LOẠI HÌNH KHU CÔNG NGHIỆP NÀO SẼ LÀ XU HƯỚNG TRONG GIAI ĐOẠN 2020 - 2030?

Xu hướng nở rộ của bất động sản công nghiệp thời gian gần đây đã kéo theo việc xuất hiện rất nhiều loại hình Khu công nghiệp khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của các Nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là: "Loại hình khu công nghiệp nào sẽ trở thành xu hướng trong giai đoạn tới?" 

Theo đánh giá của IIP VIETNAM, loại hình khu công nghiệp - cảng biển Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là hai loại hình tiềm năng, dễ dàng trở thành xu hướng tất yếu góp phần thu hút đầu tư, phát triển không gian đô thị, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nước nhà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xu hướng phát triển khu công nghiệp - cảng biển 

Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà

Hiện nay, việc hình thành các khu công nghiệp (KCN) bên cạnh cảng biển đang trở thành xu hướng tất yếu. Không chỉ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, mà còn là một trong những yếu tố phục vụ rất tốt cho dịch vụ hậu cần cảng biển và ngành dịch vụ logistics. Đây là 2 yếu tố hỗ trợ nhau và tạo nên thế mạnh cho những vùng, địa phương có thế mạnh về cảng biển. Ở Việt Nam, xu hướng KCN gắn với cảng biển phát triển ngày càng nở rộ và phát huy hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, KCN là một loại hình kinh tế đặc biệt, có tính đặc thù là sử dụng nhiều đất đai, thời gian tồn tại lâu dài, có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội và đặc biệt là môi trường. Quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng, phát triển các KCN phải đảm bảo nguyên tắc tối ưu là phải ở gần sân bay, bến cảng, các trục giao thông chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất... Trong các yếu tố này, vị trí của cảng biển là quan trọng nhất nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Đồng thời, địa điểm xây dựng các KCN phải được hình thành trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội của các vùng, địa phương, lãnh thổ, gắn mục đích phát triển kinh tế của địa phương với chuỗi liên kết kinh tế trong nước và đặt trong mối quan hệ với thương mại thế giới. Việc quy hoạch phải đảm bảo quy hoạch vùng, ngành gắn với an ninh, quốc phòng, nhằm phát huy tốt lợi thế so sánh và phù hợp với cơ cấu nguồn lao động; Sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực, bảo vệ môi trường, đồng thời lấy các KCN làm hạt nhân để hình thành các khu đô thị mới...

Các cảng từ trước đến nay đều hình thành như là một phần không thể tách rời của đô thị và cũng từng là trung tâm của đô thị trong những ngày đầu mới thành lập. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của đô thị và cảng, các chức năng cảng cũng như các chức năng đô thị được mở rộng, kéo theo hậu quả là đô thị và cảng bị chia cắt rõ rệt. Do đó, việc liên kết đô thị và KCN, khu cảng là vấn đề cần giải quyết của nhiều nước trên thế giới.

Xu hướng phát triển Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ

Xu hướng bất động sản công nghiệp Việt Nam đi theo mô hình KCN đô thị dịch vụ có nghĩa là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN. Trong mô hình này, ngoài khu chức năng là khu sản xuất công nghiệp còn có các khu chức năng khác, như: trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí... để tạo một môi trường sống và làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động. Đây cũng là những đô thị vệ tinh nhằm mục đích giãn dân cư tại các khu trung tâm thành phố vốn đã đông đúc, chật chội.

Mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có những tiêu chí cụ thể như quy hoạch công nghiệp phải gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng phải được xây dựng đồng bộ và hiện đại đáp ứng quá trình đô thị hóa. Trong đó các khu đô thị hiện đại với hệ thống tiện ích đồng bộ đáp ứng được nhu cầu riêng cho người lao động chất lượng cao như các chuyên gia nước ngoài, quản lý cấp cao, chuyên viên kỹ thuật… đang bắt đầu hình thành và được các nhà đầu tư hướng đến.

Theo đánh giá của IIP VIETNAM loại hình Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là xu hướng tất yếu, phù hợp với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam. Hầu hết các Chủ đầu tư có tầm nhìn dài hạn đều muốn hướng đến loại hình KCN này. Và nếu phát triển được dự án khu đô thị công nghiệp, chắc chắn sẽ tăng sức hút với các khách thuê là nhà đầu tư nước ngoài.

Nói cách khác, sản phẩm tạo nên giá trị gia tăng cho chủ đầu tư, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm hàng hóa đặc thù. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát triển thành công mô hình này, như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức… Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng đầu tư đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề KCN, tạo thành tổng thể một KCN, đô thị, dịch vụ, như: KCN đô thị dịch vụ VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi…

Việc phát triển mô hình này sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong KCN và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp quốc tế với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.

Quý đối tác có nhu cầu lập quy hoạch, thiết kế hoặc tìm hiểu thêm về khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp - cảng biển vui lòng liên hệ với IIP VIETNAM qua:

- Email: info@iipvietnam.com

- Hotline: 1900 888 858

Chat qua zalo