BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM: NGUỒN CUNG TĂNG PHẢI ĐI KÈM CHẤT LƯỢNG

Hoà chung cùng làn sóng dịch chuyển nhà máy của các "ông lớn" trong ngành sản xuất, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi các Chủ đầu tư rục rịch chuẩn bị nguồn cung lên tới cả trăm ha chỉ trong năm 2020. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia IIP VIETNAM, để đón đầu làn sóng FDI vào ngành bất động sản công nghiệp, nguồn cung phải đi kèm chất lượng.

Nguồn cung không ngừng gia tăng

Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); sự xuất hiện liên tục của các chính sách hỗ trợ như miễn giảm, ưu đãi thuế của Chính phủ đối với các nhà đầu tư… là cú hích mạnh đến thị trường bất động sản công nghiệp. Theo nghiên cứu của IIP VIETNAM, nguồn cầu thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam luôn ở mức cao kể từ cuối năm 2019. Không ít nhà phát triển bất động sản đang nỗ lực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang sử dụng cho công nghiệp, giúp tăng quỹ đất hiện tại và nguồn cung thứ cấp.

Chỉ riêng với chuyển động của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và đối tác, thị trường bất động sản công nghiệp có thể đón nguồn cung mới tới cả trăm héc-ta tại Bắc Ninh trong năm 2020. Cụ thể, tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Kinh Bắc đã đầu tư thêm hơn 98 tỷ đồng san lấp và khảo sát xây dựng nhà máy nước sạch trên quy mô 100ha, nâng tổng giá trị đầu tư vào dự án này trong năm 2019 lên 457 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm 2018.

Trong động thái tương tự, Công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn (SGT), một đơn vị liên kết mà Kinh Bắc nắm giữ 21,48% cổ phần, cũng đang gấp rút hoàn thiện Dự án Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn - Bắc Ninh. Đây là một trong những dự án trọng điểm của SGT, có quy mô gần 400 ha và tổng diện tích đầu tư 268 ha của giai đoạn I đã được lấp đầy.

Năm 2019, SGT đã triển khai kinh doanh Dự án và xúc tiến đầu tư giai đoạn II với diện tích 96 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, đã có 20 ha giai đoạn II của Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn - Bắc Ninh được đền bù và dự kiến 100% diện tích dự án được đền bù trong năm 2020.

Bắc Ninh là một trong 3 địa phương được các chuyên gia bất động sản đánh giá là nơi hứa hẹn tạo xung lực mới cho thị trường bất động sản công nghiệp năm 2020, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác do dính “đòn kép” thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19.

Chất lượng là yếu tố then chốt

Nhu cầu thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có sự chuyển dịch về cơ cấu ngành hàng. Cụ thể, EVFTA có hiệu lực trong năm nay cùng các hiệp định đã được ký kết và đang được thực thi sẽ giúp Việt Nam tăng tốc quá trình chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang các ngành công nghiệp giá trị cao hơn. Nhu cầu bất động sản công nghiệp từ đó cũng tăng lên, kéo theo đòi hỏi cao hơn với công nghệ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ tiện ích.

Khoảng 10 năm trước, ngành may mặc “chiếm sóng” về đầu tư và hiện diện phần lớn ở các khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam, nhưng nay lại dồn về miền Trung. Trong khi đó, miền Bắc đang có vị thế trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử với sự xuất hiện của những dự án lớn của “đại bàng” Samsung và LG cùng các “chim sẻ” vệ tinh.

Do đó tăng cung bất động sản công nghiệp chỉ là động thái khiến thị trường “dễ thở” hơn, tránh được tình trạng thiếu cung và chậm chân đón “đại bàng”, còn chất lượng hạ tầng và chi phí mới là yếu tố thu hút được nhà đầu tư.

Theo nghiên cứu của IIP VIETNAM, nhà đầu tư ngày càng coi trọng kết nối giữa bất động sản công nghiệp với chất lượng và kết nối hạ tầng ở địa phương, đặc biệt là cảng biển, bến bãi. Ngoài ra, dịch vụ hậu cần, chất lượng và chi phí lao động cũng là những yếu tố quan trọng được nhà đầu tư rất cân nhắc. Kết cấu hạ tầng, dịch vụ hậu cần, giá đất là những yếu tố mà các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cần lưu tâm cải thiện, nhất là giá đất đang có xu hướng tăng nhanh vài năm qua, khi các nhà đầu tư ngoại chuyển hướng vào thị trường Việt Nam.

Chat qua zalo