Biến lợi thế tĩnh thành động giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh
Ngày:02/07/2020 09:41:26 SA
Bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kết hợp chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, các doanh nghiệp có xu hương dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hương từ căng thẳng Mỹ - Trung. Các chuyên gia quốc tế và trong nước có chung nhận định là, làn sóng FDI đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc và có thể vào Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia hay các quốc gia khác.
Trên thế giới, có nhiều lý thuyết giải thích lý do các công ty đa quốc gia (MNCs) quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Theo Dunning (1981), các MNCs sẽ đánh giá mô hình OLI theo hướng động, nghĩa là xem xét sự dịch chuyển FDI theo hướng chủ động, thay đổi, chứ không phải theo hướng tĩnh.
Ví dụ, với các công ty lựa chọn địa điểm tiêu thụ, họ không chỉ đánh giá tiềm năng của thị trường hiện tại (GDP, GDP bình quân, dân số, tốc độ tăng trưởng trung bình), mà còn xem xét tiềm năng phát triển trong tương lai của địa điểm đó. Hoặc nếu chi phí lao động trong tương lai của thị trường tiếp nhận vốn ngày càng tăng, thì thị trường đó càng mất dần lợi thế chi phí, sẽ ảnh hưởng đến quyết định tái đầu tư của các công ty. Hoặc tiền lương trung bình của lao động quốc gia tiếp nhận vốn ngày càng tăng nhưng năng suất không tăng sẽ là bất lợi đối với các nhà đầu tư trong tương lai, mặc dù thời điểm hiện tại họ có thể chấp nhận được.
Thực tiễn đang không như nhiều người suy nghĩ. Đó là FDI vào Ấn Độ liên tục tăng từ cuối năm 2019 đến nay, kể cả đang trong giai đoạn đối phó với Covid-19, thì Ấn Độ vẫn thu hút FDI kỷ lục với 49,97 tỷ USD năm 2019, tăng 13% so với năm 2018 (Cục Xúc tiến thương mại và công nghiệp Ấn Độ - DPIIT, 2020). Số liệu thống kê của DPIIT cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm 2020, Ấn Độ thu hút được 13,2 tỷ USD, tăng 21,76% so với cùng kỳ năm 2019 (10,87 tỷ USD).
Đối với Việt Nam, năm 2019, chúng ta thu hút lượng vốn FDI kỷ lục, song năm 2020, khi đối mặt với Covid-19, lượng vốn FDI vào Việt Nam đang giảm dần. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả so sánh theo tháng cũng tương tự, nếu tháng 1/2020, Việt Nam thu hút được 5,3 tỷ USD, thì sang tháng 2, chỉ thu hút được 1,14 tỷ USD, tháng 3 là 2,08 tỷ USD, tháng 4 là 3,78 tỷ USD và tháng 5 là 1,56 tỷ USD.
Vậy, chiến lược quốc gia nào cho Việt Nam để thu hút FDI dịch chuyển từ Trung Quốc?
Câu trả lời cho câu hỏi Việt Nam cần chiến lược gì để thu hút FDI, đó là chiến lược cạnh tranh động hay Việt Nam cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh động của mình, chứ không chỉ dựa vào lợi thế tĩnh (như tài nguyên thiên nhiên, nhân công dồi dào với giá rẻ, chất lượng trung bình, vị trí địa lý…).
Điều Việt Nam cần làm là phát huy, hay dịch chuyển các lợi thế tĩnh thành lợi thế động, như liên tục đào tạo, cải thiện chất lượng lao động, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng xã hội và hạ tầng logistics gắn với phát huy vị trí địa lý cửa ngõ của 3 nước Đông Dương, điểm trung chuyển hàng hải quốc tế. Muốn làm được như vậy, ắt hẳn cần có chính sách động hay linh hoạt từ các nhà hoạch định chính sách.
Để quyết định lựa chọn đầu tư ở bất kỳ quốc gia nào, các nhà đầu tư luôn phải thực hiện khảo sát và đánh giá thị trường một cách tổng quan nhất. Nhưng đánh giá này không chỉ thực hiện ở những gì hiện ra ngay trước mắt mà còn được thực hiện trên cơ sở tiềm năng phát triển trong tương lai. Một quốc gia có các chỉ số phát triển tích cực sẽ là lựa chọn ưu tiên trong chuyến đầu tư, để đảm bảo đáp ứng được các chiến lược dài hạn của nhà đầu tư trong tương lai. Tin rằng, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng với các nhà đầu tư nếu làm được như vậy.