Bất động sản công nghiệp Việt Nam và bài học từ việc hút FDI của Ấn Độ.

Hiện nay bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đang đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng và đại dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong đó làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Ấn Độ ngày càng tăng. Đây là kết quả sau nhiều năm âm thầm chuẩn bị của Ấn Độ.

Tổng vốn FDI vào Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020 đã đạt mức kỷ lục 49,97 tỷ USD, tăng 13% so với năm tài chính trước.

Ấn Độ là quốc gia sản xuất phần mềm hàng đầu thế giới, cái nôi xuất phát của hàng vạn chuyên gia, kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc tại hàng chục trung tâm công nghệ lớn, trong đó có Thung lũng Silicon. Tuy vậy, sản xuất phần cứng chưa bao giờ là thế mạnh của Ấn Độ; mức độ thiếu hụt linh kiện, thiết bị lên tới 11% do thiếu cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng trong nước, chi phí cao và hậu cần chưa đủ lực.

Năm 2019, Ấn Độ ban hành chương trình khung về Tầm nhìn chính sách quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp điện tử với tham vọng biến Ấn Độ thành trung tâm toàn cầu về thiết kế và sản xuất hệ thống điện tử.

Đến tháng 4/2020, Ấn Độ cho ra đời Chương trình khuyến khích liên kết cho sản xuất điện tử quy mô lớn (PLI), được gọi là bản vẽ chi tiết để biến mục tiêu trên thành hiện thực.

Chương trình này tập trung liên kết các nhà sản xuất điện thoại thông minh và linh kiện điện tử, ở các lĩnh vực: lắp ráp, kiểm định, đóng gói,… PLI sẽ mở rộng ưu đãi thuế, phí lên 4- 6% doanh số bán các mặt hàng được sản xuất tại Ấn Độ trong thời gian 5 năm cho các doanh nghiệp đủ điều kiện…

Bài học rút ra

Thực ra việc Samsung hay Apple có rời bỏ Việt Nam hay không cũng không quan trọng bằng việc chúng ta phải xem lại chính sách thu hút và giữ chân những “ông lớn” công nghệ.

Kịch bản thu hút đầu tư kinh điển được gọi là “trải thảm đỏ” bằng ưu đãi thuế, nhân công giá rẻ đã lỗi thời. Bởi vì hiện nay không chỉ mỗi Việt Nam sử dụng thế mạnh này để thu hút FDI.

Kể từ khi chuỗi cung ứng ở Trung Quốc bị đứt gãy thì lỗ hổng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở nước ta phơi bày rõ ràng. Nền kinh tế Việt Nam không phải là “con tàu nhiều khoang”- chúng ta chỉ là một khoang nhỏ, bị phụ thuộc, liên thông với bên ngoài nên không phải là chổ trú ẩn an toàn.

Vấn đề lớn nhất và muôn thuở của các nhà đầu tư, như Samsung, Apple… chính là chuỗi cung ứng, tiềm lực đối ứng của quốc gia sở tại, được định danh là chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và một kế hoạch rõ ràng, chi tiết như PLI của Ấn Độ.

Muốn hấp dẫn được “đại bàng” về làm tổ phải có chiến lược cụ thể cho từng đối tác, không nên đưa ra mục tiêu chung chung, tràn lan và thành quả thu hút FDI không chỉ được đánh giá bằng tổng số vốn đăng ký. Bởi ở Việt Nam có nhiều dự án tí hon chỉ vài chục nghìn USD!

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng có thể đưa ra những chương trình tương tự như PLI, nếu so sánh về tiềm lực chưa được khai thác. Nhưng dù sao đi nữa vẫn phải thừa nhận Ấn Độ là cường quốc, không thể so sánh với họ. Vậy nên, muốn thu hút các nhà đầu tư tìm đến thì bất động sản công nghiệp Việt Nam trước tiên hãy giành thời gian để làm cho mình hấp dẫn và đầy tiềm năng.

Chat qua zalo