NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI HOANG MANG TRONG BỂ ƯU ĐÃI KHI RÓT VỐN VÀO BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Những tưởng danh sách dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi quyết định rót vốn vào ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam, nhưng ngược lại, các đối tác là doanh nghiệp có vốn FDI của IIP VIETNAM đều phản hồi rằng họ cảm thấy hoang mang trước bể ưu đãi mà Chính phủ, Bộ, Ban ngành Việt Nam đưa ra.

NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI HOANG MANG TRONG BỂ ƯU ĐÃI KHI RÓT VỐN VÀO BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI DÀN TRẢI KHIẾN DOANH NGHIỆP CHƠI VƠI

Việt Nam đã định hình chính sách công nghiệp từ năm 1991, đến nay đã nhiều lần thay đổi, nhưng mục tiêu được định hướng vẫn là xuất khẩu mạnh mẽ, có điều chỉnh theo các cam kết quốc tế gắn với chính sách tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu ngành công nghiệp nói riêng, nhằm phát triển bền vững.

Các phân ngành ưu tiên giai đoạn 2011 - 2020 được xác định là cơ khí (máy móc và thiết bị), luyện kim (thép chế tạo); hóa chất (hóa dầu và hóa dược); chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may, da giày (chủ động phát triển nguyên, phụ liệu) và điện tử, viễn thông.

Trong định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 23/3/2018), các ngành ưu tiên đến năm 2030 là công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp điện tử; lĩnh vực cơ khí… Trong giai đoạn 2030 - 2045, chính sách ưu tiên nhắm vào các ngành thế hệ mới của công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; kỹ thuật số, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Mục tiêu khá rõ, nhưng các công cụ chính sách trên đã không tạo ra những thay đổi trong thực tế như kỳ vọng về sự phát triển của các ngành công nghiệp ưu tiên. Đặc biệt, không nhiều doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho đầu tư công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); được hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm; đào tạo; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, tiếp thị, tham gia chuỗi giá trị…

Hiệu quả của chính sách công nghiệp chưa cao là do công cụ chính sách dàn trải, thiếu phối hợp, thiếu trọng tâm hỗ trợ và liều lượng chưa đủ. Ngoài ra thực tế còn cho thấy, đang có sự tách bạch nhau theo kiểu chia sân trong các chính sách này, khiến các chính sách ưu đãi dàn trải ở quá nhiều Nghị định, thông tư, rất khó cho Doanh nghiệp đọc và hiểu hết các tài liệu này.

Hiện tại, các công cụ được áp dụng chủ yếu là các chính sách ưu đãi thuế và tín dụng; ưu đãi và hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất; hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; ưu đãi và hỗ trợ đổi mới công nghệ và hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp; ưu đãi và hỗ trợ đào tạo lao động… Đi cùng với đó là nhiều chương trình hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình. 

Vấn đề đặt ra là, ngành nào làm việc ngành đó, thiếu phối hợp, khiến nguồn lực hỗ trợ vốn có hạn, lại bị phân tách, nên hiệu quả thấp, không tập trung. Rất ít chương trình có sẵn nguồn tiền và các cam kết cơ chế thực thi rõ ràng, nên mới xảy ra tình trạng hỗ trợ chảy chỗ trũng. 

ĐỀ XUẤT CỦA IIP VIETNAM

Để giải quyết tình trạng này, IIP VIETNAM với những nghiên cứu nhiều năm trong ngành bất động sản công nghiệp, đã và đang làm việc với rất nhiều đối tác là Nhà đầu tư nước ngoài, đề xuất Chính phủ cần ban hành Nghị định hoặc Quyết định tổng hợp các lĩnh vực ưu đãi để Doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể nhất. Để làm được điều đó chúng ta cần:

1. Rà soát toàn bộ các Nghị định thông tư về chính sách Ưu đãi cho các Doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp ưu tiên, tổng hợp lại toàn bộ Ưu đãi đó vào một Nghị định chung, bao gồm các bảng tra cứu chi tiết phân chia theo từng lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn để các Nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt.

2. Xác định mục tiêu ưu tiên rõ ràng cho nguồn lực. Ví dụ, đất để làm trung tâm dệt may, cơ chế tín dụng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chính sách thuế cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu… phải được rõ ngay từ đầu để các địa phương, các bộ, ngành dồn lực, bao gồm cả phần ngân sách, để thực hiện, mà không lấn cấn việc của tôi hay việc của anh…

3. Cùng với đó, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong xác định rõ cơ hội nào cho doanh nghiệp, ví dụ cơ hội từ gia công giá rẻ hay cơ hội nâng chuỗi giá trị.

Hay nói cách khác chúng ta cần minh bạch hoá thông tin, chính sách ưu đãi, gom nhiều nguồn tin về một đầu mối, gộp các hướng dẫn về một hướng dẫn chung. Nếu làm được việc này thì chắc chắn sẽ có rất nhiều Nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào ngành Bất động sản công nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu người, tạo đà phát triển kinh tế đất nước cũng như an sinh xã hội.

Chat qua zalo