Khẩn trưởng mở rộng quỹ đất khu công nghiệp để đón sóng đầu tư nước ngoài
Ngày:09/07/2020 03:10:25 CH
Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang là nỗi e ngại của nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc. Với vị trí địa lý tiếp giáp Trung Quốc, thuận tiện cho giao thương quốc tế, nằm trong khu vực kinh tế năng động và có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, lực lượng lao động dồi dào, nhân công giá rẻ, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội đón làn sóng nhà đầu tư ngoại hậu dịch.
Đẩy nhanh công cuộc mở rộng quỹ đất khu công nghiệp
Nửa đầu tháng 5, tỉnh Long An đã khởi công liên tiếp hai khu công nghiệp (KCN) có quy mô lớn để đón các nhà đầu tư.
Với diện tích hơn 1.800 ha, KCN Việt Phát được xem là một trong những KCN lớn nhất tại phía Nam vừa được chính thức khởi công. Trong đó, diện tích đất dành cho KCN là hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625 ha. Dự án được chủ đầu tư kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An nói riêng và góp phần đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19 của Việt Nam nói chung.
KCN Việt Phát sẽ ưu tiêu phát triển mảng xanh, ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới nhất trong quản lý, vận hành, xử lý rác thải, bảo vệ nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên.
Ông Lê Thành, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An, chủ đầu tư KCN Việt Phát cho biết phần lớn diện tích KCN sẽ dành cho ngành chế biến nông sản. Lý do là sau dịch bệnh, xu hướng tiêu thụ thực phẩm của thế giới sẽ gia tăng. KCN lại nằm ở trung tâm của một vùng nguyên liệu nông sản nên cần dành diện tích lớn để đáp ứng nhu cầu này. Phần còn lại ưu tiên những ngành sản xuất công nghệ cao để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.
“Bên cạnh đó, chủ đầu tư sẽ tập trung phát triển hạ tầng để vừa kết nối KCN với các tỉnh, thành, cảng biển…, vừa giúp phát triển kinh tế địa phương, người dân khu vực hưởng lợi” - ông Thành nói.
Đầu năm 2020, KCN Becamex Bình Định cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. KCN này sẽ có quy mô 1.000 ha tại huyện Vân Canh, Bình Định với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng. Ngoài diện tích 1.000 ha phục vụ công nghiệp, dịch vụ, Becamex Bình Định còn có hơn 400 ha để làm đô thị, dịch vụ và các tiện ích công cộng.
KCN Becamex Bình Định được kỳ vọng trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, thương mại đặc biệt cho các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam - Trung Lào, Thái Lan.
Trước đó, dự án KCN Đức Hòa III - SLICO có tổng diện tích hơn 195 ha cũng được khởi công tại Long An. Đây là KCN lớn thứ ba trong cụm 13 KCN của Đức Hòa III. Chủ đầu tư định vị đây là khu đô thị dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù cho ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và chế biến.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam, cơ hội trải rộng toàn quốc
Đối với các tỉnh thành phía Bắc có lợi thế tiếp giáp Trung Quốc, cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc. Không vì thế mà thị trường Bất động sản khu vực phía nam bớt sôi động.
Đối với các tỉnh phía Nam, Long An có vị trí chiến lược, là cửa ngõ của TP.HCM với 12 tỉnh, thành ĐBSCL nên nhiều nhà đầu tư tập trung phát triển các KCN tại đây. Việt Nam có thể là điểm mở rộng của các nhà đầu tư đang đầu tư tại thị trường rộng lớn Trung Quốc. Thế mạnh của các KCN hiện nay ngoài vị trí còn phải có diện tích lớn để đáp ứng những cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó thị trường bất động sản công nghiệp Bà Rịa - Vúng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai... vẫn đang đón nhận đầu tư của nhiều dự án mới trong và ngoài nước.
Để thành công trong thu hút dòng vốn dịch chuyển hiệ nay đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cần phải tạo lập được những điều kiện thuận lợi, nhà đầu tư an tâm về môi trường khi tổ chức sản xuất, quản trị mà không phải tốn nhiều thời gian để lo về công nghệ, rác thải, môi trường hay năng lượng tái tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, chúng ta cũng không được "dễ dãi" trước các dự án có nguy cơ ảnh hưởng về môi trường địa phương.