Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản đứng thứ hai về vốn FDI tại Việt Nam
Ngày:27/09/2021 10:05:43 SA
Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản, đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỉ USD.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/9/2021 đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỉ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 7,2% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản, đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỉ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỉ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư, tăng 88,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 13,28 tỉ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu được Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đưa ra cho thấy giai đoạn 2000-2020, FDI vào Việt Nam tăng trung bình 13%/năm, cao hơn nhiều mức tăng khu vực. Năm 2020 Việt Nam cũng lần đầu lọt top 20 quốc gia thu hút vốn FDI cao nhất thế giới và nằm trong top 5 các nước thu hút FDI trong khu vực châu Á trong 6 năm từ 2015 đến nay. Tính đến ngày 20/9/2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỉ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Agriseco Research cho biết họ kỳ vọng dòng vốn FDI kỳ vọng tiếp tục mạnh mẽ trong trung và dài hạn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Từ lợi thế của Việt Nam về vị trí, nhân công, giá thuê đất, môi trường và các chính sách, Việt Nam là quốc gia thu hút vốn FDI đứng thứ 5 ở châu Á và lọt top 20 thế giới, đứng đầu về tốc độ tăng trưởng FDI sản xuất tại châu Á. |
Việt Nam là điểm sáng trong việc thu hút vốn đầu tư FDI
Với lợi thế nằm trên nhiều tuyến đường hàng hải, hàng không quốc tế, thuận lợi giao thương với thế giới, Việt Nam là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương. Cụ thể, Miền Bắc nằm gần Trung Quốc, miền Nam nằm gần các cửa ngõ giao thương.
Thêm vào đó, Việt Nam còn có lợi thế về chi phí nhân công, số liệu được Agriseco Research đưa ra cho thấy chi phí nhân công sản xuất của Việt Nam đạt khoảng 260 USD/tháng, rẻ hơn so với mặt bằng chung. Điều này sẽ giúp thu hút vốn FDI so với các quốc gia như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan.
Môi trường vĩ mô ổn định cùng nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp FDI cũng là một trong những điểm sáng trong việc thu hút FDI tại Việt Nam.
Số liệu từ Agriseco Research, giá thuê đất trung bình tại Việt Nam khoảng 112 USD/m2, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực tối thiểu 50%. Giá thuê được dự kiến duy trì ở mức ổn định khi nguồn cung tăng lên. Việc giá thuê trung bình tăng nhưng thấp hơn so với các khu vực châu Á vẫn sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI.
Mặc dù, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, nhưng với các lợi thế sẵn có cùng những hành động quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành và các tỉnh, Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho nhiều Nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Minh chứng rõ nét điều này là thu hút FDI của Việt Nam tính đến 20/9/2021, thu hút FDI của Việt Nam đã tăng trở lại, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.