cung ứng dịch vụ cho đến tiêu dùng với tốc độ và quy mô chưa từng có. Quá trình này đã đem lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng cũng tạo ra không ít thách thức và rủi ro: từ an ninh mạng, các hoạt động kinh tế bất hợp pháp cho đến chuyển dịch lao động và thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo và tăng trưởng bền vững.

Thực tế này, đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ và hợp tác cùng nhau nhằm gia tăng đổi mới sáng tạo, tìm ra các mô hình mới và giải pháp mới, thậm chí chưa có tiền lệ ở trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số hiệu quả và bền vững.

Như vậy, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp và hậu quả mà nó để lại cho kinh tế thế giới và Việt Nam là rất nghiêm trọng. Với những xu thế kinh tế thế giới mới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức rất lớn khi nền tảng kinh tế vĩ mô còn yếu, nền kinh tế nước ta còn phụ thuộc vào kinh tế các nước trên thế giới. Vì vậy, cần có những phương hướng, giải pháp đúng đắn để nắm bắt cơ hội nhằm đạt được “mục tiêu kép” - vừa kiểm soát dịch bệnh và vừa tăng trưởng kinh tế.

Chat qua zalo