BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP HẢI PHÒNG - MỎ VÀNG CHỜ NGƯỜI KHAI THÁC
Ngày:16/07/2020 05:27:44 CH
Nhắc đến Hải Phòng, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thành phố công nghiệp phát triển, một điểm nóng trong bức tranh bất động sản công nghiệp cả nước bởi lẽ mảnh đất này luôn đứng trong TOP đầu cả nước về đầu tư FDI, nhất là thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp.
BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP HẢI PHỎNG - MỎ VÀNG CHỜ NGƯỜI KHAI THÁC
Hải Phòng hiện nay là một trong những thành phố trực thuộc Trung ương - là đô thị loại 1 cấp quốc gia; lớn thứ hai miền Bắc. Tại đây có mạng lưới hệ thống giao thông đa dạng, là địa phương duy nhất miền Bắc hội tụ đủ 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không, đặc biệt là với cảng biển “Cảng Hải Phòng” đây là cảng biển lớn nhất phía Bắc, là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc và cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Vị trí địa lý
Về ranh giới hành chính:
- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh.
- Phía Tây giáp tỉnh Hải Dương.
- Phía Nam giáp tỉnh Thái Bình.
- Phía Đông giáp biển Đông.
Hải Phòng nằm ở vị trí giao lưu thuận lợi với các tỉnh trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng thúc đẩy sự tăng trưởng của Hải Phòng, với hơn 2 triệu cư dân sinh sống và làm việc, đây là thành phố lớn thứ ba tại Việt Nam sau Tp.HCM và Hà Nội. Nằm trên hành lang kinh tế chính, dọc theo khu vực ven biển phía đông bắc, Hải Phòng được định hướng trở thành cửa ngõ chủ chốt cho hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực phía Bắc, hỗ trợ các doanh nghiệp có được khả năng tiếp cận đường biển dễ dàng nhằm vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu.
Cơ sở hạ tầng phát triển
Cơ sở hạ tầng là một điểm sáng đáng kể của thành phố với ba dự án cốt lõi đã đi vào hoạt động, bao gồm đường cao tốc dài 105.5 km nối Hải Phòng với Hà Nội, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện dài 10,19km và cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải có chiều dài dài nhất ĐNA lên đến 5,44km. Thêm vào đó là tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa tỉnh phía bắc của Lào Cai và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (HIGP) xuống chỉ còn khoảng sáu giờ.
Điểm nóng đầu tư công nghiệp: Với vị trí cách biên giới Trung Quốc khoảng 200 km, Hải Phòng được xem là trung tâm sản xuất tiềm năng của ASEAN trong chiến lược Trung Quốc+1, có khả năng tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại giữa Trung Quốc-ASEAN.
Hải Phòng còn được coi là điểm nóng đầu tư trong thời gian qua khi thu hút lượng lớn vốn FDI đổ về cộng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cùng tiềm năng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến. Vùng kinh tế Hải Phòng mang đến vô số lợi ích cho những công ty đến đây thiết lập trụ sở, góp phần làm thành phố này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Trên thế giới có rất nhiều thành phố cảng tương tự như Hải Phòng như London và Amsterdam. Khi được phát triển thành công, những thành phố này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế và đóng vai trò kết nối quan trọng giữa vận tải đường biển và đường bộ.
Trong đó, Hải Phòng hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để thực sự phát triển thành một thành phố cảng toàn cầu và với việc tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống quản lý giao thông của thành phố, cải thiện đường sắt và đường thủy nội địa, tăng năng suất lao động, cải tiến và quản lý hiệu quả các thủ tục hành chính, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và nắm bắt sự đổi mới và công nghệ.
Sự hỗ trợ từ chính phủ
Chính phủ đã thể hiện cam kết hỗ trợ để thúc đẩy sự tăng trưởng theo cấp số nhân của Hải Phòng, bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi thuế hấp dẫn, mở đường cho thành phố trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng mạnh
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Phòng là minh chứng cho nỗ lực lớn của chính quyền trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần làm gia tăng thêm sức hấp dẫn của Hải Phòng. Kết quả PCI 2019 của thành phố Hải Phòng: thành phố xếp vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố, đạt 68,73 điểm, tăng 4,25 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2018. Đặc biệt, kết quả PCI 2019 cho thấy, Hải Phòng có sự đánh giá cao của các doanh nghiệp về đào tạo lao động khi chỉ số này đứng đầu cả nước với 8,24 điểm, đây cũng là chỉ số thành phần mà các doanh nghiệp Hải Phòng có mức độ hài lòng cao từ năm 2017 trở lại đây. Có thể nói năm qua, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực, có nhiều giải pháp cụ thể, chi tiết, theo sát thực tế thuộc lĩnh vực của từng ngành, từng cấp, khuyến khích các đơn vị đưa ra nhiều giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá, đem lại lợi ích thiết thực, rõ nét cho người dân và doanh nghiệp. UBND thành phố duy trì đối thoại doanh nghiệp định kỳ; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở cấp sở, ban, ngành, quận, huyện để giải quyết triệt để kiến nghị của doanh nghiệp từ cơ sở. Đồng thời, thành phố tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua mạng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, tập trung nguồn lực thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại thành phố.
Tỷ lệ lấp đầy tăng nhanh trong thời gian gần đây
Chỉ tính đến quý III/2020, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại thị trường phía Bắc (được hiểu là gồm các thị trường: Hà Nội (không tính Khu công nghệ cao Hòa Lạc); Hải Phòng; Bắc Ninh; Hưng Yên và Hải Dương) là 9.371 ha. Trong đó, nguồn cung khoảng hơn 1.000 ha tại Hà Nội đã được lấp đầy 100%, Hưng Yên cũng lấp đầy đến 90%.
Như vậy, chỉ còn Bắc Ninh, Hải Phòng vẫn còn đủ đất trống để chào đón các nhà đầu tư. Tuy nhiên thời gian gần đây, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp Hải Phòng đang tăng nhanh do sự chuyển dịch của các nhà máy từ nước ngoài vào Việt Nam, điển hình phải kể đến Hãng điện tử Hàn Quốc LG đã chính thức tuyên bố về việc dừng sản xuất smartphone tại Hàn Quốc và chuyển dây chuyền sản xuất sang nhà máy đặt tại Hải Phòng, Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Hải Phòng đã và đang tiến hành thủ tục thành lập mới một số KCN, với tổng diện tích hơn 5.361 ha.
Theo dự đoán của IIP VIETNAM, nhằm thu hút thêm các Nhà đầu tư nước ngoài, tăng nguồn vốn FDI cho Việt Nam, Hải Phòng trong thời gian tới sẽ tiếp tục phê duyệt quy hoạch sẵn hàng loạt Khu công nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ "Dọn tổ đón đại bàng".
Môi trường đầu tư và nguồn nhân lực tại Hải Phòng
Hải Phòng là thành phố cảng lâu đời, lớn thứ 3 tại Việt Nam. Đây là đầu mối giao thông đường biển quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ra thế giới và đang dần khẳng định là một môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện đầy hấp dẫn đối với các Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Số liệu |
Môi trường đầu tư |
Nguồn nhân lực |
Tổng số dự án FDI (lũy kế đến tháng 2/2019): 720. Tổng vốn FDI (lũy kế đến tháng 2/2019): 17,7 tỷ USD. Quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư: 36. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu: lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo các thiết bị điện tử, cơ khí… |
- Cơ quan thẩm quyền nhiều kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài. - Thành phố Hải Phòng tập trung đầu tư phát triển kết cấu giao thông Vùng: đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Sân bay Quốc tế Cát Bi, Cảng nước sâu Lạch Huyện… - Các Trung tâm xúc đầu tư tại Hải Phòng được thành lập với mục đích Tư vấn cho các Doanh nghiệp về cơ chế, chính sách và Hỗ trợ hoàn thiện các Thủ tục Hành chính cần thiết; tuyển dụng lao động…giúp Nhà đầu tư giảm tối đa thời gian và chi phí đầu tư. |
- Dân số: hơn 2 triệu người - Diện tích: 1561,8 km2 - Nguồn lao động: trên 1,2 triệu lao động, đa số là lao động trẻ và có tay nghề cao. - Mô hình đào tạo: 4 Trường Đại học; 20 Cao đẳng và nhiều trường trung cấp dạy nghề. - Mức lương: Mức lương tối thiểu 4.472.600 đồng/tháng |
Hải Phòng đã đưa ra các giải pháp cụ thể phát triển nhà ở cho công nhân lao động
Trong dự thảo báo cáo tóm tắt của UBND thành phố trình kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa 14, Hải Phòng đã nêu ra các giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, cụ thể như sau:
Đối với các khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành, chủ đầu tư cấp 1 tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu nhà ở công nhân khu công nghiệp. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân được phân bổ vào giá thuê đất tại khu công nghiệp. Chủ đầu tư cấp I thực hiện cam kết xây dựng nhà ở, dịch vụ, công trình văn hóa (theo quy hoạch) cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp trước khi cấp phép đầu tư.
Đối với các khu công nghiệp đã hình thành được bố trí theo nguyên tắc:
Thứ nhất, thành phố rà soát, bổ sung quy hoạch, tổ chức thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất mới để giao cho Ban Quản lý khu Kinh tế Hải Phòng, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương;
Thứ hai, sử dụng quỹ đất 20% dành xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn để giao cho các chủ đầu tư đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê, nếu quỹ đất đó phù hợp với quy hoạch;
Thứ ba, giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tổ chức lập quy hoạch khu nhà ở công nhân và làm chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp. Khi phê duyệt quy hoạch khu nhà ở công nhân, thành phố xem xét, cho phép sử dụng một phần quỹ đất này để xây dựng nhà ở thương mại, tạo nguồn bù đắp chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu nhà ở công nhân.
Thứ tư, các doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở công nhân (không thu tiền thuê hoặc có thu tiền thuê nhưng giá cho thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở xã hội theo quy định của UBND thành phố) và các doanh nghiệp thuê nhà cho công nhân ở thì được tính chi phí nhà ở là chi phí hợp lý (tính vào giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp;
Thứ năm, giá cho thuê nhà ở công nhân khu công nghiệp do UBND thành phố phê duyệt căn cứ đề nghị của chủ đầu tư, theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của Nhà nước vào giá thuê và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa 10%, với thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm. Giá cho thuê nhà ở không tính các khoản chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân khu công nghiệp (đã được phân bổ vào giá thuê đất khu công nghiệp).
Thứ sáu, đề nghị Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế, chính sách cho phép các hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê trên diện tích đất thổ cư theo mẫu thiết kế đã duyệt, có sự hỗ trợ và quản lý của Nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.
Cũng trong dự thảo, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan đánh giá, xác định và dự báo nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố để có cơ sở lập và triển khai các dự án phát triển nhà ở dành cho công nhân thuê, mua.
Việc đưa ra các giải pháp cụ thể phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung thể hiện sự quan tâm sâu sắc của thành phố đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân trên địa bàn thành phố nói chung và công nhân lao động trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế nói riêng, góp phần ổn định nguồn lao động, quá trình sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Theo đánh giá của IIP VIETNAM, với những thế mạnh nội tại cộng hưởng cùng những cải cách quyết liệt về môi trường đầu tư của Lãnh đạo tỉnh Hải Phòng, Hải Phòng chắc chắn sẽ trở thành "mỏ vàng" thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới đây.
Mọi thông tin liên hệ hợp tác xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp tại Hải Phòng, vui lòng gọi tới Hotline: 1900888858 hoặc Email: info@iipvietnam.com.
Website: http://iipvietnam.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/iipvietnam