TẠI SAO NGÀY CÀNG NHIỀU “ĐẠI GIA” CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI CHUYỂN CHUỖI SẢN XUẤT SANG VIỆT NAM?
Ngày:18/07/2020 10:55:10 SA
Trong làn sóng chuyển dịch đầu tư và mở rộng sản xuất diễn ra rõ nét trên thế giới trong thời gian vừa qua, Hàn Quốc là nhà đầu tư hàng đầu có nhiều hoạt động chuyển dịch vào Việt Nam năm ngoái với tổng giá trị đầu tư là 7,92 tỷ đô la Mỹ. Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, nổi bật phải kể đến LG Electronics, khi mà gần đây hãng này đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ Hàn Quốc đến thành phố Hải Phòng, Việt Nam, theo thông báo của Bộ Công thương.
Để chuẩn bị cho sự chuyển dịch quy mô lớn của LG Electronics, theo tinh thần “dọn tổ đón đại bàng”. Tại một hội nghị gần đây giữa chính quyền thành phố Hải Phòng và các địa phương, chính quyền thành phố đã đề xuất mở rộng Khu kinh tế Đinh Vũ - Cát Hải và Khu công nghiệp Tràng Duệ để tạo điều kiện cho LG mở rộng hoạt động sản xuất. Kể từ năm 2015, LG đã đầu tư một nhà máy trị giá 1,5 tỷ đô la tại khu Công nghiệp Tràng Duệ và sắp tới hãng này sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.
Ngoài LG và các doanh nghiệp Hàn Quốc, Panasonic Nhật Bản đang lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất tủ lạnh và máy giặt công suất lớn từ Thái Lan sang Việt Nam vào đầu tháng 9 để cải thiện hiệu quả chi phí cho hãng.
Một ông lớn khác trong làng Công nghệ thế giới - Apple - thông qua nhà thầu chính Foxconn, cũng đã mở rộng sản xuất tai nghe không dây - AirPods - tại Việt Nam lên bốn triệu sản phẩm trong quý hai, tương đương 30% tổng sản lượng AirPods cần sản xuất. Bên cạnh đó, trong vài tháng qua, Apple đã đăng tải nhiều vị trí tuyển dụng tại Việt Nam trên LinkedIn, như một dấu hiệu cho thấy hãng này đang mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Việc mở rộng chuỗi sản xuất và đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử trong nửa đầu năm nay, mặc dù ngành này bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của đại dịch Covid-19. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã tăng 24% trong giai đoạn này, và đạt giá trị 19,3 tỷ đô la Mỹ, trong khi xuất khẩu điện thoại di động và phụ kiện thiết bị di động đứng đầu với giá trị xuất khẩu lên đến 21,5 tỷ đô la Mỹ.
Theo chuyên gia kinh tế của tổ chức quốc tế UBS, Việt Nam là một trong những điểm sáng nhất ở Châu Á, bất chấp những khó khăn mà đại dịch coronavirus đã đem lại. Đồng thời, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid 19, nền kinh tế của Việt Nam đã sẵn sàng để hồi phục. “Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp đã thực sự tăng trong tháng 6, đây là tín hiệu khả quan hơn, so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực”, ông Edward Teather, nhà kinh tế Asean tại UBS Research phát biểu với báo chí. Việt Nam đang phát triển và có vị trí tốt để tiếp tục chiếm thị phần toàn cầu về xuất khẩu trong tương lai, theo ông Teather.
Vậy nguyên nhân gì đã khiến cho các ông lớn công nghệ nước ngoài đầu tư vào hoạt động sản xuất tại Việt Nam giúp cho ngành sản xuất nước ta khởi sắc hơn trong thời gian vừa qua. Dựa trên các phân tích từ Báo chí nước ngoài, môi trường đầu tư của Việt Nam có nhiều lợi thế và điểm sáng để thu hút các Ông lớn “rút hầu bao”. Cụ thể, Việt Nam có những động lực nội tại và cả những yếu tố khách quan để trở thành một môi trường đầu tư hấp dẫn.
1. Tăng trưởng kinh tế
Theo thống kê của tổ chức Ngân hàng Thế giới World Bank, nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong tương lai gần. Các quốc gia cũng đã chứng kiến Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ ba ở Đông Nam Á. Nền kinh tế cũng được dự đoán sẽ có một sự thay đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, do đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.
2. Chính sách ưu đãi thuận lợi
Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai, cung cấp các ưu đãi cho các công ty đa quốc gia đầu tư vào nước này. Ví dụ, các công ty đầu tư công nghệ cao hoặc chăm sóc sức khỏe đang được hưởng các ưu đãi áp dụng với nhiều loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu... Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh thích hợp đối với các quy định để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã được ghi nhận có hiệu quả thực tế khi Việt Nam thu 24,4 tỷ đô la Mỹ giá trị đầu tư nước ngoài.
3. Gia tăng dân số
Việt Nam hiện đứng thứ mười lăm trên thế giới về quy mô dân số. Dân số Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 105 triệu người vào năm 2030. Dân số ngày càng tăng cho thấy Việt Nam là một thị trường rộng lớn sẵn sàng cho tiêu thụ khối lượng đồ sộ hàng hóa sản xuất. Ngoài ra, với chi phí kinh doanh tăng lên ở Trung Quốc, Việt Nam đang cung cấp một giải pháp thay thế với lực lượng lao động dồi dào và chi phí thấp hơn. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những phù hợp khi hài hòa sự tăng trưởng dân số với thúc đẩy đầu tư lĩnh vực giáo dục nhằm đào tạo lực lượng lao động lành nghề và có trình độ chuyên môn, kĩ năng ngày càng được nâng cao
4. Cơ sở hạ tầng bùng nổ
Những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã thực sự phát triển bùng nổ. Chính phủ đã chú trọng đầu tư vào các cảng, đường cao tốc và bệnh viện mới, đồng thời nâng cấp các hệ thống cơ sở hạ tầng cũ. Điều này giúp cho việc di chuyển quốc nội trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ký hợp đồng với các công ty quốc tế để hỗ trợ cải thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng mới, đơn cử như dự án cải thiện tuyến đường sắt kết nối Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, trong thời gian tới Việt Nam sẽ đầu tư 921 triệu đô la Mỹ để cải thiện tình trạng của các khu công nghiệp.
5. Vị trí chiến lược
Vị trí chiến lược của Việt Nam mang lại nhiều ưu thế so với các nền kinh tế Đông Nam Á khác. Cụ thể, Việt Nam có vị trí tương đối gần với hầu hết các thị trường ở châu Á đặc biệt là thị trường khổng lồ với 1 tỷ dân - Trung Quốc. Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng khiến Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, với đường bờ biển thông thoáng, trải dài, Việt Nam gần kề các tuyến vận chuyển hàng hải lớn của thế giới, do đó tại đây có được các điều kiện giao dịch tốt hơn.
6. Các Hiệp định thương mại đem tới nhiều lợi ích.
Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường mới tiềm năng.
Tự do hóa thương mại nói chung và các FTA thế hệ mới buộc nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam, phải tái cấu trúc, mở ra những thị trường mới và tạo sức hút về hàng hóa. Trong thời gian tới, khi việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu thì xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Việc tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới… sẽ tạo điều kiện và động lực cơ hội để thay đổi, cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Ngoài các nguyên nhân nội tại khiến cho Việt Nam trở thành một môi trường lí tưởng để đầu tư. Thì các tác động khách quan từ tình hình thế giới cũng làm cho làn sóng dịch chuyển đầu tư của nhiều Ông lớn hướng về Việt Nam.
Cụ thể khi mà chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang căng thẳng, rất nhiều doạnh nghiệp đa quốc gia buộc phải chuyển hoạt động sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc để tránh vấp phải những rào cản thuế quan đầy bất lợi. Trong khi đó, như đã phân tích, Việt Nam là một quốc gia liền kề Trung Quốc, có nhiều ưu thế và lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp hơn, chắc hẳn sẽ là một lựa chọn cực kì tốt cho những ai muốn gia nhập vào cuộc dịch chuyển sản xuất toàn cầu này.
Thêm vào đó, bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhưng lại được kiểm soát hiệu quả và chặt chẽ tại Việt Nam, đã góp phần khiến Việt Nam trở thành điểm sáng, một môi trường đầu tư an toàn, cho các nhà đầu tư quốc tế.