THU HÚT VỐN FDI TỪ BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP: CƠ HỘI TRONG TẦM TAY!

Thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội không hề viển vông để đón đầu sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc sang các nước khác. Chính phủ thậm chí đã tính đến phương án thành lập một tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng FDI mới. Vậy Việt Nam liệu có thực sự có cơ hội ấy không?

CƠ HỘI ĐI KÈM VỚI THÁCH THỨC

Khách quan nhìn nhận chúng ta dễ dàng nhận thấy, cơ hội này không phải chỉ Việt Nam muốn, mà rất nhiều nước muốn, đặc biệt là hai “đối thủ nặng ký” đang muốn cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam là Ấn Độ và Indonesia.

Ấn Độ tuyên bố sẽ tiếp nhận 1.000 nhà máy lớn, đã sẵn sàng đất đai và chuẩn bị mọi thứ cho điều này. Ấn Độ cũng hơn chúng ta nhiều thứ. Chẳng hạn, trình độ công nghệ thông tin của họ cao hơn của ta nhiều, cạnh tranh được với cả Mỹ, Trung Quốc. Số lượng kỹ sư, người lao động được đào tạo hàng năm thuộc diện cao nhất thế giới. Ấn Độ làm outsourcing (gia công) cho Mỹ rất nhiều. Không chỉ có nguồn nhân lực dồi dào, mà hiện chi phí cho nhân công ở Ấn Độ cũng rẻ hơn ở Việt Nam.

Còn Indonesia, là quốc gia mạnh nhất trong ASEAN, có dân số gần 300 triệu người, gấp 3 lần Việt Nam. Tổng thống Indonesia rất quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài, thậm chí trực tiếp phê duyệt các dự án chỉ 70-80 triệu USD, có 300 công nhân. Indonesia cũng tuyên bố sẵn sàng một khu công nghệ 4.000 ha để đón nhận các dự án công nghệ cao dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Chưa nói đến các nước khác, chỉ nói đến hai “ông lớn” này, đã thấy chúng ta phải cạnh tranh rất cao, buộc phải cải cách. Nếu cứ nghĩ rằng, yên tâm, họ sẽ dịch chuyển vào Việt Nam thì không phải như vậy. Indonesia thu hút đầu tư từ Mỹ lớn hơn Việt Nam rất nhiều, từ trước đại dịch Covid-19 đã như vậy. Do vậy, phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan lợi thế của chúng ta là gì và có hành động thích hợp.

LỢI THẾ CỦA VIỆT NAM LÀ GÌ?

Chúng ta có lợi thế cũ và cả lợi thế mới. Lợi thế cũ thì chẳng ai bàn cãi nữa, không ai bằng Việt Nam, đó là an ninh chính trị, an ninh kinh tế… ổn định, kinh tế vĩ mô cũng vậy, lạm phát thấp, tăng trưởng cao, tiền tệ ổn định, nhân lực dồi dào… Còn lợi thế mới, sau Covid-19, Việt Nam đang nổi lên là một nước thành công trong ngăn chặn, dập dịch. Điều đó chứng tỏ, chúng ta có năng lực chủ động, sáng tạo trong phòng chống thảm họa toàn cầu.

Lợi thế mới thứ hai, đó là sau đại dịch, mới thấy sức chống chịu của doanh nghiệp là rất lớn. Chúng ta cũng có hàng triệu người lao động mất việc làm, hàng vạn doanh nghiệp phá sản và tạm ngừng hoạt động, nhưng vẫn có tăng trưởng. Quý I/2020, kinh tế tăng trưởng 3,82% và cả năm, thấp nhất như dự báo của IMF thì cũng là 2,7%, còn theo phấn đấu của Chính phủ là từ 4,5-5%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam có sự linh hoạt, có sức chống chịu tốt và như thế, sẽ giúp nền kinh tế hồi phục nhanh sau đại dịch.

Như vậy, so với Ấn Độ, Indonesia, chúng ta có những bất lợi, nhưng cũng có những lợi thế. Vì vậy, có thể nói đây là một cơ hội thật sự, một cơ hội lớn để đón dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia. Nếu chúng ta không thấy được cả cạnh tranh bên ngoài, phát huy lợi thế có trước và sau dịch, thì sẽ bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội, không nên bỏ lỡ nữa. Cơ hội lớn lần này không phải là cái gì đó viển vông, mà thực tế. Đã có Apple, đã có Panasonic, đã có Microsoft, Sharp Eyes… dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam.

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ ĐỂ NẮM BẮT CƠ HỘI CÓ MỘT KHÔNG HAI NÀY?

Theo giáo sư Nguyễn Mại (chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) Việt Nam cần lưu ý 6 điều sau đây:

Thứ nhất, nhà đầu tư bao giờ cũng cần đất sạch. Phải tuyên bố với họ là, chúng ta có hơn 300 khu công nghiệp, khu kinh tế có đầy đủ cơ sở hạ tầng, đủ điện, nước, giao thông, có đất sạch, giá đất ổn định, chỉ bằng 40% ở Thượng Hải, Bắc Kinh và sẽ không tăng giá đất. Giáo sư cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nên “lệnh” không được ai tăng giá đất trong thời điểm này. Đất sạch mà giá thuê chỉ bằng 40% nước khác, thì nhà đầu tư sẵn sàng vào.

Thứ hai là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều các nhà đầu tư băn khoăn nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, mình là nhân công giá rẻ. Nhưng giáo sư Nguyễn Mại đã phản bác ý kiến này. 

Samsung đã nói rất công khai rằng, lao động của họ ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, sau 1-2 năm, năng suất lao động xấp xỉ ở Hàn Quốc, nhưng tiền lương thấp hơn nhiều. Ở trung tâm R&D của họ, hơn 1.600 người, kỹ sư phần mềm người Việt giờ đủ năng lực nghiên cứu, sáng tạo từ đầu tới cuối cho một dòng sản phẩm. Như vậy, cả R&D, cả lao động có tay nghề, chúng ta đều có.

Hay Intel, đích thân Tổng giám đốc đã ca ngợi 3.000 công nhân và kỹ sư Việt Nam. Đã có những bằng chứng như vậy. Các địa phương phải để ý đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hơn nữa, giáo sư cho rằng, 3-4 năm nay, đào tạo nghề đã khác hẳn. Các trường nghề được trang bị hiện đại, gắn kết với doanh nghiệp. Vì thế, sau khi ra trường, nguồn nhân lực này có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đã có rất nhiều thay đổi, không còn như hàng chục năm trước nữa.

Thứ ba, nhà đầu tư rất lo lắng về cơ sở hạ tầng. Tất nhiên, chúng ta không có được hạ tầng cơ sở chung như ở Trung Quốc, nhưng tại các khu công nghiệp đã và đang xây dựng, hạ tầng cơ sở rất tốt, đáp ứng đủ các nhu cầu về điện, nước, xử lý nước thải, Internet… Chúng ta phải công khai các thông tin này cho nhà đầu tư.

Việt Nam cần có những cải cách hiệu quả hơn về môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ; xây dựng năng lực thích ứng tốt về kiến thức và kỹ năng cho lực lượng lao động; có các tiêu chuẩn cụ thể và chế tài nghiêm khắc hơn với các hoạt động tham nhũng; làm tốt công tác dự báo, đặc biệt là những quỹ đạo chiến lược trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của Covid-19 đến môi trường đầu tư, các nền kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ tư, rất quan trọng, các nhà đầu tư đang sản xuất tại Trung Quốc hay tại một nước khác, như Thái Lan, khi dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam, mà mình lại coi họ dùng máy móc, thiết bị cũ, bắt họ phải thực hiện theo đúng Thông tư 23 2015/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của Bộ Khoa học - Công nghệ, phải kiểm định máy móc, thiết bị là rất khó. Dịch chuyển sản xuất đã mất 3-4 tháng rồi, nếu không tạo điều kiện để ngay lập tức, họ có thể bắt tay sản xuất, thực hiện hợp đồng đã ký, thì họ sẽ không vào.

Chúng ta không coi đó là thiết bị cũ, không bắt kiểm định, nhưng vì lợi ích quốc gia, phải đưa ra các định mức kinh tế kỹ thuật về môi trường, khí thải, tiếng ồn, cháy nổ, an toàn lao động… để buộc họ tuân thủ. Nếu phát hiện vấn đề, chúng ta kiểm tra và yêu cầu họ nâng cấp.

Thứ năm, câu chuyện đang được nói nhiều là thủ tục hành chính rườm rà, còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, chuyện lót tay, chi phí không chính thức… Đây là câu chuyện đại sự. Bây giờ đơn giản hơn, bởi nhà đầu tư có vào, hầu hết họ chọn các khu công nghiệp, nơi có các ban quản lý và cái này liên quan đến vấn đề thứ sáu, đó là các loại thủ tục hành chính khác.

Phải làm sao ủy quyền để các ban quản lý thực hiện cơ chế một cửa, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng chống cháy nổ, thuế, hải quan… Và tất nhiên, phải mạnh tay, có cơ chế thật nghiêm để không còn chuyện “lót tay”, chi phí không chính thức…

Ngoài các điểm này, theo giáo sư, còn phải khắc phục cả những bất cập liên quan đến doanh nghiệp chế xuất. Bởi tới đây, sẽ có những doanh nghiệp đầu tư 100% vốn vào Việt Nam và họ cũng sẽ xuất khẩu hầu hết sản phẩm của mình. Tạo thuận lợi cho họ, thì họ sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.

Nếu chúng ta làm được những điều trên, chắc chắn Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để đón làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón dòng vốn này.

Chat qua zalo