Đầu tư Khu công nghiệp Bình Phú

Ngày 22/7/2022, Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 883/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Bình Phú, tỉnh Hòa Bình với các nội dung chủ yếu sau đây:

Nhà đầu tư của Khu công nghiệp Bình Phú: Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ (Phú Mỹ Group)

Quy mô sử dụng đất của Khu công nghiệp Bình Phú: 214,29 ha (không bao gồm 21,57 ha đất rừng, giữ nguyên chức năng đồi núi). Diện tích đất 214,29 ha này bao gồm phần diện tích đất đã cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất và phần diện tích đất còn lại để nhà đầu tư thuê đất, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Tổng vốn đầu tư của Khu công nghiệp Bình Phú: Nhà đầu tư xác định lại tổng vốn đầu tư của dự án trên cơ sở quy mô sử dụng đất của dự án và phương án hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã được sử dụng cho dự án, đảm bảo vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Địa điểm thực hiện Khu công nghiệp Bình Phú: Xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Tiến độ thực hiện Khu công nghiệp Bình Phú: Không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình hướng dẫn Nhà đầu tư cụ thể tiến độ thực hiện dự án theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014.

Thời hạn hoạt động của Khu công nghiệp Bình Phú: 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Ưu đãi đầu tư đối với Khu công nghiệp Bình Phú: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cũng tại Quyết định của Thủ tướng có giao:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc theo dõi, chỉ đạo các khu công nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình:

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và các nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành; thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc đổi tên khu công nghiệp Mông Hóa thành khu công nghiệp Bình Phú theo đề xuất của Nhà đầu tư và giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có) cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trước đây tại khu công nghiệp Mông Hóa khi đổi tên khu công nghiệp Mông Hóa thành khu công nghiệp Bình Phú.

- Chỉ đạo các cơ quan có liên quan quyết toán phần vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư cho khu công nghiệp Mông Hóa (trước đây) theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án và theo quy định của pháp luật. Đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.

- Kiểm tra, xác định việc Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện dự án.

- Có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai; chịu trách nhiệm về việc xác định diện tích rừng trong phạm vi dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xử lý các vướng mắc phát sinh (nếu có) và chỉ đạo thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, Nghị quyết số 413/NQ-HĐND ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình, trong đó lưu ý có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

- Đối với diện tích đất rừng (21,57 ha) giữ nguyên chức năng đồi núi theo quy hoạch: chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện theo quy định về giao rừng sản xuất hoặc cho thuê rừng sản xuất theo quy định của Luật Lâm nghiệp; thực hiện quản lý, khai thác đối với diện tích đất này theo quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật về đất đai; không được chuyển mục đích sử dụng phần diện tích này sang mục đích khác và yêu cầu Nhà đầu tư đưa phần diện tích đất này (21,57 ha) ra khỏi phạm vi và quy mô sử dụng đất của dự án.

- Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý (nếu có) cần đảm bảo đáp ứng tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 14a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP).

- Chỉ đạo các cơ quan có liên quan cập nhật vị trí và diện tích sử dụng đất của khu công nghiệp Bình Phú vào quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm 2021-2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan thời kỳ 2021-2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đất đai, trong đó đảm bảo quy mô sử dụng đất của khu công nghiệp Bình Phú nằm trong chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Hòa Bình tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022.

Được biết, Phú Mỹ Group được thành lập vào tháng 6/2001, có địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tiền thân là Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp và Hạ tầng. Doanh nghiệp được sáng lập bởi doanh nhân Chu Đức Lượng sinh năm 1969.

Phú Mỹ Group hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp; thi công xây dựng các công trình; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị; sản xuất vật liệu xây dựng.

Về vốn điều lệ, tính đến tháng 9/2018, Phú Mỹ Group có vốn điều lệ 800 tỉ đồng, đến tháng 4/2021, vốn điều lệ của Phú Mỹ Group tăng mạnh lên mức 1.509 tỉ đồng.

Được biết, ông Chu Đức Lượng hiện đang đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập của CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (Mã CK: VPI). Ngoài ra, ông Chu Đức Lượng Lượng còn đứng tên tại Công ty TNHH Bình Phú Invest, Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình, CTCP Vạn Phúc New.

Trong đó, Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Nhuận Trạch, tỉnh Hòa Bình (quy mô 200ha, tổng vốn đầu tư 2.389,5 tỉ đồng). Công ty này được thành lập vào tháng 2/2021, do ông Chu Đức Lượng góp 366 tỉ đồng, sở hữu 100% vốn điều lệ (tại ngày 12/8/2021).

Trong tháng 5 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Hòa Phú Invest – thành viên của Phú Mỹ Group – làm chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1 với quy mô 85ha, tổng vốn đầu tư 1.093 tỉ đồng tại tỉnh Bắc Giang.

Phú Mỹ Group sở hữu 6 công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thi công, thực hiện dự án, trong đó nổi bật là đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Tại Bắc Giang, vào năm 2016, Phú Mỹ Group đã khởi công xây dựng dự án Khu công nghiệp Hòa Phú tại huyện Hiệp Hòa với quy mô 207ha.

Trên địa bàn TP Hà Nội, Phú Mỹ Group được biết đến là chủ đầu tư một số dự án như: Khu công nghiệp Phú Nghĩa (170ha); Khu nhà ở Phú Mỹ, số 6 Ngô Quyền, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông; Khu nhà ở Tiên Phương tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ.

Trong lĩnh vực xây lắp, Phú Mỹ Group là nhà thầu xây dựng dự án BOT cầu Văn Lang (cầu Việt Trì – Ba Vì) bắc qua sông Hồng. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 9,5 km, nối liền đất tổ Hùng Vương với thủ đô Hà Nội, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng.

Tháng 2/2022, Phú Mỹ Group còn liên danh cùng CTCP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Thương mại – Đầu tư Xây dựng Thành Lợi và CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (Mã CK: VPI) ký thoả thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021 – 2025) là 13.181 tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Thủ tướng chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư 12 khu công nghiệp trên cả nước.

Chat qua zalo