BÌNH DƯƠNG ĐỘT PHÁ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NHỜ ĐỔI MỚI TƯ DUY: DỊCH CHUYỂN NHÀ XƯỞNG TẬP TRUNG VÀO KHU CÔNG NGHIỆP
Ngày:01/07/2020 11:01:53 SA
Thời gian gần đây, kinh tế Bình Dương được đánh giá phát triển vượt bậc nhờ chính sách sáng suốt của tỉnh trong việc tiên phong di dời nhà xưởng ra khỏi khu dân cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho những mục tiêu có lợi hơn cho nền kinh tế tỉnh cũng như đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân và làm thay đổi diện mạo đô thị xanh – sạch – đẹp.
Nhiều khu dân cư hiện đại mọc lên thay thế nhà máy, xí nghiệp đã được di dời vào các cụm công nghiệp, giúp bộ mặt Thành phố Bình Dương ngày càng thay đổi tích cực.
BÌNH DƯƠNG DỰ KIẾN CHI HƠN 280 TỶ HỖ TRỢ DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG RA KHỎI ĐÔ THỊ
Tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ồn, cháy nổ… của các nhà xưởng, công ty trong khu dân cư ở Bình Dương khiến người dân bất an, liên tục phản ánh đến cơ quan chức năng. Theo đó, vào năm 2010 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư, đô thị trên địa bàn. Sau đó, một loạt các nhà xưởng trong khu dân cư được di dời đến khu, cụm công nghiệp.
Theo đánh giá, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các DN sản xuất vào các khu - cụm công nghiệp quy mô lớn không chỉ tránh gây ô nhiễm, tiếng ồn, cháy nổ trong khu dân cư mà còn góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị tại 5 khu vực phát triển đô thị quan trọng nhất của Bình Dương, gồm: TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An (nay là TP Thuận An), TX.Dĩ An (nay là TP Dĩ An), TX.Tân Uyên và TX Bến Cát theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại.
Mới đây nhất, vào tháng 7/2019 UBND tỉnh Bình Dương trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị với mức chi lên đến gần 300 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ tập trung vào 2 nhóm đối tượng gồm: hỗ trợ một lần đối với nhóm cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề hoạt động tại địa điểm cũ, với mức chi 500.000 đồng/m2 nhà xưởng xây dựng hợp pháp (không quá 1 tỷ đồng cho 1 cơ sở); nhóm thứ hai là hỗ trợ đối với cơ sở di dời vào trong khu, cụm công nghiệp bằng tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới, chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới.
Ở cả 2 nhóm trên, người lao động trong các doanh nghiệp thuộc diện di dời được hỗ trợ bằng 3 tháng tiền lương cơ bản nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên. Bình Dương hiện đang có khoảng 150 cơ sở phải thực hiện di dời vào các khu, cụm công nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung ở TP Thuận An, TP Dĩ An, TX Bến Cát và TX Tân Uyên với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, giấy.
Biến khu đất ô nhiễm thành đô thị sầm uất
Vào thời điểm di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, người dân Bình Dương với những băn khoăn không biết các khu đất trên sẽ được sử dụng để làm gì, có thoát được cảnh môi trường sống bị ô nhiễm hay không? Và rồi, người dân vui mừng khi những khu đất “ám ảnh” một thời đã được Bình Dương kêu gọi đầu tư thành chung cư, nhà phố. Theo đó, giá trị đất tăng, đời sống người dân được nâng lên đáng kể.
Các khu đất trước đây là xí nghiệp cũ, ô nhiễm nay trở thành các khu dân cư sầm uất
Có thể nói, nhờ chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh Bình Dương trong việc di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư và việc doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng khu dân cư đã tạo nên một đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại. Hình ảnh các nhà máy cũ, ống khói xám xịt, đường dân cư bị băm nát bởi xe tải ra vào nhà xưởng… đã không còn, mà thay vào đó là những tòa nhà cao ốc, nhà phố khang trang.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đang rà soát và có kế hoạch di dời các công ty, xí nghiệp nằm trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp. Việc làm này không chỉ tránh được sự nguy hiểm cho người dân trong trường hợp doanh nghiệp xảy ra cháy mà giúp đơn vị quản lý dễ dàng hơn. Hiện, Bình Dương còn khoảng 1.000 DN sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu - cụm công nghiệp, chưa phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp. Bình Dương đang triển khai kế hoạch di dời các DN nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm phục vụ chỉnh trang đô thị, kiểm soát các nguồn phát thải ô nhiễm trên địa bàn.
Theo những cập nhất mới nhất trên trang tin tức của IIP VIETNAM, Hà Nội cũng vừa thực hiện quy hoạch 23 cụm làng nghề để giải quyết vấn nạn tiêu cực như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp tới dân cư sinh sống trong khu vực làng nghề. Điều này cho thấy bước đi của Bình Dương xứng đáng trở thành mô hình kiểu mẫu để các tỉnh phát triển công nghiệp trên cả nước như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên...áp dụng, tạo diện mạo mới cho nền kinh tế nước nhà nói chung và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong tỉnh nói riêng.