IIP VIETNAM ĐỀ XUẤT PHƯƠNG HƯỚNG CẮT GIẢM CHI PHÍ LOGISTIC ĐỂ THU HÚT

Dịch vụ logistics (kho bãi, vận chuyển, các thủ tục về hàng hóa) là khâu không thể thiếu để đưa sản phẩm, hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Được coi là một trong ba yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh hút vốn FDI của Việt Nam, thế nhưng chi phí dịch vụ logistics quá cao, chiếm gần 21% GDP, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp đã và đang trở thành rào cản trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Việt Nam cần ngay lập tức có những phương hướng cắt giảm chi phí Logistics để chuẩn bị cho công cuộc "dọn tổ đón đại bàng"

Theo nghiên cứu của IIP, Việt Nam cần ngay lập tức có những phương hướng cắt giảm chi phí Logistics để chuẩn bị cho công cuộc "dọn tổ đón đại bàng" theo định hướng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

THỰC TRẠNG ĐÁNG LO NGẠI VỀ CHI PHÍ LOGISTICS TẠI VIỆT NAM

Chi phí logistics của Việt Nam so với thế giới

Chi phí logistics của Việt Nam so với thế giới

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có lần đã phải thốt lên rằng: “Chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp ba lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Vậy thì làm sao chúng ta cạnh tranh nổi!"

- Một container từ Cảng Container quốc tế Việt Nam (VICT) ở quận 7, TP.HCM, chuyển đi Vũng Tàu chỉ 120km nhưng tốn đến 5,2 triệu đồng. Riêng vé cầu, vé BOT 1,2 triệu đồng. Trong khi cũng container đó chuyển sang Singapore chỉ 1-2 triệu đồng. Và sang Thái Lan chỉ 5-10 USD/container.

- Một container tôm từ TP.HCM ra Hà Nội tốn tới 80 triệu đồng, trong khi chi phí chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 40 triệu đồng, Việt Nam sang Nhật là 15 triệu đồng.

Những câu chuyện hết sức vô lý trên đang cho thấy việc giảm chi phí logistics ở Việt Nam là hết sức CẤP BÁCH và vô cùng CẦN THIẾT để tăng tỷ lệ cạnh tranh thu hút FDI vào ngành bất động sản công nghiệp.

IIP VIETNAM ĐỀ XUẤT PHƯƠNG HƯỚNG CẮT GIẢM CHI PHÍ LOGISTICS TẠI VIỆT NAM

IIP VIETNAM đề xuất phương hướng cắt giảm chi phí logistics tại Việt Nam

IIP VIETNAM đề xuất phương hướng cắt giảm chi phí logistics tại Việt Nam

Theo IIP VIETNAM, để giảm chi phí logistics, Việt Nam cần gấp rút thực hiện những cải cách sau:

1. Cải cách hành chính: giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm thông quan. Ngoài ra Chính phủ cần quản lý tập trung về logistics, có thể thông qua Ủy ban quốc gia về logistics như một số quốc gia khác đã làm. Việc giao cho một bộ chuyên ngành như Bộ Giao thông vận tải trước đây hay Bộ Công Thương hiện nay đều gặp những hạn chế vì logistics là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác. 

2. Điều chỉnh lại thị phần vận tải: giảm vận tải đường bộ, tăng tỷ lệ vận tải bằng đường sắt và đường thủy; đồng thời tăng cường kết nối theo hướng liên kết vùng để sử dụng và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tránh tình trạng đầu tư phân mảnh, không phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, kết nối khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy hoặc kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng đường thủy nội địa. 

3. Cải thiện cơ sở hạ tầng vận tải: xóa bỏ những nút cổ chai đối với vận tải đường bộ cũng như đầu tư nâng cấp và mở rộng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đường sắt để có thể tăng tính kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác trong chuỗi vận tải đa phương thức. Thêm vào đó, cần gấp rút xác định vị trí xây dựng cảng trực tuyến quốc gia, đón tàu đi thẳng đến thị trường quốc tế, không qua trung chuyển. Trước mắt, khi chưa có cảng này thì thông qua sự điều tiết của Chính phủ, chúng ta sẽ chú trọng khai thác cụm cảng nước sâu đã xây dựng nhưng đang thừa công suất vì thiếu chân hàng. 

4. Cơ quan quản lý cần tập trung giảm những thành phần chi phí có thể tác động được, thuộc quyền ban hành chính sách như: giá nhiên liệu, phí cầu đường, phí BOT…; Đối với một số trục đường quan trọng ra các cảng có BOT thì Nhà nước nên nghiên cứu bỏ tiền ra mua lại các dự án này để giảm chi phí cho các Doanh nghiệp trong và ngoài nước.

5. Minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan và vận tải đường bộ bằng công nghệ 4.0 để chi phí không chính thức không còn là gánh nặng cho hoạt động logistics.

6. Đối với các công ty logistics: cần nâng cao năng lực chuyên môn cũng như tăng cường hợp tác giữa các công ty logistics như chia sẻ hàng hóa, qua đó cân đối luồng hàng vận chuyển hai chiều nhằm nỗ lực tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng; tận dụng và khai thác vận tải thủy nội địa nhằm giảm ách tắc tại các khu vực trọng điểm; xây dựng liên minh chiến lược với các công ty logistics nước ngoài, từ đó tạo dựng mối quan hệ cùng có lợi để có thể trực tiếp cung cấp các dịch vụ logistics quốc tế…

Thực tế cho thấy, trước khi ra quyết định đầu tư, các tập đoàn kinh tế trên thế giới thường quan tâm chỉ số chi phí logistics của nước sở tại. Do vậy, quốc gia nào có chi phí logistics thấp sẽ trở thành lợi thế trong cạnh tranh thu hút đầu tư cũng như giúp Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Song song với đó, xu thế mở cửa thị trường và cạnh tranh gay gắt là điểm nổi bật khi hội nhập sâu rộng. Bởi thế, giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để các Doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao vị thế khi hội nhập, đồng thời thu hút thêm nguồn vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Chat qua zalo