Xuất nhập khẩu hai tháng đạt 74 tỷ USD
Ngày:02/03/2020 09:32:10 SA
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng trong tháng 2/2020 nhờ Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 ước tính đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 19,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,5 tỷ USD, tăng 12,6%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 tăng 34%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 39,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 32%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao như: điện thoại và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 2,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 26,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỷ USD, tăng 19,6%; giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4%.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: thủy sản đạt 912 triệu USD, giảm 17,7%; cà phê đạt 497 triệu USD, giảm 9,8%; rau quả đạt 481 triệu USD, giảm 17,4%; hạt điều đạt 315 triệu USD, giảm 19,3%; hạt tiêu đạt 81 triệu USD, giảm 18,8%. Riêng gạo đạt 372 triệu USD, tăng 20,5%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,7%; thị trường EU đạt 5 tỷ USD, giảm 7,7%; ASEAN đạt 3,5 tỷ USD, giảm 9,3%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 8,9%; Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2020 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,05 tỷ USD, tăng 3,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2020 ước tính tăng 26%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 29,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,7%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 37,10 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt giá trị cao trong 2 tháng đầu năm nay: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,3 tỷ USD, giảm 3,7%; điện thoại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,2%; vải đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10,5%...
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 34,6 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 3% và chiếm 6,7%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 2 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 10 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 8 tỷ USD, tăng 9%; ASEAN đạt 4,5 tỷ USD, giảm 9,6%; Nhật Bản đạt 2,8 tỷ USD, tăng 0,2%; EU đạt 2,1 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 2,1 tỷ USD, tăng 13,6%.
Mặc dù so với cùng kỳ, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay vẫn tăng so với 2 tháng đầu năm ngoái, và nguyên nhân chủ yếu là do Samsung tăng cường xuất khẩu các mặt hàng mới, song nếu so sánh kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của hai tháng cuối năm ngoái với hai tháng đầu năm nay, có thể thấy rõ sự sụt giảm rất mạnh.
Hai tháng cuối năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 89 tỷ USD, cao hơn mức ước đạt được của hai tháng đầu năm nay tới 15 tỷ USD.
Thêm vào đó, có thể thấy rất rõ sự sụt giảm mạnh của một số mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu. Chẳng hạn, xuất khẩu thủy sản đã giảm 17,7%, xuất khẩu rau quả giảm 17,4%, cao su giảm 24,2%... Đây là những con số cho thấy tác động của dịch bệnh COVID-19 tới xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2020 nhập siêu 276 triệu USD, tháng Hai ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 176 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,94 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,76 tỷ USD.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng hai tháng đầu năm Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 2/2020 ước tính tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày sản xuất trong tháng Hai năm nay nhiều hơn.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong 2 tháng đầu năm 2020 có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019 và 11,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,1%. Đáng chú ý là trong 2 tháng có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng Hai là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công, đồng thời trong các tháng đầu năm hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước nên nhìn chung tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020 (8,3%). Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng Hai là tháng sau Tết Nguyên đán và là tháng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động vận tải tháng Hai giảm sâu so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 đã hạn chế vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân. Vận tải hành khách tháng Hai ước tính đạt 400,1 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 15,8% so với tháng trước và luân chuyển 19,8 tỷ lượt hành khách.km, giảm 14,4%. Tính chung 2 tháng năm 2020, vận tải hành khách đạt 875,3 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,2%) và luân chuyển 43 tỷ lượt hành khách.km, tăng 4,9% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,5%).
Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đời sống dân cư trong tháng 2/2020 tiếp tục được cải thiện. Tình hình thiếu đói trong nông dân đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, thiếu đói chỉ phát sinh tại Yên Bái với 873 hộ thiếu đói, tương ứng với 3,2 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 3,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 85,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 13,3 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 86,4%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 205,3 tấn gạo.
Nguồn: cafef.vn