Vượt các nước Đông Nam Á, Việt Nam lọt Top quốc gia hấp dẫn nhất thế giới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ngày:15/07/2020 09:06:32 SA
Theo bộ tiêu chí EPIC xếp hạng các nước sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới được Công ty Markit (Anh) và ĐH Tennessee (Mỹ) công bố đã xếp Việt Nam đứng thứ 25 trên 60 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Một làn sóng FDI mới đang tràn đến Việt Nam
Theo bộ tiêu chí EPIC xếp hạng các nước sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới được Công ty Markit (Anh) và ĐH Tennessee (Mỹ) công bố đã xếp Việt Nam đứng thứ 25 trên 60 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI);
Với thứ hạng 25, Việt Nam đã vượt trên các nước trong khu vực Đông Nam Á rất mạnh về thu hút FDI gồm Indonesia, Philippines và Thái Lan. Việt Nam vượt qua các nước này còn nhờ vào cách tiếp cận giảm tổng chi phí cho các FDI, đồng thời sở hữu quy mô thị trường nội địa lớn và có sức chi tiêu tốt đầy hấp dẫn.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, cho biết một làn sóng FDI mới đang tràn đến Việt Nam. Điều này được thúc đẩy bởi các sự kiện lớn trên toàn cầu, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dịch COVID-19 cùng với nhiều nhân tố khác. Tuy nhiên, lần này Việt Nam sẽ thu hút nhiều FDI có chất lượng vì hiện rất ít nước có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của các tập đoàn đa quốc gia.
Về cơ hội thu hút dòng vốn ngoại sau đại dịch, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định, trong cuộc đua thu hút FDI, Việt Nam không phải “một mình một chợ”. Thay vào đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia là khốc liệt. Muốn cạnh tranh với các đối thủ có tiềm lực đó, yếu tố quan trọng nhất của Việt Nam là phải tiếp tục cải cách hành chính, môi trường đầu tư để trở nên hấp dẫn hơn.
Phát biểu tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra cuối tuần qua, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống và kinh tế - xã hội tuy nhiên, điều này lại đem đến những cơ hội chưa từng có. Ông cho rằng, để thu hút vốn FDI, Việt Nam cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Vốn FDI tháng 6 dần khởi sắc
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần;của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, có 1.418 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tổng vốn đăng ký đạt 8,44 tỷ USD. Vốn đầu tư tăng là do trong 6 tháng năm 2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới). Dự án lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên gần 6 triệu USD trong năm 2020.
Ngoài LNG Bạc Liêu, các dự án lớn nổi bật trong 6 tháng đầu năm 20 là: Nhà máy dệt kim tại Khu công nghiệp Texhong Hải (Hồng Kông), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh.
Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng.
Dự án Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 48,8 triệu USD với mục tiêu sản xuất bộ dây diện dùng cho xe ô tô tại Vĩnh Long.
Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh.
Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh.
Dự án Victory - Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Đồng Văn, tỉnh Hà Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư 273 triệu USD với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các thiết bị máy tính điện tử và ngoại vi máy tính; sản xuất các thiết bị âm thanh và hình ảnh điện tử dân dụng.
Về vốn điều chỉnh, có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh trong 6 tháng năm 2020 tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.125 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 2,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 3,51 tỷ USD, bằng 43,2% so với cùng kỳ. Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 6 tháng năm 2019. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 44% trong 6 tháng năm 2019 xuống 22,4% trong 6 tháng năm 2020.
Trái ngược với xu hướng này, dòng vốn đầu tư từ trong nước ra nước ngoài lại tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 222,67 triệu USD. Trong đó có 70 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt 185,3 triệu USD (tăng 78,4 so với cùng kỳ) và 14 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 37,4 triệu USD (bằng 38,9% so với cùng kỳ năm 2019).
Theo các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến nêu trên phản ánh rất rõ tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, dự báo thời gian tới, tình hình sẽ khả quan hơn với dòng vốn chảy vào. Bằng chứng là riêng trong tháng 6/2020 (tính đến ngày 20/6), cả nước đã thu hút được 1,79 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 14,9% so với tháng 5/2020. Quy mô dự án đầu tư mới cũng tăng lên đáng kể, bình quân trong tháng 6 đạt 4,8 triệu USD/dự án, cao hơn 67,2% so với tháng 5/2020, gấp 2,4 lần so với tháng 3/2020 và gấp 2,2 lần so với tháng 2/2020.