Suất đầu tư vào khu công nghiệp Bắc Giang tối thiểu 100 tỷ đồng cho 1ha

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang năm 2022 ước đạt 19,8%, gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Đây là năm thứ ba liên tiếp Bắc Giang tăng trưởng cao (năm 2020 và 2021, Bắc Giang tăng trưởng lần lượt 13,02% và 7,82%). Từ vị trí thứ 15 toàn quốc, thứ 2 vùng Trung du miền núi phía bắc. Tỉnh Bắc Giang đã vượt qua Thái Nguyên và Vĩnh Phúc để vươn lên vị trí thứ 13 cả nước và đứng đầu vùng Trung du miền núi phía bắc.

Trong vài năm trở lại đây, Bắc Giang là tỉnh có sức hút lớn trước các nhà đầu tư nước ngoài nhờ nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện cùng các chính sách hấp dẫn đầu tư. Điển hình như việc thu hút được Tập đoàn Foxconn tới đầu tư và tiếp tục mở rộng sản xuất đã góp phần tăng thu hút FDI, phát triển công nghiệp mạnh mẽ, tạo đà tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đánh giá: Cho dù, trong thu hút vốn FDI, Bắc Giang có một số bất lợi nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến quyết định đầu tư vào tỉnh của nhiều nhà đầu tư, như tiền thuê đất hay nhân công ở Bắc Giang không phải rẻ so với lại rất nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, Bắc Giang lại có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, việc gần Hà Nội nên đi lại giao thương hàng hóa rất thuận tiện. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng khá tốt, liên tục được nâng cấp, cải thiện trong thời gian vừa qua.

Trong dịp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam thăm và làm việc tại Bắc Giang diễn ra vào tháng 4/2022, ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore, cho rằng, Bắc Giang có 3 lợi thế mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn. Thứ nhất là vị trí địa lý thuận lợi cho kết nối với sân bay, cảng biển. Thứ hai là nguồn lao động dồi dào, được đào tạo. Thứ ba là chính quyền thân thiện, luôn tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Bắc Giang có sức hút vô cùng lớn trước các nhà đầu tư nước ngoài.

Bắc Giang là tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, ngoài tỉnh Bắc Giang thì mới có tỉnh Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là điều rất quan trọng, giống như mở ra cánh cửa lớn để thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh.

Theo ông ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, nhà đầu tư muốn đầu tư nhà máy trong khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang phái đáp ứng các tiêu chí sau:

Tiêu chí thứ nhất: Suất đầu tư tối thiểu phải 100 tỷ đồng/ha, đây là suất đầu tư rất cao và chưa có tỉnh, thành phố nào ở Việt Nam có yêu cầu cao như vậy.

Tiêu chí thứ hai: Nhà đầu tư phải đảm bảo lao động không được quá 350 người/ha. Mặc dù yêu cầu cao nhưng các doanh nghiệp vào Bắc Giang đầu tư đều đáp ứng được những yêu cầu này, thậm chí là còn vượt xa yêu cầu của tỉnh.

Tiêu chí thứ ba: Công nghệ sử dụng phải chiếm khoảng 30% tổng mức đầu tư.

Những quy định trên thể hiện rõ tinh thần không thu hút vốn đầu tư ồ ạt mà phải có chọn lọc của Bắc Giang. Những doanh nghiệp sản xuất bằng công nghệ đơn giản sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của tỉnh và chỉ còn những doanh nghiệp có công nghệ tốt được đầu tư vào Bắc Giang, từ đó tạo sự phát triển bền vững.

Mặc dù tiêu chí đầu tư nhà máy trong khu công nghiệp ở Bắc Giang cao như vậy nhưng trong 5 năm qua, thu hút FDI của Bắc Giang luôn nằm trong 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước. Trong 11 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 1,07 tỷ USD, xếp thứ 9 cả nước. Trong đó, cấp mới 33 dự, vốn đăng ký mới đạt 403,79 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 41 dự án, vốn đăng ký điều chỉnh đạt 601,95 triệu USD.

Cũng theo ông Cường cho biết, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ quy hoạch 29 KCN với 7.000 ha. Cùng với đó, tỉnh đang triển khai thêm một số KCN mới, sẵn sàng quỹ đất để thu hút đầu tư. Ban quản lý KCN được giao nhiệm vụ, cứ mỗi năm thu hút ít nhất khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư.

Ông Đào Xuân Cường cho biết thêm, Bắc Giang đã xác định công nghiệp là trụ cột của nền kinh tế và đóng góp rất lớn cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, Bắc Giang chú trọng phát triển KCN để tạo nguồn thu ngân sách, rồi thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ, từ đó tạo phát triển cho toàn bộ kinh tế của tỉnh.

Công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Lấy công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, Bắc Giang đã thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư.

Trong năm 2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN công nghệ cao Việt Hàn, huyện Việt Yên. KCN này có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường (ưu tiên bố trí các ngành công nghiệp nhẹ, thân thiện với môi trường giáp khu vực dân cư, hạn chế thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào trong KCN).

Hiện nay, Bắc Giang đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao như: Apple Watch, máy bay không người lái, một số sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện, sản phẩm quang học, pin năng lượng mặt trời... Đây là những sản phẩm công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; là những sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Bắc Giang đang tiến hành quy hoạch KCN Xuân Cẩm - Hương Lâm, KCN này tập trung phát triển theo hướng KCN xanh, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Diện tích lập quy hoạch khu công nghiệp khoảng 224 ha, dân số lao động khoảng 15.000 người.

Đồng thời, KCN Xuân Cẩm - Hương Lâm phát triển đa ngành, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm các lĩnh vực ngành nghề sản xuất như: Sản xuất, chế tạo thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin...; sản xuất, chế tạo cơ khí, chế tạo máy móc, thiết bị; sản xuất hàng tiêu dùng (không bao gồm các dự án thuộc ngành dệt may, da giày...).

Năm 2023, Bắc Giang tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, 14,3%, và đang chuẩn bị mọi điều kiện để đón làn sóng đầu tư mới.

Chat qua zalo