Khu công nghiệp 1.900 tỷ được đề xuất đầu tư tại Hải Dương
Ngày:29/08/2020 10:00:28 SA
Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trở nên vô cùng sôi động. Rất nhiều những tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã tham gia. Xu hướng bất động sản công nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển nguồn cung ứng cho thị trường. Vừa qua, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát đã nộp hồ sơ lên Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đề xuất thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Dựa vào thông tin đề xuất, dự án khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình có diện tích 180ha, tổng mức đầu tư gần 1.950 tỷ đồng (trong đó, vốn nhà đầu tư 292,4 tỷ, còn lại là vốn vay tín dụng, thương mại).
Tiến độ đầu tư dự án như sau: quý I/2021 thực hiện xong thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng và thu hồi đất; quý II/2021 khởi công giai đoạn 1 khoảng 100ha; quý IV/2022 hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 cho 80ha còn lại.
Giai đoạn từ năm 2023 - 2024 hoàn thành toàn bộ dự án. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Trước đó, vào tháng 4/2020, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình, huyện Nam Sách.
Theo phê duyệt, chủ đầu tư lập quy hoạch là Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát, còn đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam. Vị trí quy hoạch khu công nghiệp thuộc địa phận các xã Quốc Tuấn, An Bình và An Lâm, huyện Nam Sách.
Quy mô tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 180ha, trong đó, đất trung tâm điều hành - dịch vụ 2,1ha; đất xây dựng nhà máy - kho tàng hơn 130ha; đất công trình đầu mối hạ tầng kĩ thuật hơn 5,3ha; đất cây xanh mặt nước hơn 18,1ha; đất giao thông 22,4 ha…
Qui mô dân số lao động vào khu công nghiệp dự kiến khoảng 12.000 người. Mục tiêu của khu công nghiệp là thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp với các loại hình như công nghiệp chế tạo và lắp ráp linh kiện cơ khí, điện tử; công nghiệp chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng; các ngành công nghiệp phụ trợ…
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 được thành lập vào tháng 9/2019, do ông Phạm Văn Tuấn làm đại diện. Ngoài ra, ông Tuấn còn đại diện các doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Ngôi sao Xanh, Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát là công ty con của Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) – thành viên Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH). Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 10/2017 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Về Tập đoàn An Phát Holdings, doanh nghiệp đã từng chi gần 800 tỷ đồng mua lại dự án khu công nghiệp An Phát Complex với diện tích 46ha tại Hải Dương. Đây cũng là một cái tên có tiếng trong thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
An Phát Complex trước đây có tên gọi là khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark, vốn là dự án của một nhà đầu tư Đài Loan đã bị bỏ hoang hơn 10 năm (được cấp giấy chứng nhận thực hiện dự án đầu tư năm 2006).
Sau khi tiếp nhận khu công nghiệp này, AAA và Tập đoàn An Phát Holdings đổi tên thành An Phát Complex. An Phát Holdings cũng đã chuyển các nhà máy của mình như An Cường, An Thành Bicsol, An Trung và An Vinh về khu công nghiệp này.
Chia sẻ lý do đầu tư vào An Phát Complex, Tập đoàn An Phat Holdings từng cho biết đơn vị muốn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại cho các dự án của tập đoàn, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD năm 2018...
Tập đoàn xác định vòng đời dự án khoảng 39 năm (2018 - 2056), thời gian hoàn vốn là 10 năm 6 tháng. Doanh thu của khu công nghiệp chủ yếu sẽ đến từ việc cho thuê lại đất có hạ tầng trong 40 năm và cho thuê nhà xưởng hoàn thiện, phần còn lại đến từ thu phí xử lý nước thải và thu phí sử dụng hạ tầng.
Xu hướng bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt trước làn sóng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc với nhu cầu rất lớn đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay đang là thời cơ rất lớn cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam bùng nổ.