PHÚ YÊN LÀM GÌ ĐỂ ĐÓN ''ĐẠI BÀNG'' VÀO ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP?
Ngày:20/07/2020 09:23:29 SA
Từ một tỉnh thuần nông, những năm qua, Phú Yên đã có những chủ trương, chính sách và cách làm mới để thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ngành bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các địa phương trong cả nước nói chung, trên địa bàn khu vực miền Trung nói riêng về thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Phú Yên vẫn chưa có được nhiều dự án có tác động tích cực, lan tỏa tốt đến việc thu hút các nguồn vốn từ các khu vực trong nước để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Trước tình thế đó, câu hỏi được đặt ra cho Lãnh đạo tỉnh Phú Yên là: "Cần làm gì để đón "đại bàng" vào đầu tư bất động sản công nghiệp?"
NHỮNG LỢI THẾ CHƯA ĐƯỢC PHÁT HUY
Phú Yên nằm ở vị trí chiến lược của khu kinh tế trọng điểm miền Trung, với nhiều lợi thế như có tuyến đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1 đi qua địa phận tỉnh, quốc lộ 25, 29 nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên, cảng nước sâu Vũng Rô, sân bay Tuy Hòa… nhưng tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Thời gian qua, các biện pháp thu hút vốn FDI bộc lộ nhiều hạn chế như lượng vốn thu hút chưa xứng với tiềm năng Phú Yên, cơ cấu ngành chưa hợp lý…
Cụ thể giai đoạn 2001-2005, tỉnh cấp mới 26 dự án có vốn FDI nhưng đến nay chỉ có 8/26 dự án còn hoạt động; năm 2006-2010, có 18 dự án mới và hiện có 12 dự án đang hoạt động; giai đoạn 2011-2015 Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án; giai đoạn 2016-2017 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 35 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đầu tư trên 4,7 tỉ USD. Trong đó chỉ có 25 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; 10 dự án đang thực hiện đầu tư. Phần lớn các dự án này đều có quy mô nhỏ, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, gia công chế tạo, khai thác, chế biến khoáng sản; nhiều trường hợp các nhà đầu tư nhập máy móc thiết bị lạc hậu gây ảnh hưởng tiêu cực cho địa phương.
NHỮNG HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC CỦA LÃNH ĐẠO TỈNH PHÚ YÊN
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, trước đây, kinh tế - xã hội Phú Yên gặp nhiều khó khăn, một phần do vướng hai đèo, đèo Cả và đèo Cù Mông. Nhưng từ khi hai hầm đường bộ Đèo Cả và Đèo Cù Mông xây dựng xong, giao thương thuận lợi hơn, kinh tế - xã hội đã có sự phát triển bứt phá, thu ngân sách năm 2019 đã tăng mạnh lên 7.000 tỷ đồng.
“Giao thông thuận lợi như vậy là cơ hội rất lớn. Chúng tôi quyết tâm tận dụng cơ hội này để bứt phá”, ông Phạm Đại Dương nói và cũng nhấn mạnh, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sắp tới, Phú Yên đang chuẩn bị xây dựng quy hoạch phát triển, làm sao có được bản quy hoạch tốt nhất, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài…
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, sẽ hết sức hỗ trợ để Phú Yên có thể thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để đón “đại bàng” đến làm tổ, nếu có dự án lớn nào phù hợp, Bộ sẽ hỗ trợ kết nối với nhà đầu tư. Ngược lại, nếu địa phương thấy có dự án nào phù hợp với tỉnh, có thể chủ động đề xuất để Bộ sẵn sàng hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Cục Đầu tư nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ địa phương trong xúc tiến đầu tư các dự án quy mô nhỏ hơn. “Hiện do đại dịch Covid, việc đi lại khó khăn hơn, chúng tôi chuyển hướng sang làm việc online. Nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Phú Yên, trước đó, chiều 7/7, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đi thị sát, kiểm tra các dự án như hạ tầng xung quanh đầm Cù Mông, tuyến ĐT 644, tuyến Phú Yên - Gia Lai, bờ kè Xóm Rớ… và thăm mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Đắc Lộc…
ĐỀ XUẤT CỦA IIP VIETNAM
Theo ý kiến của IIP VIETNAM, trong việc thu hút vốn FDI, ngoài các nhân tố vĩ mô như yếu tố chính trị (sự ổn định về chính trị), chính sách pháp luật của nước nhận đầu tư, các yếu tố kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư, các yếu tố tạo thuận lợi trong kinh doanh thì các nhân tố nội tại của địa phương tiếp nhận vốn FDI cũng rất quan trọng. Trong các nhân tố nội tại này, phải kể đến sự phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương; lợi thế so sánh của địa phương; thủ tục hành chính, các dịch vụ hỗ trợ và chính sách điều hành của địa phương.
Cụ thể, cơ sở hạ tầng (bao gồm mạng lưới giao thông, mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp năng lượng, cấp thoát nước, các công trình công cộng phục vụ sản xuất kinh doanh như cảng biển, sân bay…) là một trong những yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư nước ngoài giảm chi phí gián tiếp trong sản xuất kinh doanh và có thể triển khai các hoạt động đầu tư. Các yếu tố khác như chất lượng nguồn nhân lực cao, giá cả sức lao động rẻ; thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ cũng tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài các yếu tố nội tại trên thì tư tưởng nhận thức, thái độ của lãnh đạo các địa phương cũng là yếu tố tác động mạnh đến thu hút vốn FDI vào địa phương đó. Nếu lãnh đạo địa phương thấy được vai trò của vốn FDI thì sẽ có những ưu tiên, tạo môi trường thuận lợi, chủ động trong việc tìm đối tác đầu tư nước ngoài phù hợp để thu hút được các nguồn vốn FDI về với địa phương của mình.
Qua điều tra, nghiên cứu, IIP VIETNAM đã xây dựng bức tranh toàn cảnh hiện trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh và xác định các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI xếp theo mức độ ảnh hưởng từ mạnh đến yếu là: nhân tố chính sách hỗ trợ đầu tư, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực địa phương.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng thu hút vốn FDI, IIP VIETNAM đề xuất 8 giải pháp cơ bản thực hiện các mục tiêu và định hướng thu hút vốn FDI vào tỉnh Phú Yên như sau:
1. Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp - lọc hóa dầu, công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ sinh học, năng lượng sạch từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản;
2. Tiếp tục thu hút FDI vào những địa bàn có nhiều lợi thế vùng phía đông ven biển, khuyến khích, ưu đãi cho FDI đầu tư vào các vùng khó khăn và vẫn tập trung thu hút FDI vào các khu công nghiệp;
3. Đa dạng hóa các đối tác đầu tư vào Phú Yên, nhất là các đối tác có tiềm năng về vốn, mạnh về công nghệ.
4. Đơn giản hoá các thủ tục hành chính cấp phép ban đầu cho các Nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi thu hút được vốn FDI thì sẽ có giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động FDI. Cụ thể là nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định hồ sơ xin cấp phép đầu tư; tăng cường công tác quản lý dự án FDI sau cấp phép đầu tư; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp FDI.
5. Phát triển hạ tầng giao thông, mở lối giao thương cho các Nhà đầu tư nước ngoài.
6. Chú trọng xây dựng các khu nhà ở cho công nhân có đầy đủ các hạ tầng xã hội như trường học, phòng khám, siêu thị, nhà hàng tiệc cưới, khu ăn uống vui chơi giải trí, ngân hàng, bưu điện…để góp phần hiện thực hóa ước mơ về một tổ ấm, nơi an cư lạc nghiệp cho bộ phận Công nhân lao động.
7. Làm rõ các ưu đãi trong cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mà doanh nghiệp được hưởng, bao gồm cả thủ tục hồ sơ liên quan đến miễn tiền sử dụng đất. Ngoài ra cần đề xuất cho doanh nghiệp sản xuất trong các KCN có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua nhà ở xã hội để cho công nhân ở.
8. Sửa đổi quy định tại Nghị định 123/2017/NĐ-CP là trong vòng 20 ngày kể từ ngày được giao đất, doanh nghiệp phải có danh sách người lao động mua nhà mới được hưởng các ưu đãi đất đai.
Theo đánh giá của IIP VIETNAM, nếu thực hiện tốt những cải cách này trong khoảng 3-5 năm tới, Phú Yên khả năng cao sẽ trở thành điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và vươn lên thành tỉnh công nghiệp trọng điểm của miền Trung.
Mọi thông tin liên hệ hợp tác xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp tại tỉnh Phú Yên, vui lòng gọi tới Hotline: 1900888858 hoặc Email: info@iipvietnam.com.
Website: http://iipvietnam.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/iipvietnam