Vĩnh Phúc: Kiểm soát xả chất thải ra môi trường tại các khu, cụm công nghiệp

Để tránh việc chất thải vượt quá tiêu chuẩn quy định gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng xung quanh khu ông nghiệp Vĩnh Phúc đang triển khai những biện pháp xử lý cứng rắn, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng để ngăn tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Phúc kiểm soát xả chất thải ra môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

 Vĩnh Phúc: Kiểm soát xả chất thải ra môi trường tại các khu, cụm công nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp (KCN), 11 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với hơn 500 cơ sở sản xuất; 200 cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài KCN và 27 làng nghề được công nhận.

Theo đánh giá từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước thải tại các KCN hiện khoảng 11.550m3/ngày đêm; tại các cơ sở sản xuất ngoài KCN là 2.000m3/ngày đêm và tại các làng nghề khoảng 9.300m3/ngày.

Do đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nên nguồn nước thải ra từ các KCN hầu hết đều đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường nhưng tại các cơ sở ngoài KCN và tại các làng nghề thì việc xử lý nước thải vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm, do các doanh nghiệp nằm rải rác bên ngoài KCN; các làng nghề chủ yếu là hộ sản xuất nhỏ lẻ, quy mô công suất thấp, diện tích nhỏ hẹp, công nghệ chắp vá, lạc hậu.

Khu công nghiệp Bình Xuyên Vĩnh Phúc

Khu công nghiệp Bình Xuyên - Vĩnh Phúc

Nếu không được quản lý chặt chẽ để xảy ra tình trạng xả thải chưa qua xử lý sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đặc biệt đối với những hộ dân sống gần khu vực đó vì nguồn nước ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa.

Trong trường hợp chất thải bị xả thải ra ruộng đồng, phần lớn diện tích cây trồng, hoa màu sẽ cho năng suất kém, thậm chí bị chết, không thể thu hoạch được, gây thiệt hại kinh tế cho nông dân.

Theo Thượng tá Lê Bá Cường, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh, mặc dù nhận thức rõ được những hậu quả do hành vi xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ra, song một số doanh nghiệp, cơ sở vẫn cố tình vi phạm.

Nguyên nhân chính do những khó khăn về tài chính trong việc đầu tư hệ thống máy móc; chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà lợi dụng những ngày trời mưa, đêm tối cố tình vi phạm.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc công an tỉnh, CBCS Phòng Cảnh sát môi trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, theo dõi địa bàn; cử cán bộ, tổ công tác thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc Nguyễn Anh Đệ cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đồng thời, thường xuyên được các CBCS Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh tuyên truyền, nhắc nhở, BGĐ công ty đã phổ biến, quán triệt đến toàn thể CB, CNV phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải với những máy móc, công nghệ đạt chuẩn, nhập khẩu từ nước ngoài. Tại Nhà máy xử lý nước thải đã có trạm quan trắc online, tự động gửi tín hiệu truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường nếu nước thải không đảm bảo theo quy định.

Hiện nay, tỉnh cũng đang tiếp tục triển khai các dự án khắc phục, xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường như đầu tư, mở rộng, nâng công suất nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt phía Nam thành phố Vĩnh Yên; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt phía Tây thành phố Vĩnh Yên...

Ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh...

Chat qua zalo