Nhiều tập đoàn công nghệ lớn lên kế hoạch sản xuất tại Việt Nam
Ngày:19/07/2022 09:59:54 SA
"Vị trí chiến lược của Việt Nam, từ các tỉnh, thành của Việt Nam ví dụ như Hải Phòng, có thể dễ dàng di chuyển đến các nước khác trong Đông Nam Á cũng như xuất khẩu hàng hóa đến các nước trên thế giới. Đó là một lợi thế của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi về tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài", bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, nhận xét.
"Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về phát triển phần mềm, chỉ sau Ấn Độ. Chúng tôi tin tưởng rằng với chính sách minh bạch và nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước thành công trong việc phát triển nền kinh tế số. Nó sẽ thúc đẩy việc giảm chi phí cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam", ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đánh giá.
Chính vì vậy, nhiều tập đoàn công nghệ lớn lên kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam hoặc mở rộng hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Tập đoàn Compal (Đài Loan, Trung Quốc) đã có nhà máy tại tỉnh Vĩnh Phúc đang đi khảo sát một số khu công nghiệp và có kế hoạch mở thêm nhà máy sản xuất mới tại Việt Nam nhằm đáp ứng lượng đơn hàng ngày càng tăng của khách hàng quốc tế.
Google được cho là đang cân nhắc khả năng chuyển sản xuất dòng điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam sau năm 2023.
Gần đây nhất là Xiaomi chính thức thông báo bắt đầu bán sản phẩm made in Vietnam ra thị trường. Từ khóa "Xiaomi làm điện thoại tại Việt Nam" trở thành từ khóa được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn công nghệ Trung Quốc và thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế.
Xuất hiện dày đặc trên trang báo quốc tế các nước: Anh, Nga, Pháp, và Trung Quốc là thông tin về gã khổng lồ Trung Quốc Xiaomi cho ra mắt những thiết bị đầu tiên sản xuất tại Việt Nam.
Những sản phẩm "Made in Việt Nam" đang ngày càng có uy tín trên thị trường toàn cầu. Xiaomi cũng như nhiều nhà sản xuất từ khắp nơi trên thế giới coi Việt Nam như một phần trong chiến lược tái định cư của họ nhằm đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng một cách hiệu quả.
Trước đó, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) thương hiệu trang sức lớn trên thế giới, chuyên thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm trang sức thủ công đã ký hợp tác đầu tư xây dựng dự án cơ sở chế tác trang sức tại Khu công nghiệp VSIP III tỉnh Bình Dương với số vốn lên tới 100 triệu USD. Dự kiến, dự án sẽ tạo ra khoảng 6.000 việc làm cho người lao động. Tập đoàn Lego đã ký biên bản ghi nhớxây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm.