Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp


Đề án "Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025" của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt tháng 4-2018. Ðề án tập trung hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng, có nhu cầu khởi nghiệp, cũng như các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), nhóm liên kết, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Sau khi đề án được thông qua, các cấp Hội Phụ nữ đã có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để hỗ trợ chị em như: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho phụ nữ mới khởi nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ; hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hướng dẫn chị em thành lập các HTX, nhóm liên kết, hợp tác; phát hiện các cá nhân, nhóm cá nhân là nữ có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ tham gia vào hệ thống vườn ươm, các chương trình khởi nghiệp; vận động nữ doanh nhân đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh…

Sau hai năm triển khai, đề án đã thu được nhiều kết quả tích cực. Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Thị Kim Anh, thành phố đã giúp hơn 1.350 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; thành lập 10 HTX và 53 tổ hợp tác, tổ liên kết. Riêng năm 2019 vừa qua, Hội LHPN Hà Nội đã hỗ trợ 680 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, tổ chức 180 lớp tập huấn. Thông qua các hoạt động này, hội viên được tiếp cận với những kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, những ý tưởng sáng tạo, khả năng ứng dụng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn đã được hỗ trợ, tuyên truyền rộng rãi, đem lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vốn, kiến thức. Mặt khác, do ảnh hưởng của quan niệm cũ, cho nên việc phụ nữ bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh, nhất là ở khu vực nông thôn còn gặp định kiến. Việc triển khai đề án hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp vừa giúp chị em có kiến thức, được hỗ trợ vốn; đồng thời, giúp họ tự tin hơn khi đảm nhiệm vai trò làm chủ các doanh nghiệp.

Quận Thanh Xuân là một trong những địa phương triển khai hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp một cách bài bản. Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Trịnh Thị Hồng Thủy, Hội đã tuyên truyền, triển khai hướng dẫn thực hiện Ðề án tới 1.500 cán bộ hội phụ nữ cơ sở. Cùng đó, tổ chức 12 lớp tập huấn phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh tế cho 100% cán bộ hội, tổ chức năm hội nghị tuyên truyền kiến thức pháp luật và tư vấn hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ mới khởi nghiệp, nữ doanh nhân, thu hút 320 chị em kinh doanh tham gia. Qua đó, Hội LHPN quận đã giúp đỡ 51 chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua tín chấp cho 46 hộ vay vốn hơn 2 tỷ đồng.

Tại khu vực ngoại thành, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp diễn ra sôi nổi hơn, nhất là tại khu vực có những làng nghề. Huyện Mê Linh vốn nổi tiếng là đất trồng hoa. Tuy nhiên, những năm qua, người dân vẫn chủ yếu nhân giống, canh tác bằng phương pháp truyền thống. Phương pháp này có nhược điểm là tỷ lệ cây sống không cao, cây mang nhiều mầm bệnh. Ðược sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, chị Lưu Thị Thanh Tuyền (xã Ðại Thịnh) đã tìm hiểu, áp dụng phương pháp khoa học nuôi cấy mô tế bào thực vật để tạo ra những cây hoa khỏe, khắc phục những nhược điểm nêu trên. Chị và cộng sự chọn giống cây sạch để vào mẫu, nhân phôi trong phòng thí nghiệm rồi nuôi cấy theo quy trình bảo đảm khoa học. Nhờ phương pháp nuôi cấy mô, doanh nghiệp của chị có thể sản xuất hơn 20 loại giống hoa cúc, hoa đồng tiền, cung cấp giống cho thị trường. Tại huyện Phú Xuyên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã khảo sát nhu cầu thực tế của chị em tại làng nghề truyền thống sản xuất giày dép da và thành lập "Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh giày dép da", kết nối giúp các thành viên tiếp cận, trao đổi kiến thức, kỹ năng, áp dụng công nghệ mới để sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Các làng nghề như: Làng Chuông (làm nón ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai), làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm)… đều xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, từ chỗ sản xuất theo mô hình kinh tế hộ gia đình, nhiều chị em chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thành lập doanh nghiệp. Ðiển hình chị Nguyễn Thị Mùi, người sáng lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) sản xuất và kinh doanh các sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; chị Phạm Ngọc Anh - Tổ hợp tác và tiêu thụ rau an toàn Ðặng Xá (huyện Gia Lâm)…

Từ những kết quả nêu trên, năm 2020, các cấp Hội Phụ nữ thành phố phấn đấu hỗ trợ 300 phụ nữ khởi sự kinh doanh; ít nhất 90% số cán bộ hội tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức và phương pháp hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nhất là khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn...

 

Nguồn: nhandan.com

Chat qua zalo