Thái Nguyên chuẩn bị 6.000 ha đất để phát triển khu, cụm công nghiệp

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023. Như vậy, Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh, sau Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. 

Mục tiêu của quy hoạch tỉnh Thái Nguyên là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030 thì đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Để phục vụ phát triển công nghiệp trong hiện tại và tương lai, trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Thái Nguyên bố trí trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp gồm 4.245 ha đất phát triển khu công nghiệp và 2.057 ha đất phát triển cụm công nghiệp. Trong đó mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển 41 cụm công nghiệp.

Ngoài ra Quy hoạch tỉnh đã quy hoạch các khu chức năng tổng hợp và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có 13 sân golf. Quy hoạch các tuyến giao thông trọng điểm như: Đoạn tuyến vành đai V; tuyến liên kết các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; đường kết nối tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang; đường Hồ Núi Cốc; cải tạo, nâng cấp, xây dựng 15 tuyến đường huyện lên đường tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các khu đô thị, khu chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh).

Đây là tiềm năng, lợi thế để Thái Nguyên thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử và công nghiệp thân thiện môi trường. Hiện nay, các nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã, đang được đầu tư hạ tầng đồng bộ sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Được biết, ngày 07/3/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức buổi làm việc và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Sunny, theo đó Tập đoàn Sunny sẽ đầu tư Trung tâm công nghiệp Sunny Group với diện tích từ 26ha đến 40ha tại Khu công nghiệp Yên Bình, thành phố Phổ Yên, với tổng mức đầu tư từ 2 đến 2,5 tỷ USD. Mục tiêu đầu tư là sản xuất ống kính camera, thiết bị quang học dùng cho ô tô và các sản phẩm quang học khác, dự kiến hoàn thành đầu tư trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư.

Dự án Trung tâm công nghiệp Sunny Group là dự án có quy mô lớn trong lĩnh vực quang học dùng trong công nghiệp điện - điện tử, phục vụ công nghiệp ô tô, phù hợp với chủ trương thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao của Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên. Qua đó góp phần xây dựng hệ sinh thái sản xuất điện - điện tử, công nghệ cao cho vùng kinh tế trung du và miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Chat qua zalo